86
topics
573535

Bóc trần thủ đoạn đánh đồng nhà báo từ vụ Phạm Đoan Trang

Bảo An 14/12/2021 09:28

“Số lượng các nhà báo bị bắt đang phản ánh chính xác thực trạng độc tài từ bộ máy lãnh đạo của các quốc gia” là luận điệu đang được không ít cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị rêu rao. Phải chăng cứ là phóng viên thì được quyền chà đạp, coi thường pháp luật?

Trên mạng xã hội, Việt Tân cùng nhiều cá nhân, tổ chức chống đối, cơ hội chính trị đang tích cực lan truyền thông tin: “Báo cáo từ tổ chức Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ), tính đến ngày 01/12/2021, cho biết Trung Quốc là nước bắt giữ nhiều phóng viên nhất trong năm 2021, với 50 nhà báo. Theo sau là Miến Điện (26), kế tiếp là Ai Cập (25), Việt Nam (23) và Belarus (19). Số lượng các nhà báo bị bắt đang phản ánh chính xác thực trạng độc tài từ bộ máy lãnh đạo của các quốc gia nêu trên”. Kèm theo dòng thông tin trên là hình ảnh của “nữ chúa dân chủ” Phạm Đoan Trang. Không bàn đến các nước khác, chỉ bàn về tình hình tại Việt Nam có thể thấy những luận điệu được các đối tượng xấu đưa ra là hoàn toàn sai trái và vô căn cứ.

Theo văn phong của giới trẻ thì nhà báo cũng có nhà báo “this”, nhà báo “that” (nhà báo này, nhà báo kia). Không phải ai có khả năng viết, khả năng đưa tin cũng trở thành nhà báo. Và dĩ nhiên, không phải cứ là nhà báo thì đều là người tốt, đều góp công sức bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, thúc đẩy dân chủ trong xã hội.

Trong những năm qua, các thế lực thù địch tích cực chống phá Việt Nam thông qua việc tiến hành “chiến tranh tâm lý”. Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội và các phương tiện thông tin truyền thống khác, các thế lực bên ngoài đã đào tạo, huấn luyện một đội ngũ tay sai chuyên tiến hành đấu tranh theo phương thức “bất bạo động”. Một mặt, những kẻ này thổi phồng sự hoa mỹ, tốt đẹp, tích cực của chế độ tư bản. Mặt khác, chúng ra sức xuyên tạc, bôi nhọ, vấy bẩn, chê bai, đả kích chế độ cộng sản nói chung cũng như đất nước Việt Nam nói riêng. Và để dễ dàng hoạt động, đội ngũ tay sai này tự cho mình là những “nhà báo tự do”. Những “nhà báo” này xuất phát từ nhiều thành phần trong xã hội, với trình độ học vấn khác nhau. Vậy nhưng điểm chung của các “nhà báo tự do” này là có khả năng xuyên tạc sự thật, chống phá đất nước, kích động sự mâu thuẫn, mất đoàn kết dân tộc. Đồng thời, những “nhà báo tự do” này cũng nhận được sự ưu ái, chống lưng, giúp sức, quan tâm, hỗ trợ từ nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài. Và dĩ nhiên, những kẻ tự xưng danh “nhà báo” này cũng coi thường, không chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam.

Chưa bàn đến nhóm “nguỵ nhà báo”, kể cả những người có thẻ nhà báo thật nhưng khi vi phạm pháp luật vẫn sẽ bị xử lý một cách hiển nhiên. Không một nghề nghiệp nào có thể đưa ra để bao che cho sai phạm của bản thân. Nếu cứ nhà báo là được quyền chà đạp, không tôn trọng pháp luật, miễn nhiễm với các quy định thì chắc chắn đất nước sẽ loạn. Không rõ 23 nhà báo bị bắt giữ mà cái gọi là Ủy ban Bảo vệ nhà báo để cập đến là ai. Vậy nhưng phải nói thẳng, những người bị khởi tố, điều tra đều là những người có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của Việt Nam. Việc CPJ quy chụp cho rằng Việt Nam là một trong những nước “độc tài” là hết sức phiến diện, phi lý, vô căn cứ và sai lệch về tình hình thực tiễn tại Việt Nam.

Thế nào là chế độ độc tài? Một cách đơn giản, độc tài là chế độ không có dân chủ, quyền lực tập trung vào một người hoặc một nhóm người, không được nhân dân ủng hộ. Vậy nhưng tại Việt Nam, người dân luôn được thừa hưởng mọi quyền tự do, dân chủ theo đúng quy định của pháp luật. Người dân Việt Nam được bầu cử tự do, được tham gia vào các hoạt động quản lý đất nước, được sống trong môi trường hoà bình, ổn định, không có khủng bố, được tiếp cận với khoa học công nghệ… Mặt khác, công dân nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã đến du lịch, sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Như vậy, hà cớ gì một số đối tượng xấu vẫn liên tục quy chụp, vu khống Việt Nam là “độc tài”?

Bảo An

Đọc nhiều