Nhiều nhóm tình nguyện không thể ngồi yên, tiếp tục chuyển lương thực thực phẩm, rau củ quả và những phần cơm miễn phí đến các khu cách ly, phong tỏa, khu trọ nhằm hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Anh Lê Phú Cường (36 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển xây dựng Lê Nguyễn, H.Hóc Môn (TP.HCM), cùng nhóm thiện nguyện là những doanh nhân và người làm việc trong lĩnh vực truyền thông thực hiện “Bếp ăn yêu thương 0 đồng, chia sẻ cùng Sài Gòn chống dịch Covid-19”. Anh cho biết: “Nếu như trước đây, mỗi ngày bếp ăn của chúng tôi nấu khoảng 600 suất cơm mặn (có cá, thịt, canh, xào, kèm tráng miệng) để hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu và bà con gặp khó khăn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì kể từ ngày 23.8 đến nay, chúng tôi đã tăng công suất của bếp ăn mỗi ngày từ 800-1.000 suất cơm”.
Lý giải về việc tăng suất cơm lên mỗi ngày, anh Cường nói: Khi TP.HCM áp dụng chỉ thị 16 theo hình thức ai ở đâu thì ở yên đó bắt đầu từ ngày 23.8, thì chúng tôi nhận thấy có nhiều người khó khăn cần được hỗ trợ hơn nữa nên mình cần phải làm nhiều phần cơm hơn để mong tặng được cho nhiều người có cơm ăn mỗi ngày”.
Ngoài việc nấu tặng những suất ăn miễn phí, anh Cường còn cho biết thêm: “Kể từ ngày 23.8 đến nay, Bếp ăn yêu thương 0 đồng còn tặng hàng trăm hộp sữa cho trẻ sơ sinh, hơn 2.000 phần quà nhu yếu phẩm và hàng chục tấn rau xanh cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mỗi ngày, chúng tôi có những chuyến xe tải chở hàng rong ruổi đến các khu nhà trọ, địa bàn mà người dân đang gặp khó khăn để chia sẻ với bà con trong mùa dịch này”.
Trong khi đó, anh Võ Quốc Bình, Đội trưởng Đội công tác xã hội thanh niên TP.HCM, cho biết: “Từ ngày 23.8 đến nay, do TP.HCM áp dụng chỉ thị 16 với nguyên tắc ai ở đâu thì ở yên đó nên chúng tôi cũng chuyển sang hình thức hoạt động tình nguyện theo phương thức tại chỗ”.
Theo đó, tất cả các tình nguyện viên tham gia hoạt động tại Bếp ăn nghĩa tình ở số 5 Đinh Tiên Hoàng (Q.1) đều ở lại tại chỗ để nấu nướng. Những phần cơm sau khi nấu xong 2 buổi (trưa và chiều) mỗi ngày có một đội hình tình nguyện đặc biệt đến lấy chuyển đi đến tặng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như những người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các khu cách ly, phong tỏa. “Mỗi ngày, ngoài việc tặng hơn 4.000 phần cơm có thịt, chúng tôi còn có đội hình tình nguyện chuyển hàng trăm phần quà nhu yếu phẩm cũng như vật dụng y tế cần thiết đến tặng cho các bệnh viện dả chiến và bà con khó khăn, sinh viên ở trọ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”, anh Bình cho hay.
Tương tự, anh Lê Quang Nhật, Đội trưởng Đội Thanh niên xung phong (Tỉnh đoàn Bình Dương), chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi đã quyết định thành lập “Đội xe tình nguyện chung tay hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19” vào ngày 9.7, nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm chuyển nhanh đến các khu phong tỏa, khu các ly tập trung để hỗ trợ cho người dân đang ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
Theo anh Nhật, từ khi thành lập đến nay, đội xe tình nguyện đã tập hợp được trên 140 đầu xe các loại và hỗ trợ vận chuyển trên 1.500 tấn nhu yếu phẩm, 16.000 phần quà đến trao tặng bà con, thanh niên công nhân khó khăn tại các khu vực cách ly, phong tỏa.
Ngoài ra, đội xe còn nhận chở các chị em mang thai chuyển dạ đến bệnh viện cũng như nhận chở những bệnh nhân khi xuất viện. “Những thanh niên tình nguyện cầm vô lăng của đội xe này không kể nắng, mưa và luôn sẵn sàng giúp đỡ kịp thời khi người dân cần hỗ trợ hoặc tiếp tế lương thực với mong muốn góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để giúp cộng đồng sớm quay về cuộc sống bình thường mới”, anh Nhật nói.
Lê Thanh