Buộc phải nghỉ việc vì công ty không có đơn hàng: Nhọc nhằn âu lo ngày cuối năm

Diệu Hương 08/11/2022 14:05

Hụt hẫng, bất ngờ là tâm trạng của gần 1.200 công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng khi nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 01/12 do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất. Việc này làm cho công nhân vốn đã khó khăn sau những tác động của đại dịch Covid-19, nay là càng khó khăn hơn khi năm mới đang đến gần. An sinh xã hội lại một lần nữa có thêm những áp lực mới.

Ánh mắt ráo hoảnh của công nhân bị cho thôi việc đột ngột vì thiếu đơn hàng

Nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp hứng khởi khi có nhiều đơn hàng, sản xuất quay trở lại. Tính đến nay, xuất khẩu dệt may đạt hơn 31 tỷ USD; trong đó, dệt may đạt 26,04 tỷ USD, tăng 23,1%; xơ sợi 3,438 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may hơn 1 tỷ USD, tăng 19,4%… Ngành dệt may đang xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD. Tuy vậy, sau những bước phục hồi tăng trưởng ấn tượng trong những tháng đầu năm, ngành dệt may – da giày đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Điển hình mới đây, Ban lãnh đạo Công ty TNHH Tỷ Hùng (100% vốn Đài Loan – Trung Quốc, quận Bình Tân, TP.HCM) đã phải quyết định thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 người ở khối sản xuất và các bộ phận gián tiếp phục vụ sản xuất là do không có đơn hàng sản xuất.

Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chưa năm nào mà tình hình xuất khẩu lại “ngược đời” như năm nay. Trong quý 1, doanh nghiệp nhận đơn hàng nhiều nhưng lại thiếu nhân công, phải chạy khắp nơi tuyển lao động. Đến quý 2, khi doanh nghiệp đã tuyển đủ nhân công thì đơn hàng không có, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng đến cuối năm 2022

Vì đâu mà có hiện tượng “rất quái dị” khi đầu năm thì “thừa đơn hàng, thiếu thợ” trong khi cuối năm thì “thừa thợ nhưng lại thiếu đơn hàng”… Quan sát tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng “điệp khúc” cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng đã được nhìn thấy từ trước trong ngành da giày. Đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát trên thế giới tăng cao… khiến quá trình này xảy ra nhanh hơn.

Công nhân may mặc

Dù cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp sản xuất giày dép (tính đến cuối năm 2021), nhưng chủ yếu vẫn là gia công, và có tỷ lệ thâm dụng lao động rất lớn. Cho nên, việc doanh nghiệp không có đơn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất đã phần nào đẩy người công nhân trong lĩnh vực này đến bước đường cùng. Nghỉ việc đồng nghĩa không có thu nhập, khiến đời sống của họ vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. An sinh xã hội lại nảy sinh thêm những áp lực mới, trong khi những áp lực hậu Covid-19 vẫn chưa giải quyết xong. Và không chỉ là tình trạng mất việc của công nhân, bản thân các doanh nghiệp da giày cũng khó tránh khỏi nhiều áp lực về đủ loại chi phí, nợ ngân hàng, không thể xoay sở khi dòng vốn vay rất khó khăn và lãi suất quá cao.

Bàn về tình hình thế giới có thể ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong 4 tháng cuối năm 2022, giới chuyên gia nhận định nền kinh tế trên toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với lạm phát cao hơn dự kiến, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Vì thế, việc xuất khẩu đối với nhiều ngành hàng chủ lực có thể sẽ gặp khó khăn trong 4 tháng cuối năm nay và kể cả trong năm 2023. Do vậy, giữa những thách thức về mặt đơn hàng như vậy đòi hỏi các doanh nghiệp cần theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động đó đến sản xuất, xuất khẩu để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.

Trước mắt, là cần duy trì khả năng chống chịu trước khó khăn, củng cố nội lực chờ đến khi thị trường phục hồi sẽ có cơ hội tiến xa, như câu nói “hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.

Diệu Hương

Đọc nhiều