130115
topics
548300

Bốn bài học cho TP.HCM sau 3 tháng chống dịch

05/09/2021 06:42

Chuyên gia cho biết trải qua 3 tháng chống dịch, TP.HCM có 4 bài học cần rút kinh nghiệm để tiếp tục ứng phó với dịch bệnh. TP đang lên kế hoạch dài hơi để sống chung với dịch.

Chia sẻ tại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 4/9, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết ở góc nhìn cá nhân, ông nhận thấy TP.HCM có nhiều bài học về phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua cần rút kinh nghiệm.

Mặc dù xuất phát từ cơ quan tham mưu, tư vấn cho thành phố, ông chia sẻ quan điểm này dưới góc độ cá nhân sau khi nhận được câu hỏi của người dân liên quan đến việc địa phương lên kế hoạch sống chung với dịch.

4 bài học từ TP.HCM

Theo ông An, bài học đầu tiên không chỉ TP.HCM mà các địa phương khác trên cả nước cần rút ra là không được chủ quan. Giai đoạn đầu, Việt Nam chỉ ghi nhận 3.000-4000 ca nhiễm trong khi tình hình dịch ở các nước khác phức tạp hơn nhiều. Nhưng sau đó, trải qua một số đợt nghỉ lễ, người dân lại có tâm lý chủ quan nên đã tụ tập đông người, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan.

Ngoài ra, chủng mới Delta lây nhanh gấp nhiều lần so với các biến chủng khác. Do đó, người dân cần hiểu rằng phải luôn cảnh giác thì mới phòng ngừa được dịch bệnh.

Thứ hai, chuyên gia cho biết khi số ca nhiễm tăng cao, hệ thống y tế quá tải, điều khiến chính quyền và người dân TP.HCM rất đau xót là tỷ lệ tử vong cũng tăng cao. Trong khi tỷ lệ tử vong của nhiều nước trên thế giới là 2,1% thì tỷ lệ này ở TP.HCM là 4,2%, cao gấp đôi.

Trong khi đó, lúc đầu, việc phân tầng điều trị bị rối nên việc chuyển bệnh nhân đến các cơ sở điều trị gặp nhiều bất cập. Đây là bài học cần phải nhìn ra để TP tìm được cách giảm tỷ lệ tử vong. Hiện, tỷ lệ này còn cao, do đó ngành y tế cần phải nỗ lực hơn nữa.

3 thang chong dich o TPHCM anh 1
Chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 4/9 có chủ đề phục hồi kinh tế ở TP.HCM và hỗ trợ người dân quận 8. Ảnh: HCM.

Thứ ba, ông An cho rằng khi dịch bệnh tăng nhanh, TP áp dụng các giải pháp giãn cách kéo dài và nhiều đợt gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Những mô hình sản xuất trong đợt dịch vì thế cũng không phát huy được hiệu quả, làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Bài học ở đây là phải tính toán cho hợp lý. Tuy nhiên, khi phải đảm bảo cả sinh mạng và sinh kế của người dân, đây là bài toán không đơn giản cho TP”, ông An nói.

Bài học thứ 4, theo chuyên gia là cần rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Với một sự cố lớn như dịch bệnh, các địa phương cần đơn giản hóa các thủ tục giúp người dân nhận hỗ trợ một cách nhanh chóng. Nhưng đến nay, nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của TP khi có nơi xét duyệt chi trả chưa linh hoạt, còn máy móc trong thủ tục.

“Đó là một số bài học chính chúng ta cần nhìn thấy để rút kinh nghiệm cho tương lai, cũng là cho thấy chính quyền chưa làm tốt trong thời gian qua”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nói.

Đề xuất giảm thủ tục đi đường cho shipper

Tại chương trình, một người dân gửi câu hỏi về việc làm thế nào để TP.HCM tận dụng được tiềm lực về công nghệ, giảm thủ tục, giấy tờ gây khó khăn cho người đi đường, đặc biệt là lực lượng shipper.

Trả lời, ông An cho biết chính ông cũng bức xúc vì người dân phải dùng quá nhiều app, khai báo quá nhiều thủ tục. Ông lo ngại việc shipper phải làm nhiều thủ tục, giấy tờ để trình báo sẽ làm chậm việc cung ứng hàng hóa đến người dân. Shipper là lực lượng quan trọng trong chuỗi cung ứng nên cần được tạo điều kiện khi lưu thông.

“Địa phương cần quản lý nhưng thủ tục phải đơn giản và việc lưu thông không bị ngăn cách bởi quận, huyện. Chỉ có như vậy, hàng hóa và nhu yếu phẩm mới nhanh chóng đến được với người dân”, ông An nói và cho biết sẽ kiến nghị để TP có một app duy nhất nhằm quản lý tất cả thông tin về tiêm vaccine, xét nghiệm, lộ trình di chuyển… để cơ quan quản lý nhận diện.

3 thang chong dich o TPHCM anh 2
Chuyên gia cho biết shipper ở TP.HCM cần được ưu tiên giảm thủ tục, giấy tờ lưu thông vì đây là lực lượng quan trọng trong chuỗi cung ứng. Ảnh: Chí Hùng.

Nói về kế hoạch để TP.HCM sống chung với dịch, ông An cho biết dịch bệnh đã lây lan với tốc độ nhanh và thâm nhập sâu vào cộng đồng nên để đưa về trạng thái không có dịch là gần như không thể. Tuy nhiên, đây cũng là chuyển hướng rất quan trọng để TP xây dựng kế hoạch thời gian tới.

Theo đó, kế hoạch sống chung với dịch sẽ thay đổi cả một hệ thống xã hội, nhất là thay đổi cơ chế vận hành hệ thống y tế, phòng dịch, điều trị để đảm bảo không gây quá tải. Ngoài ra, để sống chung với dịch, cả phương thức vận hành xã hội và ý thức người dân cũng cần thay đổi.

Đáng lưu ý, chuyên gia cho biết hệ thống kinh tế cũng phải thay đổi để đưa ra mô hình sản xuất an toàn. Doanh nghiệp vận hành cần đảm bảo các điều kiện về thông khí, quy tắc dịch tễ, xét nghiệm để không lây nhiễm trong quá trình kinh doanh, sản xuất.

“TP đang xây dựng kế hoạch triển khai. Đây là kịch bản, chiến lược dài hơi chứ không phải ngắn hạn, để người dân hiểu là sau này, chúng ta cơ bản phải sống chung với Covid-19 với những cách thức như vậy”, ông An nói.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine trong kế hoạch sống chung với dịch. Khi toàn bộ người dân được tiếp cận với vaccine, TP mới tiến đến được miễn dịch cộng đồng.

Tại chương trình, một người dân tên Lê An (quận 8, TP.HCM) bật khóc khi chia sẻ với lãnh đạo UBND quận 8 về việc bố của chị đã mất tại nhà vì Covid-19 do không được cán bộ y tế can thiệp kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó chủ tịch UBND quận 8, đã gửi lời chia buồn với chị An và cho biết sẽ chấn chỉnh lại hoạt động của đội ngũ y tế phường, do thời gian này ngành y tế phải tiếp nhận và xử lý nhiều trường hợp nên gây ra tình trạng quá tải.

Về các trường hợp ở quận 8 chưa nhận được hỗ trợ trong khi là lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bà Hoa khẳng định trong ngày 5/9, bà sẽ yêu cầu các phường liên quan rà soát, liên hệ trực tiếp với người dân để hỗ trợ kịp thời.

Mỹ Hà

Đọc nhiều