86
topics
424716

Các “ông vua con” cho hỏi: Có việc gì nhàn mà lương cao vậy?

30/08/2020 06:11

Phải xác định, đã gọi là “lao động” thì công việc nào cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt. Nói thật, nghĩ mãi tôi cũng chưa tìm ra việc gì gọi là “nhàn” mà lương lại cao cả… trừ khi làm ăn bất chính!

Các “ông vua con” cho hỏi: Có việc gì nhàn mà lương cao vậy? - 1

Trên báo  chí có một bài viết thú vị với tiêu đề “Ông vua con” thất nghiệp vì… đòi việc nhàn, lương phải cao” đăng tải chiều ngày 27/8 phản ánh một thực tại tương đối phổ biến ở xã hội ta: Nhiều bạn trẻ thất nghiệp vài năm trời nhưng không mảy may đến chuyện kiếm việc làm, thậm chí còn “rung đùi” sống bằng sự lo toan của cha mẹ.

Bài báo dẫn câu chuyện về một “cậu ấm” từ khi đi học đã được cha mẹ mua nhà cho ở TPHCM, ra trường gần 4 năm nhưng vẫn đều đặn nhận chu cấp tiền hàng tháng của gia đình vì… thất nghiệp.

Thực tế là những bạn trẻ này không hẳn không thể kiếm được việc làm, nhưng lại mắc “bệnh” ảo tưởng về bản thân, năng lực khiêm tốn nhưng chê việc thấp, lương ít lại không chịu khó, gặp trở ngại là lập tức bỏ cuộc.

Người viết thấy rằng, có lẽ độc giả khi đọc về những trường hợp như thế này phần nào sẽ thấy bóng dáng một người quen nào đó, là con cháu trong nhà, trong họ hàng hay trong xóm phố…

Càng là chuyện thường tình, tưởng như chẳng có gì để nói nhưng chính thực trạng này lại báo động về một thế hệ người trẻ thiếu nghiêm túc với cuộc sống và với công việc. Mà sâu xa hơn là vấn đề về giáo dục, đào tạo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả một thị trường lao động và sự phát triển của đất nước.

Tôi có người họ hàng, gia đình không khá giả nhưng vẫn cố gắng bươn chải gồng gánh để chu chấp cho con trai, dù đứa con đã ra trường hơn 3 năm. Bởi tâm lý người bố người mẹ thường canh cánh: “Nếu có điều kiện như nhà người ta thì đã xin việc, lo lắng cho con được ổn định hơn rồi”. Điều này cũng lý giải vì sao phụ huynh rất thích con cái thi vào công chức, vì công chức là định nghĩa của… ổn định!

Hầu như cha mẹ nào cũng vậy. Ai cũng đều muốn bao bọc, lo lắng cho con. Lúc nhỏ thì lo cho con vào học trường tốt, lớn lên lại chăm lo công ăn việc làm, lo xây nhà dựng cửa, thậm chí lo cho con cả việc cưới vợ, gả chồng… Cả một đời lo toan, có dành dụm bao nhiêu cũng để cho con cái.

Tâm lý đó không sai. Tuy vậy, cái gì “quá” cũng không hẳn tốt.

Sự bao bọc quá mức sẽ dễ dẫn đến sự ỉ lại từ con cái cho rằng mọi sự “cung phụng” là điều đương nhiên, hiển nhiên. Người ta gọi “con nhà lính, tính nhà quan”!

Thế nên nhiều bạn trẻ sau 18 tuổi vẫn chưa xác định được mục tiêu cuộc sống, 22-23 tuổi ra trường vẫn chưa có kỹ năng sống, không chịu được áp lực, không vượt qua được khó khăn, đụng vào việc khó là bỏ cuộc…

Một bộ phận bạn trẻ thì chọn “nhảy việc”, loay hoay hàng năm ròng để tìm công việc phù hợp với đam mê, nhưng hỏi đam mê là gì thì lại không biết.

Một bộ phận khác thì có vẻ “thông thái” hơn: Ra trường không tìm được việc làm thế là học tiếp lên… thạc sĩ. Vậy mới có chuyện, nhiều thạc sĩ về giấu kín bằng để đi bắt đầu lại từ công việc phổ thông.

Có giám đốc doanh nghiệp ngán ngẩm nói với tôi rằng, nhiều sinh viên mới ra trường nhưng mắc bệnh “chảnh”, lười biếng, không trân trọng các cơ hội mà công việc mang lại. Muốn đạt vị trí cao, lương cao nhưng không có kiến thức thực tiễn, ai mà dám tuyển?!

Vậy mới có chuyện, tỉ lệ lao động thất nghiệp nhiều (trong đó có cả lao động “trình độ cao”) nhưng các phòng nhân sự đỏ mắt tìm người vẫn không tìm nổi. Nôm na là “cung”, “cầu” không gặp nhau!

Để khắc phục tình trạng này, chắc chắn không thể ngày một, ngày hai. Phải xuất phát từ “gốc rễ” là giáo dục gia đình, trẻ chẳng những cần học được cách “vượt khó” mà còn “vượt sướng” để học cách tự lập trong tư duy và trong lối sống.

Tiếp đó là công tác hướng nghiệp từ trên ghế nhà trường. Thậm chí, nên cho các em những khoảng thời gian chuyển giao trước khi vào đại học để có thêm kiến thức thực tế và suy nghĩ thấu đáo về định hướng cuộc sống, chứ không nhất thiết chạy theo thành tích, chọn bừa ngành học để rồi về sau hối hận vì nhầm đường.

Phải xác định cho các em tâm lý, đã gọi là “lao động” thì công việc nào cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt. Nói thật, nghĩ mãi tôi cũng chưa tìm ra việc gì gọi là “nhàn” mà lương lại cao cả… trừ khi làm ăn bất chính!

Bích Diệp/DT

Tags :
Đọc nhiều