420
category
454681

Các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc dễ bị tấn công và ít có tác dụng trong chiến tranh

07/12/2020 19:28

Một báo cáo về quân sự của Trung Quốc mới đây đưa ra nhận định rằng các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã chiếm đóng và xây dựng trái phép ở Biển Đông rất dễ bị tấn công và có rất ít có tác dụng nếu chiến tranh xảy ra.

Hình chụp vệ tinh Đá Subi do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa hôm 21/4/2017

Theo bài phân tích được công bố trên tạp chí Naval and Merchant Ships có trụ sở ở Bắc Kinh, các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép có các điểm yếu bao gồm: khoảng cách quá xa tới đất liền của Trung Quốc, khả năng hạn chế của các đường băng trên các đảo và có nhiều ngả có thể tấn công vào các đảo này.

Từ khoảng cuối năm 2013, đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo, xây lấp trái phép các đảo nhân tạo ở Trường Sa, biến chúng thành các tiền đồn quân sự của nước này ở vùng nước chủ quyền của các nước khác.

Trung Quốc đã cho xây dựng các đường băng, cơ sở quân sự và triển khai vũ khí ra các đảo nhân tạo này bất chấp những phản đối của các nước đối với việc quân sự hoá khu vực Biển Đông.

Theo bài phân tích mới về các đảo nhân tạo này, khoảng cách quá xa của các đảo nhân tạo đến đất liền gây khó khăn cho việc phòng thủ đảo của Trung Quốc. Đơn cử được báo cáo đưa ra là Đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc có đường băng cho máy bay quân sự đáp xuống nhưng lại cách tỉnh Hải Nam đến 1.000 km. Điều này sẽ khiến các tàu của Trung Quốc phải mất hơn 20 giờ mới đến được đảo.

Ngoài ra, khoảng cách quá xa cũng gây khó khăn cho việc triển khai máy bay chiến đấu J-16. Các máy bay này sẽ khó tiến hành tuần tra và dễ bị tấn công bởi các tàu.

Báo cáo cũng cho rằng các đảo nhân tạo của Trung Quốc quá nhỏ và khó có thể đứng vững trước các cuộc tấn công lớn.

Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền trái phép với phần lớn khu vực Biển Đông bao gồm toàn bộ các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

T.H

Đọc nhiều