Các ông lớn “Big Pharma” kiếm hàng tỷ USD trong đại dịch như thế nào?

18/10/2021 11:15

Các giám đốc nhóm các hãng dược khổng lồ trên thế giới (Big Pharma) đã kiếm về hàng tỷ đôla từ vắc xin Covid-19 và giúp tài sản của những ông chủ này tăng lên  ngày một nhiều hơn.

Ảnh minh họa

Trước đại dịch, hầu hết các hãng dược lớn trong Big Pharma đã giảm thiểu kinh doanh vắc xin. Năm 2019, các nhà sản xuất vắc xin cung cấp cho Mỹ chỉ còn một nhóm công ty lớn như Merck, Sanofi, Pfizer và Johnson & Johnson. Vắc xin không mang lại nhiều lợi nhuận vì chúng chỉ được sử dụng một hoặc hai lần, không giống các loại thuốc mà mọi người phải sử dụng hàng ngày.

Nhà Trắng cần một số tiền lớn để khuyến khích các hãng nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc xin Covid-19. Ban đầu, quốc hội nhanh chóng chấp thuận chi 10 tỷ USD. Sau đó, Operation Warp Speed (OWS), chương trình cứu trợ Covid-19 thần tốc của Chính phủ Mỹ, rót 22 tỷ USD cho Big Pharma.

Tổng số liều vắc xin Covid-19 được tiêm ở một số nước, cập nhật đến 25/11

Từ chiến dịch thần tốc của Mỹ

Số tiền này khá nhỏ nếu đem so với ngân sách quốc phòng, nhưng rất lớn đối với một dự án y tế công: 2,5 tỷ USD cho Moderna, 1,2 tỷ USD cho AstraZeneca, một nửa tỷ USD cho Johnson & Johnson, và 1,6 tỷ USD một công ty nhỏ hơn có tên Novavax. Lúc đầu Pfizer từ chối tham gia. Đến tháng 7, Pfizer ký hợp đồng 1,95 tỷ USD bán 100 triệu liều cho Chính phủ Mỹ, đủ để tiêm cho 500 triệu người.

Giá mỗi liều 2 mũi khoảng 40USD, tương đương giá tiêm một liều vắc xin cúm. Đến tháng 2 sau đó, Chính phủ Mỹ đặt mua 3 trăm triệu liều từ Moderna, với lô 100 triệu liều đầu tiên có giá 30 USD/liều 2 mũi, rẻ hơn so với Pfizer vì Mỹ đã chi gần một tỷ USD cho nghiên cứu của Moderna. Giám đốc điều hành Moderna nói, giá bán lẻ mỗi liều sẽ cao hơn khi các hợp đồng của chính phủ kết thúc.

Ảnh minh họa

Các hãng dược lớn sở hữu độc quyền vắc xin thắng đậm nhờ nhu cầu cao trên khắp toàn cầu trong khi nguồn cung hạn chế. Từ đó, tiền ồ ạt đổ vào túi các giám đốc thuộc Big Pharma.

Điển hình là Moncef Slaoui, cựu thành viên hội đồng Moderna. Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, 13 ngày sau đợt nhận tiền ngân sách đầu tiên, giá cổ phiếu của Moderna tăng vọt, ông Slaoui được thưởng các quyền chọn mua 18.270 cổ phần của công ty. Khi rời khỏi ban quản trị của Moderna, ước tính ông đã được thưởng khoảng 8 triệu USD quy đổi từ cổ phiếu.

Không chỉ Slaoui, giám đốc nhiều hãng dược khác như Moderna và Pfizer cũng nhận cơn mưa tiền nhờ bán cổ phiếu đúng lúc, vào thời điểm có thông cáo báo chí về các thử nghiệm lâm sàng hoặc ra mắt vắc xin. Những thương vụ như vậy không bất thường cũng không trái luật. Theo nhà kinh tế học Joshua Mitts của trường luật Columbia, nhiều lĩnh vực khác cũng chứng kiến xu hướng tương tự.

