Bức tranh Covid-19 ảm đạm qua lời kể của bác sĩ người Ý
Một bác sĩ người Ý đang điều trị cho những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về dịch bệnh chết người, mô tả nó giống như một cơn sóng thần cuốn trôi tất cả chúng ta.
Báo The New York Post hôm 10-3 cho biết bác sĩ Daniele Macchini, đang công tác tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni ở TP Bergamo, miền Bắc nước Ý, đã cảnh báo rằng sự tự mãn trong cuộc chiến chống Covid-19 thực sự rất nguy hiểm.
“Sau khi suy nghĩ nhiều về việc có nên viết về những gì đang xảy ra với chúng tôi hay không, tôi cảm thấy không nên im lặng nữa. Do đó, tôi sẽ cố gắng truyền đạt cho những người ở xa thực tế những gì chúng tôi trải qua ở Bergamo trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19. Tôi hiểu rằng không cần phải tạo ra sự hoảng loạn nhưng không muốn mọi người không biết đến sự nguy hiểm đang rình rập” – ông Macchini viết trên Facebook.
Dưới đây là một vài chia sẻ của bác sĩ người Ý:
“Tại Bergamo, TP có khoảng 122.000 cư dân, 1.245 trường hợp được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2. Bản thân tôi đã theo dõi trong những tuần qua, khi kẻ thù hiện tại của chúng tôi vẫn còn trong bóng tối: nhiều khu vực dần trở nên vắng vẻ, các hoạt động bị gián đoạn.
Tất cả thay đổi nhanh chóng này mang đến một bầu không khí im lặng, báo hiệu một cuộc chiến chưa bắt đầu… Chiến tranh đã bùng nổ theo nghĩa đen và các trận chiến không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Bệnh viện bắt đầu được lấp đầy bệnh nhân. Bảng tên của bệnh nhân thường không giống nhau (vì họ mắc các bệnh khác nhau) nhưng giờ đây, chúng đều có màu đỏ với cùng triệu chứng: viêm phổi.
Bây giờ, hãy giải thích cho tôi loại virus cúm nào gây ra một “cuộc khủng hoảng” nhanh như vậy? Và trong khi vẫn còn nhiều người khoe khoang không lo sợ bằng cách phớt lờ các hướng dẫn, một thảm họa dịch tễ học đang xảy ra.
Không còn bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tiết niệu, bác sĩ chỉnh hình, chúng tôi hiện giờ trở thành những bác sĩ của một đội duy nhất, đối mặt với “cơn sóng thần” đã áp đảo chúng tôi. Các trường hợp mắc bệnh ngày một tăng lên, máy thở quý như “vàng”, các đồng nghiệp bên cạnh tôi trở nên kiệt sức.
Tôi thấy sự mệt mỏi trên khuôn mặt họ nhưng bên cạnh đó là tinh thần đoàn kết của tất cả mọi người. Không còn làm việc theo ca, không có thêm thời gian, chúng tôi cũng không dám ở bên gia đình vì lo ngại sẽ lây bệnh cho người thân.
Cuối cùng, tôi thừa nhận mình không thể nào hiểu được cuộc chiến này. Điều duy nhất tôi nhìn thấy là tình trạng thiếu khẩu trang nhưng ngoài đó không còn khẩu trang để bán nữa!”
Tính đến 5 giờ 40 phút hôm 11-3 (giờ GMT), Ý ghi nhận 631 ca tử vong, 10.149 ca nhiễm và 1.004 ca hồi phục.
Bác sĩ Ý ‘bật khóc’ ưu tiên điều trị người có cơ hội sống cao hơn
Nhiều bệnh viện ở Ý đang phải ưu tiên chữa trị cho những bệnh nhân COVID-19 trẻ vì họ có cơ hội bình phục nhiều hơn so với người lớn tuổi trong bối cảnh thiếu nguồn lực.
