Bùng nổ năng lượng tái tạo, “miếng bánh” nào cho doanh nghiệp Việt?

Bích Vân 26/12/2023 13:49

Theo giới chuyên gia, nếu không có chiến lược dài hạn cộng với việc chủ động nội địa hoá thì các doanh nghiệp Việt có thể ‘thua ngay trên sân nhà” khi cạnh tranh thị phần ‘miếng bánh’ mang tên năng lượng tái tạo.

Lợi thế lớn

Một nghiên cứu mới của Tổ chức Năng lượng Ember (Anh) công bố mới đây cho thấy Việt Nam hiện chiếm 69% tổng sản lượng điện mặt trời, điện gió của ASEAN vào năm 2022.

Theo đó, năm 2022, tổng sản lượng điện mặt trời và năng lượng gió ở Đông Nam Á đạt hơn 50 TWh vào năm ngoái và Việt Nam được xác định là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo của khu vực khi chiếm gần 70% tiềm năng.

Trong lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, dẫn đầu thị trường là 1 doanh nghiệp ngoại có doanh thu đến 34.000 tỷ đồng trong năm 2022 thì doanh nghiệp Việt duy nhất là IREX lại có doanh thu vỏn vẹn chỉ 350 tỷ đồng.

Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các nước Đông Nam Á (CASE), Đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng Việt Nam có nền chính trị xã hội ổn định, đây là yếu tố đầu tiên để các tập đoàn điện mặt trời, điện gió quốc tế tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành những cơ chế chính sách cho các lĩnh vực này. Tổng công suất lắp đặt điện gió đạt 5GW và điện mặt trời là 20GW cũng không hề nhỏ tạo ra một thị trường dịch vụ, nhân công đi kèm. Điều này tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường.

Về triển vọng phát triển của các doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, theo đánh giá của GIZ, Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy thị trường nội địa hóa, tỷ lệ sẽ tăng từ 45% lên gần 80% đối với điện mặt trời, từ 37% lên 55% đối với điện gió, vào năm 2050. Giá trị nội địa hóa có thể đạt tới 80 tỷ USD, chiếm 50% tổng tiềm năng thị trường.

Vẫn nhập đến 90% thiết bị

Dù được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhưng thực tế cho thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn khá mờ nhạt, kéo theo đó là ‘miếng bánh’ thị phần của ngành năng lượng tái tạo có giá trị hàng tỷ USD hiện vẫn chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại.

Theo nhận định của chuyên gia đến từ GIZ, hiện nay khả năng cung ứng đầu vào của các doanh nghiệp nội địa trong ngành năng lượng tái tạo còn khá mờ nhạt, với lĩnh vực điện gió trên bờ hiện Việt Nam không có nhà máy sản xuất nacelle (vỏ tuabin điện gió), hub và cánh quạt, chưa sản xuất được cáp ngầm biển. Theo thống kê, dự án năng lượng tái tạo vẫn nhập khẩu 90% thiết bị.

Các chuyên gia đánh giá, việc chậm nội địa hóa do thiếu năng lực đánh giá, cơ sở hạ tầng bên cạnh năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, cơ chế chính sách hỗ trợ công nghiệp cho điện tái tạo còn thiếu.

Nhìn ra khu vực, tại một hội thảo gần đây, ông Fabby Tuwina, Giám đốc điều hành Viện Cải cách Dịch vụ thiết yếu Indonesia (IESR) cho biết tại quốc gia này, điện mặt trời tăng trưởng theo cấp số nhân. Tính đến cuối năm 2023, công suất điện mặt trời của Indonesia dự kiến đạt khoảng 0,8 đến 1 GWp. Indonesia cũng đặt mục tiêu nội địa hóa trong phát triển pin mặt trời đạt 40% đến năm 2030.

