Các chuyên gia hiến kế giảm tỷ lệ F0 tử vong ở TP.HCM
Chỉ cần tập trung bảo vệ nhóm người lớn tuổi, bệnh nền bởi tỷ lệ tử vong ở nhóm này còn cao. Các chuyên gia cho rằng tình hình F0 tăng ở TP.HCM chưa đáng lo ngại.
Trong tháng 10, giai đoạn mới nới lỏng giãn cách, số ca mắc mới, F0 nặng nhập viện, tử vong đều giảm dần, thì vài tuần nay, các chỉ số này xu hướng tăng trở lại. Gần đây, khoảng 70-80 F0 tử vong mỗi ngày, gấp 3-4 lần so với cuối tháng 10. Riêng ngày 5/12, thành phố ghi nhận 94 trường hợp tử vong, là con số cao nhất trong hai tháng qua.
14 ngày qua, số ca mắc mới tại TP HCM tăng 19% so với nửa tháng trước. Số nhiễm hàng ngày từ 7/11 vượt 1.000, có khi lên đến hơn 1.800 (ngày 26/11). Tỷ lệ nhiễm trên 100.000 dân trong tuần qua tăng từ 93,8 lên 107,3.
Tuần qua, một số quận huyện tăng nguy cơ dịch sang cấp độ vàng – cam, tức vùng xanh của thành phố đang bị thu hẹp. Trong đó, nguy cơ dịch ở quận 4 tăng từ cấp 2 lên cấp 3 và là địa phương “vùng cam” duy nhất tại thành phố. Quận 11 và Cần Giờ tăng từ cấp 1 lên cấp 2. Cấp độ dịch ở 3 quận này tăng chủ yếu do ca nhiễm tăng.
Đánh giá tình hình TP HCM, phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM) cho rằng tỷ lệ ca mắc mới trên 100.000 dân tại thành phố không cao so với nhiều quốc gia khác. F0 tăng phù hợp với tình hình thành phố mở cửa, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, các hoạt động trở lại nhộn nhịp, doanh nghiệp tái sản xuất. “Vấn đề đáng quan ngại là số ca tử vong còn cao”, ông Dũng nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng (Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) nhận định F0 tăng khi nới giãn cách là điều đã nằm trong dự đoán. Về mức độ tăng, sau một thời gian tăng từ vài trăm lên hơn 1.000 thì gần đây ổn định ở khoảng 1.300-1.500, không ghi nhận sự tăng đột biến. “Điều này cho thấy F0 tăng nhưng vẫn trong giới hạn cho phép, kiểm soát được”, bác sĩ Hùng nói và thêm rằng “quan trọng là phải tiếp tục khống chế tỷ lệ tử vong”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cũng cho rằng số ca nhiễm tăng là tất yếu trong bối cảnh thành phố mở cửa. Với chủng virus mới, nếu khống chế được số tử vong, việc tăng ca nhiễm là điều tốt vì sẽ tạo miễn dịch cộng đồng.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng hiện nay là tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ, gồm người lớn tuổi, người mắc bệnh nền. Thống kê của Sở Y tế TP HCM ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 tử vong đang tập trung ở nhóm có bệnh lý nền, tuổi trên 50, bệnh nhân chưa tiêm chủng vaccine, chưa dùng thuốc kháng virus.
Từ thực tế điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy – một trong những đơn vị tuyến cuối tiếp nhận F0 nặng, nguy kịch của thành phố, bác sĩ Hùng cho rằng phần lớn bệnh nhân nặng là người chưa chích ngừa hoặc chích ngừa chưa đầy đủ. Trong đó, một số người có bệnh nền cấp tính diễn tiến nặng như bệnh nhân ung thư đang hóa trị, xạ trị, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch… trước đây phải tạm hoãn chích ngừa. “Bản thân những bệnh nền này đã rất khó chữa, nếu thêm Covid-19 thì khả năng chống đỡ rất kém, khó điều trị, dễ tử vong”, bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo những người giai đoạn vừa qua thuộc nhóm trì hoãn tiêm vaccine, nay đã kiểm soát ổn định thì mau chóng liên hệ y tế địa phương để được kịp thời phủ vaccine. Người lớn tuổi, bệnh nền chưa chịu tiêm vaccine Covid-19 cần hiểu đúng về vai trò vaccine, không nên chần chừ, e ngại vì đây là nhóm trở nặng rất nhanh nếu chẳng may trở thành F0.
