Các tên tuổi mới xuất hiện, “ngôi vương” của Trung Quốc đang bị đe dọa?
Giới quan sát nhận định rằng, nhân tố chính trị và kinh tế đang thúc đẩy quá trình điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, địa vị thống trị của Trung Quốc đang bị xói mòn bởi các tên tuổi mới như Mexico, Ấn Độ và Việt Nam.
Thời gian gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang đồng loạt có kế hoạch giảm thiểu nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Anh… lại cơ bản không có thay đổi đáng kể.
Về phương diện đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đến Trung Quốc xây dựng nhà máy cũng ngày càng ít đi. Số liệu thống kê cho thấy, ở những khu vực chưa phát triển của Trung Quốc, đầu tư hàng năm vào “Greenfield” (Thuật ngữ “Greenfield” liên quan tới việc gây dựng và phát triển một khu vực hoàn toàn mới, đối với đầu tư FDI, đó là việc thâm nhập thị trường quốc tế bằng cách phát triển một cơ sở hoàn toàn mới ở một nước khác) đã giảm mạnh từ 100 tỷ USD vào năm 2010 xuống còn 50 tỷ USD trong năm 2019, đồng thời giảm tiếp xuống 18 tỷ USD vào năm ngoái.
Mới đây nhất, tờ The Washington Post đã dẫn số liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ cho biết, nhiều tên tuổi lớn của Mỹ như Hewlett-Packard (HP), NESTLE hay LEGO… đều đang có kế hoạch điều chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Động thái này vừa để tránh rủi ro gây nên từ cạnh tranh giữa các nước lớn, vừa xuất phát từ chiến lược kinh doanh dài hạn hơn, hiểu đơn giản là sản xuất hàng tiêu dùng ở những nơi gần người tiêu dùng hơn.
Ngoài ra, số liệu của Viện nghiên cứu kinh tế Oxford cũng chỉ rõ, trong chi tiêu cho hàng hóa nhập khẩu của người Mỹ hiện nay, cứ 6 USD thì chỉ có 1 USD mua hàng hóa Trung Quốc, còn trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ này là 4:1. Điều này dẫn đến hệ lụy là vào tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên sau 15 năm, Trung Quốc đã không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Thay thế vị trí của Trung Quốc là Mexico và tiếp theo là Canada.
Theo trang ii.co.uk của Anh, ngoài Mexico, Ấn Độ và Việt Nam cũng là 2 lựa chọn hoàn hỏa để thay thế cho chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong khu vực của các công ty nước ngoài.
Đối với Ấn Độ, từ năm 2014, quốc gia này đã đưa ra chiến dịch Make in India để đưa mình trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu; đồng thời là điểm đến hàng đầu cho các công ty muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Gần đây nhất, hôm 12/4, Chia sẻ tại diễn đàn của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, Ấn Độ muốn tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng và thay thế vai trò của Trung Quốc thông qua các kế hoạch khuyến khích sản xuất và đà tăng trưởng của thị trường tiêu dùng nội địa.
Hiện nay, Ấn Độ rất có lợi thế về nhân khẩu học khi chiếm tới 1/4 số dân dưới 25 tuổi trên thế giới. Bên cạnh đó, thị trường tiêu dùng phát triển và nguồn lao động giá cả phải chăng cũng đang thu hút nhiều sự chú ý hơn từ các thương hiệu và đối tác thương mại toàn cầu. Các lĩnh vực sản xuất ở Ấn Độ như ô tô, dược phẩm và lắp ráp điện tử đã có sự phát triển lớn mạnh hơn và có khả năng trở thành người chiến thắng trong cuộc đua này.
Về phần Việt Nam, đa số các chuyên gia đều đánh giá đây là “một quốc gia gan dạ”. Bởi tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 8,8 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, hàng loạt các “ông lớn” tên tuổi trên thế giới như Samsung, LG, Apple hay Dell cũng đang có kế hoạch tăng thêm vốn đầu tư hoặc di dời chuỗi dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để hạn chế tối đa rủi rõ.
Có thể thấy, giữa lúc dòng vốn đầu tư suy giảm do những khó khăn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quyết định rót vốn vào Việt Nam, trong đó có cả những dự án với quy mô rất “khủng”. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai là rất lớn. Từ những kết quả tích cực trên, hôm 10/8, Ngân hàng DBS đã đánh giá Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư FDI nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất mạnh mẽ, số lượng lớn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tham gia và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu đang chững lại, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu và xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiêp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.
Lan Hoa