Các căn cứ phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa bị tàn hại bởi… tham nhũng

21/08/2019 09:25

Báo chí Trung Quốc cho biết khả năng bảo trì thiết bị và cơ sở hạ tầng ở các căn cứ tại Trường Sa (TQ chiếm đóng và xây dựng trái phép ) nói riêng và ở trong quân đội Trung Quốc (PLA) nói chung rất kém bởi thường bị tham nhũng.

Một thực thể trên Biển Đông bị Trung Quốc bồi đắp, chiếm đóng trái phép - Ảnh: Internet
Một thực thể trên Biển Đông bị Trung Quốc bồi đắp, chiếm đóng trái phép – Ảnh: Internet

Theo tác giả Steven Stashwick viết trên FP, ngoài lý do các căn cứ này dù nâng cấp đến mấy cũng không thể trở thành công sự vững chắc khi có xung đột kéo dài thì còn có những nguyên nhân rất đơn giản.

Trước hết, khí hậu khu vực là kẻ thù với các khí tài quân sự tiên tiến nhất của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc vào năm 2017 từng đưa tin về các biện pháp đặc biệt cần thiết để bảo vệ máy bay chiến đấu J-11 khi triển khai phi pháp đến quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) khỏi nhiệt độ và độ ẩm của đảo. Nhiều báo cáo gần đây chỉ ra rằng các vấn đề môi trường tại Trường Sa thậm chí còn nghiêm trọng hơn, với nhiệt độ và độ ẩm khiến các công trình bị nứt vỡ, các thiết bị cơ khí bị hỏng hóc và thậm chí một số hệ thống vũ khí bị hủy hoại bởi môi trường. Mối quan tâm hàng đầu tại các đảo nhân tạo được bồi đắp phi pháp là khả năng chống chọi với các diễn biến thời tiết cực đoan ở Thái Bình Dương.

Một điều quan trọng khác được Stashwick đề cập là khả năng bảo trì thiết bị và cơ sở hạ tầng nói chung trong quân đội (PLA) rất kém vì thường bị tham nhũng. Thực ra, tham nhũng trong quân đội Trung Quốc cũng chẳng có gì là bí mật cả.

Hồi tháng 6, báo chí Trung Quốc đưa tin hơn 70 quan chức, cả đương nhiệm lẫn nghỉ hưu, của PLA bị giáng chức trong bê bối tham nhũng làm rung chuyển giới lãnh đạo quân đội nước này.

Các quan chức, bao gồm ít nhất một thượng tướng và hai trung tướng, chịu hình phạt do liên quan tới nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Phòng Phong Huy, các nguồn tin quân đội nói với South China Morning Post.

Ông Phòng, 68 tuổi, bị bắt ngày 23.11.2017, cũng là ngày thượng tướng Trương Dương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ủy viên Quân ủy Trung ương, tự sát sau khi biết các điều tra viên đang trên đường đến bắt ông.

Tân Hoa xã sau đó đưa tin ông Phòng và ông Trương có móc nối với các cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Ông Quách và ông Từ nằm trong số những nhân vật cao cấp nhất “ngã ngựa” sau cuộc truy quét tham nhũng trong quân đội mà Chủ tịch Tập Cận Bình phát động từ năm 2012.

Hầu hết trong số 70 sĩ quan bị giáng chức là các chính ủy hoặc phụ trách hậu cần, theo một sĩ quan hải quân về hưu. “Những lệnh kỷ luật như vậy là nhẹ. Không ai phải vào tù, vì họ được coi là cấp dưới của ông Phòng”, sĩ quan này nói. “Nhẹ tay như vậy cho thấy ông Tập không muốn quân đội chịu thêm tiếng xấu và mất tinh thần”.

Hơn 13.000 quan chức quân đội đã bị xử lý trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc từ năm 2012-2017, theo tờ Quân đội nhân dân nhật báo.

Chính báo quân đội Trung Quốc tự nhận con số quân nhân tham nhũng nhiều như vậy lại nằm ở lĩnh vực hậu cần thì có thể hiểu chuyện tham nhũng quanh các công trình phi pháp ở Trường Sa.

