Bước chân “lịch sử” và những bất ngờ trong cuộc gặp Trump-Kim tại DMZ
Tổng thống Trump đã bước qua đường ranh giới liên Triều, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.
Chiều 30/6 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt tay và chào hỏi nhau trong cuộc gặp lịch sử tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) thuộc khu Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên. Hình ảnh hai nhà lãnh đạo vui vẻ trò chuyện và bước đi cạnh nhau tại nơi từng chứng kiến những đau thương của sự chia cắt, từng là biểu tượng của sự đối đầu và thù địch đã tạo ra bước ngoặt lớn trong lịch sử.
DMZ – từ biểu tượng đối đầu thành hy vọng hòa giải
Phát biểu khi đứng trên tháp canh quan sát toàn bộ khu vực phi quân sự, Tổng thống Trump nói rằng khu vực này từng là nơi “rất nguy hiểm” nhưng đã thay đổi đáng kể từ khi ông bắt đầu đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Khu phi quân sự (DMZ) ra đời khi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tạm chấm dứt bằng một Hiệp định đình chiến. Đây là vùng đệm rộng 2km, trải dài từ phía tây sang đông Bán đảo Triều Tiên, cách thủ đô Seoul 60 km và thủ đô Bình Nhưỡng 210km. DMZ từng được coi là một trong những nơi nguy hiểm nhất hành tinh bởi có hàng rào dây thép gai dày đặc, khắp nơi gài mìn, hai bên đều được vũ trang hạng nặng và có sự hiện diện của lính bắn tỉa trên những ngọn tháp canh trong khi quân đội tuần tra ngày đêm.
Ông Trump không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới khu vực này vì trước đó các Tổng thống tiền nhiệm như Ronald Reagan, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đã từng đến đây. Nhưng ông lại là người đầu tiên gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên tại DMZ. Một số ý kiến cho rằng, với hành động này, ông Trump đã phá vỡ mọi quy phạm về mặt ngoại giao, tạo ra bước đột phá lớn trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên. Chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng phải nhận xét: “Giờ đây, khu vực an ninh chung đã được chuyển đổi từ biểu tượng của sự đối đầu và thù địch thành biểu tượng của hòa bình”.
Bước chân lịch sử và những bất ngờ
Trước đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, viễn cảnh một Tổng thống Mỹ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên tại khu vực quân sự được canh phòng nghiêm ngặt nhất thế giới, nằm giữa biên giới và chia cắt hai miền Triều Tiên là rất khó xảy ra. Trái với nhận định này, nhiều ý kiến đánh giá, một sự kiện như vậy là phù hợp với phong cách ngoại giao cá nhân của Tổng thống Trump cũng như sự tinh tế và khéo léo ông đã thể hiện trong việc lên phương án cho cuộc gặp.
Trong cuộc hội đàm vào sáng 30/6, cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump đều không chắc chắn liệu Chủ tịch kim Jong Un có tới tham dự cuộc gặp hay không. Ông Trump đã rất cẩn trọng khi nói đến vấn đề này, đồng thời cho biết công tác hậu cần rất phức tạp và nếu diễn ra cuộc gặp sẽ rất ngắn ngủi, không nhiều hơn một bức ảnh.
Cuối cùng, mọi nghi ngờ đã bị xóa tan khi nhà lãnh đạo Triều Tiên có mặt tại khu phi quân sự. Hai bên có cái bắt tay lịch sử tại DMZ, với những cử chỉ thân thiện, nồng ấm. Sau khi đi vào phần lãnh thổ Triều Tiên khoảng 20 bước, Tổng thống Trump nói rằng: “Thật là niềm vinh hạnh to lớn khi bước qua ranh giới ấy. Tôi có tình bạn rất tốt đẹp với ông Kim” đồng thời cảm ơn nhà lãnh đạo Kim Jong Un vì đưa ra phản hồi rất nhanh về đề nghị đối thoại. Về phần mình, Chủ tịch Kim Jong Un khẳng định “Đây là một khoảnh khắc lịch sử. Thật tuyệt vời khi được gặp lại ông Trump. Tôi không ngờ sẽ được gặp ông ấy tại đây” và cho rằng hành động của của ông Trump là “hành động vô cùng dũng cảm, quyết đoán”.