Ngoài ra, theo bác sĩ Khanh, người lớn tuổi, bệnh nền khi có cơ hội tiêm bổ sung và tiêm nhắc mũi thứ 3 thì cần tiêm sớm, bởi nhóm này đáp ứng miễn dịch kém hơn nên tiêm xong hai mũi cơ bản vẫn có nguy cơ mắc bệnh, trở nặng cao hơn. Trong đó, mũi bổ sung được tiêm sau liều cơ bản ít nhất 28 ngày, dành cho người có tình trạng suy giảm miễn dịch, dù đã tiêm đủ hai mũi nhưng nồng độ kháng thể không cao (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong 6 tháng…). Mũi nhắc lại được thực hiện sau 3-6 tháng vì sau khoảng thời gian này nồng độ kháng thể giảm xuống.
“Nếu một bệnh có sẵn miễn dịch cộng đồng, tiêm hai mũi cơ bản có thể đáp ứng tốt. Riêng với virus mới, chưa đạt miễn dịch cộng đồng thì cần thiết phải tiêm bổ sung và tiêm nhắc cho nhóm nguy cơ”, bác sĩ Khanh phân tích.
Các bác sĩ lưu ý, nếu chẳng may mắc Covid-19, những người bệnh nền, lớn tuổi phải tiếp cận ngay với cơ sở y tế để điều trị kịp thời, không chủ quan. Những người này cần được sử dụng sớm các thuốc kháng virus. Bên cạnh đó, phó giáo sư Dũng khuyến cáo người bệnh không tùy tiện lạm dụng thuốc corticoid (kháng viêm), kháng đông, kháng sinh theo các toa thuốc được chia sẻ trên mạng mà cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. “Dùng corticoid sớm ngay từ ban đầu, dùng với liều lượng không phù hợp có thể gây nguy hiểm”, phó giáo sư Dũng nói.
Giai đoạn mở cửa với mức độ giao lưu tiếp xúc nhiều như hiện nay, chuyên gia khuyên mọi người cần tăng cường phòng hộ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K. Những người trẻ khi ra đường cần nhớ đến người thân, người thuộc nhóm nguy cơ mà mình thường xuyên tiếp xúc để không buông lỏng ý thức phòng tránh lây nhiễm.
Các chuyên gia kỳ vọng nếu tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ, tình hình dịch sẽ được cải thiện. Phó giáo sư Dũng lấy ví dụ ở Indonesia, những ngày gần đây ghi nhận chưa tới 10 F0 tử vong một ngày. Trước đó, quốc gia này từng là nơi có số ca tử vong và mắc mới cao nhất thế giới, với hơn 2.000 người mất một ngày, hồi tháng 8. Các chuyên gia tại Indonesia cho rằng thành quả này đến từ việc người dân được phủ vaccine sớm, tiêm liều tăng cường cho nhóm nguy cơ và người bệnh được điều trị sớm. Nước này cũng phân cấp độ và số ca mắc, số chuyển nặng, tử vong trên 100.000 dân mỗi tuần, từ đó có biện pháp hạn chế hay nới lỏng các hoạt động xã hội phù hợp.
“Việt Nam cần có đánh giá chính xác tình hình ở từng địa phương để có biện pháp thích ứng phù hợp. Chẳng hạn nếu dịch ở mức độ 2, không thể để các quán nhậu được thoải mái tiếp nhận khách mà không có biện pháp hạn chế”, ông Dũng chia sẻ.
Giới chức TP HCM gần đây tăng cường nhiều biện pháp để phòng dịch, chuẩn bị các kịch bản xử lý tình huống khi tình hình có “dấu hiệu phức tạp trở lại”. Ngày 7/12, UBND TP HCM ban hành kế hoạch tập trung nguồn lực bảo vệ nhóm nguy cơ, lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền để xét nghiệm, tiêm vaccine, kịp thời chăm sóc và điều trị, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Thành phố cũng triển khai tiêm vaccine mũi 3 nhằm tăng cường miễn dịch phòng Covid-19, dự kiến từ ngày 10/12.
Trước đó, Sở Y tế TP HCM yêu cầu tất cả bệnh viện phải lập khu điều trị Covid-19 với tối thiểu 10% tổng số giường của cả viện. Ngành y tế tiếp tục duy trì 4 bệnh viện chuyển đổi công năng toàn bộ và 6 bệnh viện theo mô hình tách đôi cùng 13 bệnh viện dã chiến cấp thành phố, phân cụm các bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến cuối và công tác điều phối chuyển người mắc Covid-19. Mỗi quận huyện lập thêm bệnh viện dã chiến (tầng hai) hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng một).
Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai tại họp báo ngày 6/12, cho biết để hỗ trợ địa phương, thành phố tăng cường hệ thống y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế lưu động. Tính đến nay, thành phố có 310 trạm y tế cố định và 382 trạm y tế lưu động để hỗ trợ địa phương trong tiếp nhận, thu dung và điều trị, tăng cường cấp phát túi thuốc cho F0 tại nhà.
Anh Phương