Các căn cứ phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa bị tàn hại bởi... tham nhũng (Ảnh minh họa)
Các căn cứ phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa bị tàn hại bởi… tham nhũng (Ảnh minh họa)

Hải quân Trung Quốc thảm bại trước Nhật vì tham nhũng

Hải chiến Hoàng Hải, cũng được gọi là Trận sông Áp Lục xảy ra ngày 17.9.1894. Trận này liên quan đến hải quân của Nhật Bản và Trung Quốc, và là cuộc chiến hải quân lớn nhất trong Chiến tranh Thanh-Nhật. Chiến sự diễn ra hầu như trong một ngày với phần thắng thuộc về Nhật vốn bị đánh giá thấp hơn.

Trung Quốc có 2 thiết giáp hạm, 8 tuần dương hạm, 2 tàu tuần tiễu, 2 tàu phóng lôi, còn Nhật có 9 tuần dương hạm hộ tống, 1 tàu tuần tiễu, 1 tàu pháo, 1 tàu vận tải vũ trang. So sánh thì thấy Trung Quốc có tàu chủ lực vượt trội hơn Nhật, đó là 2 chiếc thiết giáp hạm Định Viễn và Trấn Viễn (tới thời điểm này, hải quân Nhật Bản vẫn chưa có thiết giáp hạm). Hai chiếc thiết giáp hạm này có vỏ giáp sắt dày 360mm, không thể bị công phá bởi các khẩu pháo trên tuần dương hạm Nhật Bản (muốn hạ 2 tàu này, Nhật chỉ có thể dùng ngư lôi, nhưng ngư lôi thời kỳ đó chỉ có tầm bắn ngắn và thiếu chính xác). Trấn Viễn và Định Viễn được công nhận là những chiếc tàu chiến tiên tiến nhất thời đó, có chất lượng ngang bằng hoặc thậm chí còn tốt hơn so với các con tàu trong hạm đội của Anh và Đức khi chúng được đóng, với chi phí mỗi chiếc là 1,7 triệu lạng bạc.

Về hỏa lực, các tàu Trung Quốc có ưu thế: có 8 khẩu pháo 305mm, vài khẩu đại bác cỡ nòng 10 inch (254mm) và 8 inch (203mm). Về lý thuyết, các khẩu pháo cỡ 203mm trở lên đều có thể bắn chìm các tàu chiến của Nhật Bản trong trận này (ngược lại, các khẩu pháo của Nhật không thể bắn chìm được Trấn Viễn và Định Viễn). Nhìn chung, hai chiếc Trấn Viễn và Định Viễn đem lại ưu thế rất lớn cho Trung Quốc trong trận hải chiến này.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không chuẩn bị kỹ để tác chiến. Lính pháo binh Trung Quốc từ vài tháng trước đó đã không được cấp đạn huấn luyện và cũng không nắm được tác động do sức ép của hỏa lực đại bác. Việc mua sắm vũ khí cho hạm đội Trung Quốc bị dừng lại vào năm 1891, khi ngân sách được Từ Hi Thái hậu chuyển sang xây dựng Di Hòa Viên ở Bắc Kinh, kết quả là tàu Trung Quốc bị thiếu đạn (8 khẩu pháo 305mm trên 2 chiếc thiết giáp hạm chỉ có 300 viên đạn trong kho, chiến đấu chỉ được một lúc là hết đạn). Kế hoạch thay thế các khẩu pháo 305mm trên 2 chiếc thiết giáp hạm bằng loại pháo 305mm kiểu mới, có tốc độ bắn cao hơn và chính xác hơn đã được đề ra từ năm 1892, nhưng không có kinh phí để thực hiện.

Tham nhũng cũng đóng một vai trò trong việc làm suy yếu hải quân Trung Quốc: Nhiều quả đạn pháo thậm chí còn bị nhồi mạt cưa và nước chứ không phải thuốc nổ, theo tài liệu chép lại của tác giả Sarah C.M.Paine, trong cuốn sách Chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895). Cá biệt có trường hợp hai khẩu pháo 250mm trên tàu chiến của hạm đội bị đem ra ngoài bán lấy tiền tiêu xài.

Kết quả hải chiến: Phía Trung Quốc có 5 tàu đắm, 3 tàu hư hại, 850 người chết, 500 bị thương, còn phía Nhật có 4 tàu hư hại nặng, 2 tàu hư hại nhẹ, 180 chết, 200 bị thương.

Anh Tú/Một Thế Giới

Đọc nhiều