Các doanh nghiệp nên đồng hành cùng chính phủ bằng việc tự chủ vaccine Covid-19
“Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lữ hành là người lao động, nhưng các công ty dừng hoạt động, không có nguồn thu để giữ chân họ. Số người lao động trong ngành mất việc lên tới hàng chục nghìn, rất đau xót”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Công ty Vietravel, đại diện ngành du lịch tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ngày 10/6. Có lẽ tiếng nói này, không chỉ dành riêng cho ngành du lịch mà hầu như ở tất cả các nghành nghề khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành suốt hai năm qua.
Năm 2020 khi cả thế giới bị tác động và ảnh hưởng bởi Covid-19, dù là nước hiếm hoi có nền kinh tế tăng trưởng dương nhưng Việt Nam cũng không nằm ngoài những tác động và ảnh hưởng của Covid-19. Chính vì vậy, các doanh nghiệp vẫn rất hy vọng vào năm 2021, sẽ có cơ hội vực dậy và trở mình. Nào ngờ, mọi thứ vẫn còn đang được lên kế hoạch thì làn sóng thứ 3, rồi làn sóng thứ 4 ập đến, khiến các doanh nghiệp mới ngắc ngoải gần như đã “ngã chết”.
Thứ biến chủng mới của Ấn Độ với tốc độ lây lan kinh hoàng đã khiến cho bốn khu công nghiệp ở Bắc Giang phải dừng hoạt động, các nhà máy ở Bắc Ninh, TP.HCM, Hưng Yên cũng lâm vào tình trạng đóng băng một phần… Nào chỉ vậy, dưới tác động do dịch Covid-19 diễn ra liên tiếp, các doanh nghiệp vận tải đang phải cố gắng cầm cự trước nguy cơ phá sản: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục dừng chạy hàng loạt mác tàu trên các tuyến bắc – nam, công nhân lao động tạm ngưng việc ngày càng nhiều; Các hãng hàng không cũng tính toán cắt giảm tần suất bay và thu hẹp đường bay đã mở….
Mặc dù, Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và cụ thể các giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ trương “không ngăn sông cấm chợ”, “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương, giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với hoạt động của doanh nghiệp, ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021… Tuy nhiên, dựa trên những diễn biến mới của dịch Covid-19, nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021 sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi cuộc chiến chống dịch trên thế giới và tại Việt Nam chưa thể kết thúc sớm. Nhiều ngành kinh tế quan trọng sẽ tiếp tục trải qua một năm đầy khó khăn và khó đoán định.
Từ thực tế đó đang đòi hỏi ngoài nỗ lực của nhà nước, thì các doanh nghiệp phải tự tạo ra cơ chế bảo vệ mình, để đảm bảo giữ sạch môi trường làm việc nhưng vẫn phải vận hành sản xuất, không thể nào cứ “chết” dễ dàng như thế được. Một sáng kiến vừa mới được TP HCM áp dụng, đó là đề xuất Chính phủ cho phép các doanh nghiệp ở thành phố được chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine COVID-19. Và tất nhiên, không có lý do gì mà Chính phủ từ chối bởi người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định phá vỡ độc quyền vaccine. Sau đó còn nhanh chóng ban hành nghị quyết số 21/NQ-CP khuyến khích các đơn vị đủ điều kiện tổ chức tiêm chủng tự nguyện cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép, kiểm định, quản lý chất lượng vắc xin theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn việc tiêm chủng theo tiến độ yêu cầu, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Là thành phố kinh tế đầu tàu của cả nước, nơi quy tụ rất nhiều doanh nghiệp lớn, làm nên tên tuổi của Việt Nam. Vì vậy, tin rằng với sự hẫu thuẫn hết mình của Chính phủ, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tự chủ và thực hiện tiêm chủng mở rộng cho người lao động của doanh nghiệp mình. Đây là một bước chuẩn bị rất tốt, là một lời giải rất tuyệt vời để không những các doanh nghiệp ở TP HCM, mà các doanh nghiệp trên cả nước có thể giải được bài toán vừa phát triển vừa đảm bảo sức khỏe cho sự nghiệp biết bao xương máu, mồ hôi nước mắt của chính mình.
Đã đến lúc tất cả cần phải chủ động hơn. Lối đi đã được Chính phủ mở sẵn quan trọng là các doanh nghiệp có muốn bước tới hay không!
Thu An