Khối ngoại chiếm lĩnh thị trường pin năng lượng mặt trời

Thực tế cho thấy, chỉ xét riêng ‘một lát cắt’ trong lĩnh vực cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam, thời gian qua, thị trường đang chứng kiến đà phát triển mạnh mẽ khi 3 doanh nghiệp dẫn đầu có doanh thu lên đến hơn 3 tỷ USD, tuy nhiên ưu thế hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp ngoại khi chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp nội địa.

Theo dữ liệu do Vietdata công bố, 3 doanh nghiệp pin năng lượng mặt trời dẫn đầu thị trường về doanh thu thuần trong năm 2022 đều là các doanh nghiệp ngoại gồm Vina Solar, JA Solar và First Solar.

Trong khi doanh nghiệp dẫn đầu thị trường là Công ty TNHH Vina Solar Technology có doanh thu năm 2022 lến đến khoảng 34.000 tỷ đồng thì doanh nghiệp nội địa duy nhất xuất hiện trong Báo cáo thị trường của Vietdata năm 2022 về ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời Việt Nam là Công ty CP năng lượng IREX lại có doanh thu thuần trong năm 2022 của IREX khá khiêm tốn chỉ ở mức gần 350 tỷ đồng.

Giải pháp nào cho Việt Nam

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu ASEAN về tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo và phát triển dự án. Nhưng nếu không tăng được tỷ lệ nội địa hoá, nền sản xuất sẽ lại một lần nữa bị phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài giống như những câu chuyện của ngành ô tô hay điện tử.

Chia sẻ về bài học gia tăng tỷ lệ nội địa hoá của Trung Quốc, một chuyên gia từ GIZ cho biết, trong giai đoạn đầu, Đức là quốc gia tiên phong trong phát triển điện mặt trời. Sau đó, Trung Quốc đã liên kết với Đức để hợp tác cùng phát triển hệ thống năng lượng mặt trời nhưng điều kiện đặt ra là Đức phải chuyển giao một phần công nghệ.

Tương tự với điện gió, khi các nhà sản xuất turbine gió châu Âu đến Trung Quốc, nước này cũng yêu cầu họ cần đáp ứng hàm lượng nội địa hoá, chuyển giao công nghệ nhất định.

Nhờ đó, Trung Quốc phát triển rất nhanh và vươn lên số một trong lĩnh vực điện mặt trời trên thế giới. Hiện nay, GoldWind một tập đoàn sản xuất điện gió của Trung Quốc đã chiếm tổng công suất lắp đặt đứng thứ hai thị phần toàn cầu.

Trong một giai đoạn rất ngắn, Trung Quốc có thể làm được điều đó vì họ có những chính sách khuyến khích nội địa hoá rất tốt. Đây là bài học với Việt Nam, để “đi sau, về trước” trong đó cần đặt ra điều kiện đặt ra với các nhà công nghệ năng lượng tái tạo nắm giữ công nghệ hàng đầu, bà đánh giá.

Bên cạnh đó, để hấp thụ được công nghệ từ khu vực FDI, doanh nghiệp cũng cần cần tiếp tục đánh giá năng lực của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị điện gió và điện mặt trời, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, các dự án thử nghiệm, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng,… để tối đa nội địa hóa”, bà Mai nhấn mạnh.

Trong khi đó, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Văn Tuân, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Ba Son, một trong những doanh nghiệp nội địa đầu tiên tham gia sản xuất trụ tuabine gió cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng những cơ hội để sản xuất các công đoạn bán thành phẩm cho đối tác năng lượng tái tạo nước ngoài.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là cơ chế chính sách và đơn giá. Nếu không nắm được công nghệ giá thành sản phẩm sẽ cao khiến sức cạnh tranh thấp.

“Việt Nam là người đi sau nên cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Chính phủ trong việc chuyển giao công nghệ, đầu tư dây chuyền mới, hiện đại. Chỉ có như vậy mới giảm được giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Tuân nhấn mạnh.

Bích Vân 

Đọc nhiều