280
topics
557788

Chính phủ ra Nghị quyết tạm thời không áp dụng chỉ thị 15, 16, 19 được các chuyên gia y tế đánh giá cao

13/10/2021 14:22

Một số chuyên gia y tế đánh cao hành động của Chính phủ khi ban hành Nghị quyết số 128 hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó nêu rõ UBND cấp tỉnh tạm thời không áp dụng các quy định Nghị quyết 86, Chỉ thị 15, 16, 19.

Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn cụ thể đánh giá nguy cơ 

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128 hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký. Trong đó, đánh giá cấp độ dịch theo 4 cấp, các tiêu chí gồm số ca nhiễm mới tại cộng đồng, độ bao phủ tiêm vaccine và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Việc xác định cấp độ dịch từ ở phạm vi nhỏ nhất, có thể dưới cấp xã.

Hình ảnh người dân đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội sáng ngày 12/10.

Đặc biệt, khi áp dụng hướng dẫn này, các địa phương sẽ tạm thời không áp dụng quy định của chỉ thị 15, 16, 19. Trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, cao hơn hướng dẫn thì phải báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng.

Liên quan đến vấn đề này, sáng 13/10, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, Nghị quyết này đáp ứng với tình hình phòng chống dịch Covid-19 mới hiện nay.

PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Nghị quyết tạm thời không áp dụng chỉ thị 15, 16, 19 đáp ứng với tình hình phòng chống dịch Covid-19 mới hiện nay.

Thứ nhất, Nghị quyết đáp ứng với điều kiện thực tế hiện nay trên quan điểm là chấp nhận  không “Zero Covid” nhưng vẫn đảm bảo được phòng chống dịch hiệu quả như mục tiêu đã nêu là: Thực hiện mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết. Trước hết, các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Thứ 2, để chúng ta đánh giá nguy cơ dựa trên quy định mới. Cụ thể hiện nay đánh giá nguy cơ không chỉ ở trên số ca bệnh nữa mà dựa vào cả các chỉ số như tỉ lệ tiêm chủng, khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị, như đủ giường bệnh cho bệnh nhân phải nhập viện, với những nguồn lực cần có cho các tuyến với mô hình tháp 3 tầng làm sao bệnh nhân được can thiệp y tế kịp thời, giảm mắc nặng và tử vong…

Thứ 3, trên cơ sở của đánh giá dựa trên nguy cơ sẽ có đáp ứng hợp lý nhất để làm sao vừa phòng chống được dịch bệnh, vừa triển khai các hoạt động làm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, đời sống người dân. Đặc biệt tránh các hiện tượng mỗi nơi làm một kiểu, gây ách tắc đi lại cũng như tốn kém nguồn lực…

Điểm đáng chú ý nữa theo ông Phu, quy mô đánh giá và áp dụng có thể từ tuyến xã hoặc nhỏ hơn tuyến xã, không bị việc các địa phương có nguy cơ ở vùng nhỏ mà áp dụng các biện pháp toàn tỉnh, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.

“Ví dụ có vài ca bệnh một thôn, xóm nhưng phong toả cả huyện chẳng hạn. Đánh giá nguy cơ sai, không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép của địa phương đó mà còn ảnh hưởng tới cả các địa phương khác.

Đây là văn bản mới, bên cạnh Nghị quyết, Chính phủ cũng giao cho các Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, chuyên ngành sẽ có đầy đủ các quy định từ đánh giá nguy cơ đến triển khai các hoạt động một cách phù hợp theo tình hình mới bao gồm cả tính pháp lý và thực tiễn để các địa phương thực hiện mà không phải theo Chỉ thị 15,16,19. Việc này sẽ thống nhất trên toàn quốc để đáp ứng tình hình mới. Đặc biệt lưu ý, các địa phương không được tự mình làm có tính chất khác gây ngăn sông cấm chợ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế”, ông Phu lý giải.

Trước thắc mắc của người dân như ở Hà Nội không áp dụng Chỉ thị 15,16,19 thì liệu rằng các hoạt động ăn uống tại chỗ đã được hoạt động trở lại? Về việc này ông Phu cho hay, cứ theo Nghị quyết, Bộ Y tế và các Bộ ngành cũng sẽ ban hành thêm hướng dẫn cụ thể về chuyên môn để các địa phương thực hiện.

“Chính phủ đã có những bước tiến rất dài”

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định “Chính phủ đã có những bước tiến rất dài”.

Theo ông Nga, trong thời gian vừa qua, một số địa phương cát cứ, gây ra sự lộn xộn ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Nhiều văn bản áp dụng không thống nhất, áp dụng mỗi nơi một kiểu, kể cả hệ thống y tế dự phòng, chuyên môn không thống nhất dẫn đến có đôi lúc tham mưu cho chính quyền địa phương còn lúng túng, chưa đúng bản chất…

PGS TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định “Chính phủ đã có những bước tiến rất dài”. Ảnh: Bộ Y tế

“Việc Chính phủ đưa ra Nghị quyết mới thống nhất lại sẽ rất tốt. Tất nhiên phải chờ Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể tới từng địa phương. Tôi cho rằng Bộ Y tế cần linh hoạt trên tinh thần đảm bảo phòng chống dịch nhưng phải ưu tiên phát triển kinh tế.

Dịch Covid-19 chỉ lây truyền qua tiếp xúc gần, người dân phải đeo khẩu trang. Hiện tại, tỉ lệ tiêm vaccine đã nhiều. Những trường hợp có nguy cơ cao cũng đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Một số nơi phong toả chặt quá. Đơn cử như ở nông thôn một số nhà có khi cách nhau mấy trăm mét nhưng khi có ca nhiễm liền phong toả cả một xóm là không đúng. Nên chăng chỉ cần phong toả tại gia đình đó thôi, phải linh hoạt”, ông Nga nêu.

Ông Nga cũng thông tin thêm, dịch ở Hà Nội hiện đã ổn định, chỉ còn một hai khu vực có ca nhiễm nhưng đã được kiểm soát. “Trường hợp ở Bệnh viện Việt Đức có thể ca bệnh từ nơi khác đến sau đó lây lan, hiện nay đã được kiểm soát. Theo tôi nên mở hoạt động ăn uống ngoài trời, nhà hàng… Các hoạt động này sớm để người dân mở lại nhưng đảm bảo an toàn, ngành y tế sẽ có hướng dẫn, giám sát chặt chẽ”, ông Nga thông tin.

Trước băn khoăn người dân đi tỉnh này đến tỉnh khác có bị cách ly không? Vấn đề này ông Nga cho rằng, Bộ Y tế phải có hướng dẫn để địa phương áp dụng cụ thể nhưng nên linh hoạt.

“Tình hình dịch bệnh hiện nay có thể trong cộng đồng nay có ca, mai có ca nhưng không vì thế mà ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế”, ông Nga thông tin thêm.

Gia Khiêm

Đọc nhiều