Tỷ lệ dân tiêm vắc xin một mũi và 2 mũi ở 35 quốc gia dẫn đầu thế giới tính đến 15/10

9/11/2020 là ngày Pfizer công bố vắc xin của hãng có hiệu quả hơn 90%. CEO Pfizer Albert Bourla đã bán ra hơn một nửa tổng số cổ phiếu ông nắm giữ, hơn 60%. Tin tức tích cực khiến giá cổ phiếu của hãng tăng 15%. Bourla nằm trong số 7 giám đốc của Pfizer kiếm được tổng cộng 17 triệu USD từ việc bán cổ phiếu trong năm 2020, theo dữ liệu của báo Los Angeles Times.

Không ngoại lệ, các giám đốc của Moderna đã thu được 287 triệu USD nhờ bán cổ phiếu đúng thời điểm trong năm 2020. Vận đỏ với họ vẫn chưa hết. Chỉ trong vài ngày cuối tháng 1 và tháng 2/2021, CEO Moderna Stéphane Bancel đã bán số cổ phần của ông trị giá nhiều triệu đôla.

Ước tính, doanh thu từ vắc xin Covid-19 của Pfizer trong năm nay đạt 33,5 tỷ USD, còn Moderna đã ký hợp đồng cung cấp vắc xin trị giá 40 tỷ USD trong năm 2021 và 2022. Các hãng dược này cũng không hề che giấu tham vọng tăng doanh số và lợi nhuận trong thời gian tới.

Vắc xin Covid-19 gia tăng mạnh lợi nhuận của các hãng dược. So sánh giữa quý 1/2020 và quý 1/2021

Đến cuộc chạy đua trên toàn cầu

Năm 2020, Mỹ chi 18 triệu USD cho nghiên cứu vắc xin, sản xuất và hậu cần, và đã phê chuẩn 2 vắc xin Pfizer và Moderna dựa trên nền tảng công nghệ mRNA. Quy trình phê duyệt trong vòng 11 tháng đã tạo nên kỷ lục trong lịch sử vắc xin của Mỹ. Ngoài hai vắc xin này, người đóng thuế Mỹ cũng đặt cược hàng tỷ USD vào Johnson & Johnson, Novavax và AstraZeneca, một công ty của Anh.

Bên cạnh cuộc chạy đua sản xuất vắc xin của các hãng dược lớn, nhiều quốc gia trên thế giới cũng nhanh chóng bước chân vào lĩnh vực đầy tiềm năng này. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tính đến cuối năm 2020, có tới 200 vắc xin ngừa Covid-19 đã ở giai đoạn thử nghiệm hoặc được đưa vào sử dụng, một kỷ lục thế giới khác trong lịch sử vắc xin.

Sinovac của Trung Quốc lần đầu ra mắt với vắc xin bất hoạt vào tháng 6/2020, trong khi Sinopharm bắt đầu tiến hành các thử nghiệm ở Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Đầu năm 2021, UAE đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Israel, về tỷ lệ dân số được tiêm chủng.

Vào tháng 2/2021, Bộ Y tế Nga thông báo vắc xin Sputnik V đạt hiệu quả 91,6%. Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc đều thử nghiệm vắc xin của riêng mình. Ấn Độ phê duyệt vắc xin của Bharat Biotech cho sử dụng khẩn cấp, và viện huyết thanh nước này – nhà máy sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới – đã lên kế hoạch sản xuất một tỷ liều vắc xin, chủ yếu cho các quốc gia nghèo hơn.

Tuy nhiên, tính đến tháng 6, cơ chế phân phối Covax mới chỉ phân phối được 90 triệu trong tổng số 2 tỷ liều vắc xin đã cam kết. Tờ báo The Guardian chỉ ra rằng, một năm sau ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thành lập Trung tâm Tiếp cận Công nghệ Covid-19 để thúc đẩy trao đổi bản quyền sở hữu trí tuệ, kiến thức và dữ liệu, vẫn “chưa có một công ty nào cung cấp kiến thức công nghệ”.

Minh Ngọc

Đọc nhiều