Brunei bất ngờ lên tiếng phá vỡ im lặng về tranh chấp ở Biển Đông

22/07/2020 13:44

Động thái được xem là rất hiếm hoi bởi Brunei lâu nay là bên im hơi lặng tiếng nhất trong số “5 nước, 6 bên” tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Brunei phá vỡ im lặng về tranh chấp ở Biển Đông sau tuyên bố của Mỹ - Ảnh 1.
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đang kiêm nhiệm chức ngoại trưởng Brunei – Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố được phát ngày 20-7, Bộ Ngoại giao Brunei nhấn mạnh nước này luôn cam kết duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Về tổ chức, Quốc vương Brunei, Ngài Hassanal Bolkiah, hiện cũng là ngoại trưởng nước này. Brunei còn một bộ trưởng ngoại giao thứ hai khác, chuyên tiếp xúc với các ngoại trưởng ASEAN và các nước.

Như vậy, tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông gồm 5 nước (Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei) và một vùng lãnh thổ (Đài Loan) đều đã lên tiếng trong vòng 2 tuần sau khi Mỹ công bố lập trường mới, bác bỏ các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Brunei không nhắc đến các động thái của Mỹ và nhắc lại “cách tiếp cận hai bước” của nước này trong vấn đề Biển Đông.

“Các vấn đề cụ thể cần được giải quyết song phương bởi các quốc gia liên quan trực tiếp thông qua đối thoại và tham vấn hòa bình. Brunei nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán như vậy về Biển Đông cần được giải quyết theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và các quy tắc, nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, tất cả các quốc gia liên quan cần thúc đẩy một môi trường điềm tĩnh, hòa bình và thuận lợi, xây dựng niềm tin và tăng cường niềm tin lẫn nhau trong khu vực”, Bộ Ngoại giao Brunei khẳng định.

Cũng trong tuyên bố, Brunei thúc giục các bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) “hiệu quả và thực chất”.

Brunei phá vỡ im lặng về tranh chấp ở Biển Đông sau tuyên bố của Mỹ - Ảnh 2.
Tàu tuần tra xa bờ của Brunei (trước) diễn tập với tàu hải quân Mỹ trên Biển Đông năm 2019 – Ảnh: US NAVY

Tờ Rappler của Philippines nhận định động thái hiếm hoi của Brunei đã cho thấy khá rõ quan điểm của nước này.

Theo tờ này, Brunei đang cố gắng cân bằng giữa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và tiếp tục mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc khi nhắc đến giải quyết song phương thay vì đa phương.

Trung Quốc từ lâu đã thúc đẩy quan điểm rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông chỉ nên giải quyết song phương – điều mà các học giả cho rằng là nỗ lực để chiếm ưu thế vì Bắc Kinh là một nước lớn và các bên còn lại đều yếu sức hơn, dễ bị lấn lướt.

Tuy nhiên, tờ Rappler cũng nhận định việc Brunei phá vỡ im lặng và lên tiếng về tranh chấp Biển Đông là rất đáng chú ý.

Gần đây nhất, Tuyên bố chủ tịch ASEAN sau Hội nghị cấp cao lần thứ 36 đã nhắc đến việc UNCLOS 1982 “là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các khu vực hàng hải”.

“Mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải được thực hiện theo các khuôn khổ pháp lý được vạch ra trong UNCLOS 1982”.

Việc những dòng này xuất hiện trong văn bản mang tính chất như thông cáo chung của các nhà lãnh đạo ASEAN cho thấy đã có sự nhất trí cao giữa các nhà lãnh đạo về Biển Đông. ASEAN hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, do đó nếu một nước lên tiếng phản đối, những dòng này sẽ khó lòng xuất hiện sau hội nghị.

Trong tuyên bố ngày 14-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh Washington phản đối các yêu sách hàng hải quá đáng của Bắc Kinh nằm chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Brunei.

Tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của Brunei có hình thang, bao trùm rạn san hô Louisa và nằm bên trong, phía đông nam đường 9 đoạn phi lý Trung Quốc tự vẽ. Tranh chấp Biển Đông bao gồm trực tiếp các nước Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei và một vùng lãnh thổ là Đài Loan.

DUY LINH/TTO

Đọc nhiều