Trong tài liệu khuyến cáo về đạo đức y tế công bố cuối tuần qua, Hiệp hội An thần, giảm đau, hồi sức tim phổi và chăm sóc đặc biệt Ý (SIAARTI) phản ánh tình trạng khó khăn mà các cơ sở y tế ở miền bắc nước này đang trải qua do dịch COVID-19 và nói rằng các bệnh viện phải chọn người có cơ hội sống cao hơn để chữa trị.
Mặc dù hệ thống y tế tại các vùng Lombardy, Emilia-Romagna và Piedmont được cho là hiệu quả bậc nhất tại Ý nhưng các đơn vị chăm sóc đặc biệt tại đây đang trong tình trạng kín chỗ.
Tờ La Croix dẫn lời bà Flavia Petrini, chủ tịch SIAARTI nói: “Cân nhắc tình hình bệnh nhân tăng lên từng giờ, số lượng giường trong khu chăm sóc đặc biệt rất hạn chế và việc nhiều bác sĩ, y tá cũng bị nhiễm virus Corona mới và đang bị cách ly, chúng tôi cần ưu tiên cho những người trẻ và những người có cơ hội hồi phục nhiều hơn”, bà Petrini nói.
Một bác sĩ giấu tên tại bệnh viện Cremona ở Lombardy nói với tờ La Croix rằng trong vài ngày gần đây, các bác sĩ phải chọn người để đặt ống thở. “Giữa hai bệnh nhân 40 tuổi và 60 tuổi đều có nguy cơ tử vong, chúng tôi phải lựa chọn. Điều này thật kinh khủng và chúng tôi đã khóc nhưng chúng tôi không đủ thiết bị”, vị bác sĩ nói.
Bác sĩ gây mê hồi sức Christian Salaroli ở Lombardy cho hay các bác sĩ giờ đây buộc phải chọn người điều trị theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, giống như trong thời chiến, theo tờ Il Corriere della Sera.
Vị bác sĩ thừa nhận do bệnh viện không đủ nguồn lực so với số lượng bệnh nhân nên các bác sĩ phải chọn lựa người để được đặt ống thở.
“Chúng tôi quyết định dựa trên tuổi và tình trạng sức khỏe. Nếu một người khoảng 80 – 95 tuổi bị suy hô hấp nặng, có khả năng họ sẽ không thể qua khỏi. Nếu bệnh nhân bị suy chức năng 2 hoặc 3 cơ quan quan trọng, đồng nghĩa tỷ lệ tử vong của người này là 100%”, ông Salaroli nói.
60 triệu dân Italy sống dưới lệnh phong toả
Ngay sau khi lệnh phong toả với 60 triệu dân Italy được đưa ra, phố xá, trung tâm thương mại ngày 10/3 trở nên vắng vẻ, các điểm du lịch không bóng người.
Italy hiện là ổ dịch lớn thứ hai thế giới với số người nhiễm nCoV những ngày qua tăng mạnh lên hơn 10.000 ca, trong đó hơn 630 ca tử vong. Số bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt cũng tăng lên 877 người.
Vẻ ồn ào náo nhiệt ở thủ đô Rome không còn, thay vào đó là tiếng thì thầm, bàn tán về dịch Covid-19. Cảnh sát tuần tra trên khắp các con phố, nhắc nhở khách ngồi trong các quán cafe cách xa nhau 1 m.
Là nền kinh tế lớn thứ 3 tại Liên minh Châu Âu, Italy phụ thuộc rất nhiều vào các ngành du lịch – dịch vụ, bán lẻ và sản xuất. Việc hạn chế đi lại với 62 triệu dân là đòn giáng nặng nề đối với quốc gia này.
Các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng được yêu cầu đóng cửa sau 18h đến 6h sáng hôm sau. Đối với nhiều người dân ở một quốc gia nổi tiếng là sành ăn, sành mặc như Italy, đây chẳng khác nào là “một cơn địa chấn”.
Thành Nhân