86
topics
578255

Bóc trần thủ đoạn chia rẽ mối quan hệ Việt – Cam qua chuyến thăm của Chủ tịch nước

Bảo An 28/12/2021 10:37

Vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Campuchia. Chuyến thăm đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó truyền thống giữa hai nước láng giềng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng xấu lại đang cố tình xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc mối quan hệ giữa hai nước.

Trước, trong và sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Campuchia, nhiều đối tượng xấu, chống đối đã tiến hành ráo riết xuyên tạc. Đặc biệt, các “ngòi bút máu” cố tình rêu rao những thông tin không chính xác về vấn đề biên giới giữa hai quốc gia để tiến hành công kích. Những luận điệu, thông tin hết sức phi lý, vô căn cứ được đưa ra có thể kể đến như: “Trong thời kỳ Việt Nam kiểm soát, Campuchia đã mất rất nhiều diện tích đất đai vào tay Việt Nam. Đó là cái giá của sự chiếm đóng của Việt Nam trong những năm 1980 và còn tiếp tục kéo dài đến những năm 1990”, “vấn đề biên giới, lãnh thổ sẽ có thể được ông Hun Sen sử dụng bất cứ lúc nào để “tấn công” Việt Nam, như ông đã từng “tấn công” trong các vấn đề khác”…

Việt Nam – Lào – Campuchia là 3 quốc gia ở bán đảo Đông Dương, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Từ khi thành lập đến nay, Việt Nam luôn chú trọng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị với Campuchia nói riêng và các quốc gia trong khu vực nói chung. Mục đích cao nhất là bảo đảm an ninh, hoà bình, đoàn kết để thúc đẩy sự phát triển, thịnh vượng trong khu vực.

Trong mối quan hệ với Campuchia, nhiều năm qua, các đối tượng xấu liên tục công kích, xuyên tạc lịch sử, vu khống trắng trợn Việt Nam “cướp đất”, “lấn đất”, “xâm chiếm bất hợp pháp” đối với Campuchia. Đây là những luận điệu không thể chấp nhận được.

Ngược dòng lịch sử, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam lại tiếp tục phải đối mặt với sự khiêu khích, bành trướng xâm lược của quân Khmer đỏ tại biên giới phía Tây Nam. Không những vậy, lực lượng Khmer đỏ còn tiến hành các hoạt động diệt chủng, chống lại loài người đối với chính đồng bào của mình. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã tiến hành đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và phối hợp với các lực lượng chính nghĩa tại Campuchia đánh tan lực lượng Khmer đỏ. Ngày 07/01/1979 đánh dấu sự chấm dứt của chế độ diệt chủng Polpot. Tuy nhiên, những mầm mống của nó vẫn tồn tại âm ỉ tại Campuchia. Trong bối cảnh đó, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại Campuchia để ngăn chặn sự trỗi dậy của lực lượng Khmer đỏ.

Bằng chứng về tội ác của Khmer đỏ

Để giữ được hoà bình, ổn định cho Campuchia, xương máu của quân tình nguyện Việt Nam đã trải khắp các chiến trường. Theo thống kê của nguyên Tham tán công tác tại Sứ quán Việt Nam ở Campuchia Lý Quang Bích: “Số quân Việt Nam bị thương vong trong chiến tranh chống bọn Pol Pot: chết 55.000 người, bị thương tương tự như trên. Thời kỳ 1977-1978, bộ đội Việt Nam hy sinh ở biên giới là 30.000 người. Từ sau 1979 và trong năm 1980 là 15.000 người. Từ 1981 đến hết 1988 là 10.000 người”. Ngày 16/11/2018, Toà án đặc biệt của Campuchia (ECCC) đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer đỏ. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy Việt Nam không “xâm chiếm”, “chiếm đóng”, “xâm lược” Campuchia mà chỉ tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình, ngăn chặn tội ác chống lại loài người tại đây.

Lại nói, biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia có chiều dài 1.137 km, đi qua địa giới 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Việt Nam luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Liên quan đến vấn đề phân định biên giới với Campuchia, hai nước đã ký kết các văn kiện quan trọng là Hiệp định về vùng nước lịch sử (năm 1982), Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới và Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia (ngày 20/7/1983), Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia (ngày 27/12/1985), Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia (ngày 5/10/2019). Hiện nay, còn khoảng 16% khu vực biên giới còn tồn đọng chưa cắm mốc. Việc phân định biên giới theo đúng nguyên tắc hoà bình, ổn định, hữu nghị, tôn trọng lợi ích của các bên. Vậy nên không thể nào có chuyện Việt Nam lấn chiếm đất tự nhiên của Campuchia.

Lịch sử là điều không thể thay đổi. Việc Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ Campuchia giành lại hoà bình từ tay Polpot là điều không thể phủ nhận. Hiện nay, trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế có nhiều biến động, các mối quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nguyên tắc xuyên suốt của Việt Nam là tôn trọng hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Những luận điệu công kích, phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia khác là không thể chấp nhận.

Bảo An

Đọc nhiều