28
category
410319

Các dự án thủy điện phá huỷ sông Mekong như thế nào?

16/07/2020 19:51

Hơn 60 triệu người sống ở vùng hạ lưu Mekong. Con sông chảy qua một loạt quốc gia trước khi xuống tới đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ của Việt Nam.

Ngành đánh bắt thủy sản trên sông đã mang lại thức ăn cho hàng chục triệu người, trong khi nước sông được sử dụng để tưới cho những cánh đồng ở hai đất nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Dù các phương thức vận tải đang chuyển lên đất liền, nhưng sông Mekong vẫn là một tuyến đường thương mại quan trọng của khu vực.

Tầm quan trọng của Mekong đối với an ninh lương thực và phát triển kinh tế khu vực lớn như vậy cũng đồng nghĩa với việc bất kỳ sự thay đổi nào về dòng chảy của nó đều có thể là mối nguy hiểm cho sinh kế của những người sống dọc con sông.

Các dự án thủy điện phá huỷ sông Mekong như thế nào?
Một đoạn sông Mekong

Tài nguyên đang cạn kiệt

Nhiều năm nay, Mekong đã tiếp tục tồn tại và phát triển dù phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như việc xây dựng đập thủy điện, hiện tượng đánh bắt cá quá mức và khai thác cát không được kiểm soát.

Đến năm 2019, những dấu hiệu khủng hoảng môi trường của dòng sông càng trở nên rõ nét khi mùa mưa đến muộn bất thường. Thay vì đến vào tháng 5, những cơn mưa gió mùa lại chờ tới tận giữa tháng 6, khiến mực nước giảm xuống thấp nhất trong hơn một thế kỷ, gây ra hạn hán nghiêm trọng.

Campuchia phải hứng chịu nhiều tháng bị mất điện hoặc điện không ổn định do nước trong các hồ chứa không đủ cung cấp năng lượng cho các nhà máy thủy điện. Nhiều tỉnh dọc sông Mekong đã mất tới 90% lượng cá đánh bắt được hàng năm.

Sự bất ổn môi trường còn có thể thấy rõ hơn ở hồ Tonle Sap. Thông thường, trong mùa mưa, hồ Tonle Sap sẽ mở rộng từ 2.700km2 lên hơn 16.000km2.

Tuy nhiên, năm 2019 nước từ sông Mekong chảy xuống Tonle Sap rất muộn – khiến mức nước thấp hơn nhiều vào mùa khô, ảnh hưởng tới việc di chuyển của các đàn cá từ hồ trở lại sông Mekong và khiến lượng cá đánh bắt sụt giảm nặng nề.

Ở Lào và Thái Lan, một phần Mekong đã đổi màu do mực nước thấp làm giảm đáng kể khả năng vận chuyển trầm tích của con sông. Nước trở nên trong hơn, tạo điều kiện cho tảo phát triển bên dưới lớp trầm tích đáy sông, khiến một vài phần của dòng sông đổi màu xanh đậm.

Trong khi đó, một nghiên cứu được tiến hành bởi báo The Economist cho thấy, 11 đập nước hiện hoạt động trên sông Lan Thương (phần thượng nguồn bên Trung Quốc của sông Mekong) đã góp phần làm tệ hơn vấn đề thiếu nước ở hạ lưu Mekong.

Tham vọng thuỷ điện của Trung Quốc

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã tiến hành cuộc “thập tự chinh” để tạo nên nguồn cung cấp điện ổn định toàn quốc, giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo. Trung Quốc ngày càng quan tâm tới thủy điện, nguồn năng lượng dễ tiếp cận do địa hình đa dạng.

Các dự án thủy điện phá huỷ sông Mekong như thế nào?
Ảnh: Bangkok Post

Điều này thể hiện rõ trên sông Mekong. Ngoài 11 đập phát điện hiện đang hoạt động trên thượng nguồn, Trung Quốc còn đang lên kế hoạch để tiếp tục xây 8 dự án khác.

Mạng lưới đập rộng lớn này đã giúp Trung Quốc gần như hoàn toàn kiểm soát lượng nước chảy xuống hạ lưu. Bình thường, trong các thời kỳ hạn hán, thượng nguồn sẽ đóng góp tới gần một nửa số nước chảy xuống sông, nhưng các đập thuỷ điện của Trung Quốc hiện đang giữ lại hơn 45.000 tỷ lít nước hàng năm. Việc này có thể tàn phá hệ sinh thái Mekong và thay đổi dòng sông theo nhiều cách khác nhau.

Ở miền bắc Thái Lan, ngư dân trên sông Mekong đã phải đối phó với những biến động bất ngờ trong dòng chảy do việc lưu trữ nước của các đập thuỷ điện ở Trung Quốc và cách nó thường xả nước vào những lúc không thể đoán trước.

Nông dân trên đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam từng dựa vào dòng lũ trên sông hàng năm để đẩy nước biển ra khỏi đồng bằng và đưa phù sa xuống từ các vùng núi qua trầm tích – các phù sa này sẽ thường làm đất trồng lúa nhiều màu mỡ hơn.

Các quá trình này hiện bị ngăn chặn hoàn toàn do sức mạnh tự nhiên của dòng lũ trên sông Mekong giảm đáng kể do các đập ngăn nước. Từ đây, nông dân ở các khu vực đồng bằng dưới hạ lưu đã bị tước đi nguồn tài nguyên quan trọng đi cùng với dòng chảy.

Tác động môi trường từ các đập thuỷ điện của Trung Quốc chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn khi Lào tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành “ắc quy” của Đông Nam Á.

Hiện nay, Lào đang vận hành hơn 60 đập trên các nhánh sông Mekong, và từ cuối năm 2019, hai trong số 9 đập được lên kế hoạch cho dòng chính Mekong đã đi vào hoạt động.

Đàm phán và ngoại giao

Hạ lưu sông Mekong đang đối mặt với những hậu quả thảm khốc khi mùa khô trở nên khô hơn. Campuchia có thể sẽ bị thâm hụt lớn về lương thực, với Tonle Sap đang chết dần. Thái Lan đang và sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Đồng bằng sông Cửu Long dưới Việt Nam phải đối mặt với 3 mối đe dọa gồm xói mòn đất trên diện rộng do khai thác cát quá mức, mực nước cạn dần do ảnh hưởng của các đập thượng nguồn, và mực nước biển dâng cao có khả năng xóa sổ 1/3 diện tích đất đồng bằng.

Hợp tác đa phương trong khu vực sẽ là cần thiết để mỗi quốc gia có thể sửa đổi các chính sách kinh tế và xã hội của mình đối với những thay đổi trong tương lai của sông Mekong. Thêm vào đó, các ưu tiên kinh tế trong khu vực cũng sẽ cần phải được tính toán lại để duy trì sự cân bằng giữa các chính sách về điện, thực phẩm và thương mại.

Vấn đề làm thế nào để toàn bộ khu vực có thể giảm thiểu cả hạn hán và tác động của hoạt động con người dọc sông Mekong sẽ phụ thuộc vào việc liệu các quốc gia ở hạ lưu có thể duy trì đối thoại thẳng thắn với các nước ở thượng nguồn hay không.

Thiều Quang/VNE

Đọc nhiều