Tiếp đến, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã có cuộc trò chuyện riêng tư kéo dài khoảng hơn 40 phút bên trong Nhà Tự do tại khu phi quân sự. Điều này khá bất ngờ vì trước đó Tổng thống Trump dự đoán cuộc gặp sẽ diễn ra trong khoảng 4 phút.
Bất ngờ tiếp theo là Tổng thống Donald Trump đã ngỏ ý mời nhà lãnh đạo Kim Jong Un tới thăm Nhà Trắng. Theo CNN, chưa từng có nhà lãnh đạo Triều Tiên nào tới Mỹ. Nếu sự kiện này diễn ra, đây sẽ là thành tựu ngoại giao to lớn đối với ông Kim Jong Un. Trước lời mời đầy thiện chí của ông Trump, ông Kim Jong Un tuyên bố “sẽ là một vinh dự lớn” nếu Tổng thống Mỹ thăm Bình Nhưỡng trong thời gian tới.
Với cuộc gặp Chủ tịch Kim Jong Un tại DMZ, Tổng thống Trump một lần nữa thể hiện thiện chí sẵn sàng gạt bỏ mọi bất đồng và hoài nghi, tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại riêng với hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận lịch sử với Triều Tiên. Cần phải nhắc lại rằng, dù Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua không thu được kết quả như mong muốn nhưng ông Trump vẫn tiếp tục khẳng định quan hệ cá nhân tốt đẹp với Chủ tịch Kim Jong Un, lạc quan về việc hai bên sẽ tiến tới thỏa thuận toàn diện về tiến trình phi hạt nhân hóa.
Hy vọng
Kết thúc cuộc hội đàm kín tại tại khu phi quân sự DMZ, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân vốn đang bị ngưng trệ. Tổng thống Trump cho biết các nhóm chuyên viên hai nước sẽ bắt đầu các cuộc gặp để thảo luận về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong “khoảng 2 hoặc 3 tuần tới”.
Ông Trump bày tỏ hy vọng các bên có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện, tuy nhiên nhấn mạnh rằng mục tiêu không phải là đạt được nhanh, mà đạt được thỏa thuận một cách đúng đắn.
Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Mỹ dường như có sự thay đổi lập trường cứng rắn với Triều Tiên khi ông tuyên bố để ngỏ khả năng dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt trong những vòng đàm phán tới. Ông Trump cũng tránh nhắc đến cụm từ “phi hạt nhân hóa” bởi ông hiểu rằng tiến trình này sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài và phức tạp, là điều khó có thể xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông.
Giới quan sát cho rằng, cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Khu phi quân sự liên Triều ngày 30/6 sẽ là đòn bẩy cần thiết để tạo động lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân và mang đến những biến chuyển tích cực hơn trong quan hệ Mỹ-Triều lẫn Hàn-Triều.
Yonhap dẫn nhận định của Giáo sư Kim Yong-hyun của Đại học Dongguk, Hàn Quốc đánh giá: “Sự kiện này rất có ý nghĩa ở việc nó đã tái khẳng định được cam kết của lãnh đạo Mỹ-Triều đối với vấn đề phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên mặc dù chi tiết cụ thể vẫn cần được thảo luận trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong tương lai. Bên cạnh đó, nó sẽ tác động tích cực đến quan hệ Hàn – Triều. Một khi tiến trình phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình được khởi động, sẽ tạo ra làn gió ấm trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, đóng vai trò như chất xúc tác cho quá trình này”.
Cây bút Nicola Smith của tờ Telegraph cho rằng: “Cả hai nhà lãnh đạo đều được hưởng lợi từ ánh hào quang của cuộc gặp lần thứ 3 này. Tổng thống Trump đang tìm kiếm một chiến thắng trong chính sách đối ngoại khi Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử năm 2020 và sự kiện này sẽ giúp ông ghi điểm với cử tri Mỹ. Còn nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ giành được ca tụng sự của truyền thông trong nước với hình ảnh gặp gỡ Tổng thống Mỹ ngay trên sân nhà”.
Cuộc gặp Trump-Kim lần 3 này cũng đã phá vỡ niềm tin truyền thống rằng các cuộc đàm phán của người đứng đầu một quốc gia nên theo sau chuỗi thảo thuận về chương trình nghị sự, địa điểm, thời gian và an ninh được hoạch định trước.
(Theo VOV)