Bóc mẽ ván bài của Mỹ trên biển Đông
Hiện nay có một số người có tư tưởng Việt Nam nên dựa vào Mỹ để thoát Trung và ngược lại.
Việt Nam là quốc gia độc lập, có đường lối ngoại giao độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào khác. Hiện tại, đỉnh cao “nghệ thuật” của ngoại giao Việt Nam được gói gọn trong cụm từ “đối tác – đối tượng”. Trong “đối tác” có “đối tượng”, trong “đối tượng” ẩn chứa những mặt, những cơ hội, yếu tố có thể tận dụng, chuyển hóa thành “đối tác”.
Nói thì ngắn gọn như vậy, nhưng để tìm hiểu nghệ thuật ngoại giao của Việt Nam thì không hề đơn giản, ngay cả những nhà ngoại giao kỳ cựu trên thế giới, những “con cáo già” thuộc dạng bậc thầy về ngoại giao phương Tây còn phải ngán ngẩm và chịu thua những nhà ngoại giao Việt Nam, ẩn sau những con người nhỏ bé đó với những cử chỉ lịch thiệp, tao nhã là cả bề dày văn hóa, là sự linh hoạt, quyết đoán, nhẹ nhàng, sâu sắc, kiểu “lạt mềm buộc chặt”, lấy độc lập dân tộc, lợi ích dân tộc Việt Nam là cái bất biến, để dĩ vạn biến trong ngoại giao.
Mấy ngày trước, Bộ Ngoại giao Mỹ có các tuyên bố về các hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó phía Mỹ nhắc đến hai trường hợp, một là trường hợp tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, hai là trường hợp Trung Quốc đặt trạm nghiên cứu trái phép tại Hoàng Sa.
Nhiều người hay nghĩ theo một câu nói đậm chất phim ảnh thế này: “Kẻ thù của kẻ thù là bạn”, ở đây, trong góc nhìn của một số người Việt, Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù và ngược lại, nếu theo lý thuyết trên, Mỹ hoàn toàn có thể là một người bạn của Việt Nam trong cuộc chiến đấu đòi lại chủ quyền lãnh thổ. Nhưng thực tế, cái tuyên bố mà phía Mỹ vừa đưa ra không hề khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, phía Mỹ đã lồng ghép khéo léo yếu tố “gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á”, có mục đích ngầm khẳng định rằng đây là vùng biển “tranh chấp quốc tế”, tuyên bố như vậy tức là đã phủ quyết chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại hai quần đảo này. Đồng ý và tung hô cái ý kiến này, tức là đã chấp nhận rằng đây là vùng biển của quốc tế có tranh chấp, đã phủ nhận hoàn toàn lập trường đanh thép của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngày 26/03/2020, đại diện của Bộ Ngoại Giao Việt Nam phát biểu có đoạn: “Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam”. Nói cắt nghĩa câu trên tức đây là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam không cần bàn cãi nhiều, sổ đỏ mang tên ai thì là của người đó chứ đâu là vùng đất không có chủ quyền, rồi cái thằng ở tận đâu đâu cũng nhảy vào đòi phần. Nếu đã là vùng biển “quốc tế”, Mỹ hoàn toàn có quyền và lợi ích tại đây, như việc đã và đang khống chế eo biển Hormuz và khu vực Trung Đông, lấy lý do bảo vệ lợi ích Mỹ, đồng minh và hệ thống “petrodollar”.
Nhiều người hay nghĩ rằng Mỹ sẽ giúp Việt Nam, thậm chí còn mong rằng Việt Nam sẽ cho Mỹ thuê quân cảng nhất nhì Đông Nam Á là Cam Ranh làm căn cứ quân sự. Thậm chí, một ý tưởng táo bạo hơn được tô vẽ ra, đó là việc “Mỹ sẽ đánh Trung Quốc vì Việt Nam”. Điều này không khác gì tư tưởng trông chờ ngoại bang “ban phát” chủ quyền dân tộc, điều mà các tiền nhân chưa bao giờ làm và sẽ không bao giờ cho phép làm.
Lương Khải Siêu đã từng bút đàm với Phan Bội Châu, khuyên ông không nên dùng ngoại viện để giải quyết độc lập dân tộc. Bấy giờ, một số nhà tri thức dẫn đầu là Phan Bội Châu đã sang Nhật cầu viện quân Nhật giúp sức để đánh quân Pháp, nhưng hành động đấy thực chất không khác gì hành động “chuyển nhượng” Việt Nam từ thuộc địa Pháp sang thuộc địa Nhật. Xa hơn, Nguyễn Ánh phải chịu tiếng đắng muôn đời “cõng rắn cắn gà nhà” khi kêu gọi viện binh từ nhà Xiêm đánh lại nhà Thanh đang tiến đánh nước ta.
