Các thế lực thù địch thường xuyên thu thập tài liệu mật để chống phá

20/08/2019 06:04

Bí mật nhà nước là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên thu thập nhằm chống phá, đả kích Đảng và Nhà nước ta.

Tại hội nghị tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng, tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước năm 2019 chiều nay, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh bảo vệ bí mật nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh, chính trị quốc gia.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại Bộ Nội vụ luôn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Mức độ rất nghiêm trọng

Ông Tân lưu ý, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của an ninh thế giới và trong khu vực, đặc biệt khi Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bí mật nhà nước là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên thu thập nhằm chống phá, đả kích Đảng và Nhà nước.

Các thế lực thù địch thường xuyên thu thập tài liệu mật để chống phá
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, công tác bảo vệ bí mật nhà nước của các cơ quan Đảng, nhà nước trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, sơ hở. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều cấp độ khác nhau.

Trong đó, phổ biến là vi phạm khi thực hiện xác định mức độ mật; thống kê, lưu giữa, bảo quản sao chụp tài liệu bí mật nhà nước; sử dụng máy tính và các thiết bị trong soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa bí mật nhà nước.

“Đặc biệt, tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước vẫn diễn ra với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng. Số vụ được phát hiện năm sau đều cao hơn năm trước. Một số vụ đã ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Nội vụ cho rằng, những sơ hở, tồn tại trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã và đang tạo ra những nguy cơ trực tiếp dẫn đến lộ, mất bí mật nhà nước nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn khắc phục.

Cụ thể như văn bản có nội dung bí mật nhà nước theo danh mục khi phát hành nhưng chưa được xác định, đóng dấu độ mật nên không được bảo vệ.

Thực tế này đã và đang tạo ra những sơ hở nghiêm trọng dẫn đến lộ, mất bí mật nhà nước hoặc tình trạng lạm dụng, lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ngoài ra, việc soạn thảo tài liệu bí mật nhà nước trên máy tính kết nối internet hoặc có lịch sử kết nối internet có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng, sử dụng mã độc, phần mềm gián điệp xâm nhập máy tính và các thiết bị lưu trữ di động nhằm đánh cắp, thu thập bí mật nhà nước.

“Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với việc phục vụ soạn thảo tài liệu có nội dung bí mật nhà nước gắn với các chủ trương, chính sách về chính trị, kinh tế, ngoại giao…”, Bộ trưởng cảnh báo.

Bên cạnh đó còn có tình trạng thực hiện không đúng pháp luật khi lưu giữ, tiêu hủy, cung cấp tài liệu bí mật nhà nước; phổ biến thông tin bí mật nhà nước không đúng phạm vi, đối tượng… đã và đang trực tiếp dẫn đến những vụ lộ, mất bí mật nhà nước thời gian gần đây.

Cấm đánh máy tài liệu mật trên máy tính có kết nối internet

Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung, Cục An ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho rằng nói việc lộ, lọt bí mật nhà nước xảy ra nhiều do hệ thống pháp luật là hoàn toàn không đúng.

Pháp luật tương đối đầy đủ nhưng việc thực hiện hệ thống pháp luật như thế nào, có đầy đủ hay không là vấn đề còn nhiều hạn chế.

Các thế lực thù địch thường xuyên thu thập tài liệu mật để chống phá
Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung

“Có khi các đồng chí chủ quan, mất cảnh giác, tặc lưỡi đánh máy văn bản mật trên máy tính có kết nối internet. Tình trạng này diễn ra rất nhiều. Cái này nằm trong ý thức chủ quan của con người”, thượng tá Nhung nhấn mạnh.

Bà thông tin, từ năm 2000 đến nay xảy ra hơn hơn 1.000 vụ lọt lộ bí mật nhà nước. Tuy nhiên con số này chỉ mới tổng hợp trên các báo cáo của ngành công an, thực tế có thể nhiều hơn rất nhiều.

Riêng 6 tháng đầu năm có 49 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước với 198 đầu tài liệu. Trong đó 6 vụ xảy ra ở 5 cơ quan TƯ và 43 vụ xảy ra ở 26 địa phương.

Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung còn cho biết, qua công tác quản lý an ninh mạng phát hiện ra 1.149 tài liệu lộ bí mật nhà nước như công văn, báo cáo mật do các bộ ngành, địa phương chuyển theo chế độ fax, chuyển qua mạng viễn thông công cộng không được mã hóa, chuyển qua email.

Bà cảnh báo, rất nhiều bộ ngành hiện nay sử dụng Chính phủ điện tử chuyển nhận, xử lý tài liệu qua email, đánh máy xử lý văn bản mật trên máy tính kết nối internet có nguy cơ lọt lộ cao.

“Theo quy định, đánh máy tài liệu mật trên máy tính có kết nối internet là bị cấm. Trường hợp này như TQ là bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, bà Nhung lưu ý.

Ngoài ra, còn có 7/49 vụ lộ lọt bí mật nhà nước qua các hình thức khác như kèm theo đơn thư khiếu nại tố cáo, qua báo chí xuất bản.

Thu Hằng/Vietnamnet

Đọc nhiều