Nhắc chuyện gần đây, anh bạn hàng xóm Philippines từng nghĩ rằng Mỹ sẽ vào điều động quân đội nếu phía Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough, đúng là Mỹ đã vào cuộc, nhưng Mỹ vào cuộc bằng cách im lặng cho Trung Quốc chiếm đóng mặc lời khẩn cầu từ phía Philippines.
Hai tháng sau từ thời điểm “sang tên đổi chủ” bãi cạn, ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc hân hoan bắt tay nhau trong một cuộc họp song phương còn Philippines thì chẳng thể làm gì hơn việc thưa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Nhưng khổ nỗi, con người sai thì có tòa án xử, nhưng chưa có tòa án nào xử được những quốc gia siêu cường cả, ngay cả Liên Hợp Quốc, cũng bị chi phối bởi lợi ích của các nước lớn.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, phía Trung Quốc, Nga, Cuba đều có ý định đưa quân chiến đấu trực tiếp tại chiến trường nhưng Việt Nam nói không, có thể tiếp nhận vật lực, hỗ trợ, nhưng Việt Nam khước từ lời đề nghị quân đội quốc gia khác tham gia trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Bài học về số phận của bán đảo Triều Tiên để cho phía Trung Quốc và Hoa Kỳ quyết định luôn rất đắt giá. Thứ hòa bình được ban phát thì cũng có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào.
Biển Đông là khu vực có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng, cùng với đó là trữ lượng dầu khí, hải sản, băng cháy… là mục tiêu mà bất cứ quốc gia nào cũng muốn có phần,. Tuy nhiên không phải nước nào cũng đủ thực lực và điều kiện, vị trí phù hợp để quản lý biển Đông.
Mỹ luôn tìm kiếm một nước có thể đối đầu trực diện, lâu dài với Trung Quốc ở Biển Đông để giúp Mỹ thực hiện những mưu đồ chính trị của mình, đất nước đó phải hội tụ đủ yếu tố về quân sự, chính trị, địa lý, pháp lý… lướt qua danh sách trên, Mỹ loại bỏ hết các nước, duy chỉ còn lại nước Việt Nam. Hơn ai hết Mỹ hiểu rõ sức mạnh tổng thể của quốc gia và cái chất của người Việt Nam nó mạnh mẽ như thế nào, nếu được cái gật đầu của Việt Nam thì Mỹ sẽ ăn mừng lớn lắm, kê cao gối mà ngủ. Nhưng không, Việt Nam có trí tuệ của Việt Nam, có đối sách, sách lược, chiến lược vượt qua mấy thứ thủ thuật này của Mỹ nhiều lắm. Và nếu Việt Nam chọn một phe để theo, phe phương Tây hay phương Đông, phe Mỹ hay phe Trung Quốc thì chắc chắn phe còn lại sẽ không để chúng ta yên phận. Bài học Ucraina khi rũ bỏ Nga, ngả về phương Tây rồi hậu quả mà quốc gia này phải chịu là kinh tế ngày càng yếu kém, quyền tự quyết không có, phương Tây không chấp nhận để Ucraina gia nhập EU, bán đảo Crưm thì bị Nga thu hồi.
Việt Nam đã chiến đấu với Trung Quốc cả ngàn năm nay, Việt Nam rất hiểu Trung Quốc và Trung Quốc cũng rất hiểu Việt Nam. Bực mình thằng hàng xóm thì có thể bán đất để chuyển nhà, nhưng làm sao mà bốc cả đất nước Việt Nam di chuyển đi chỗ khác được? Hôm nay, nhân dân Việt Nam đang phải sống gần lão láng giềng xấu bụng, con cháu chúng ta vẫn phải sống cạnh Trung Quốc, vì vậy khéo léo, mềm mỏng, kiên quyết, kiên trì là điều không thể thiếu đối với Việt Nam, từ lịch sử xa xưa cho đến hiện đại.
Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 cũng đã nêu rõ nguyên tắc “4 không”: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đây là chính sách thể hiện sự cơ trí và hợp thời thế của nước ta. Việt Nam muốn bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ đồng thời giữ môi trường hòa bình, thân thiện với tất cả các nước trên thế giới. Vừa bảo vệ được chủ quyền vừa tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế, đó có thể xem là thượng sách để giữ nước vậy! Chúng ta không theo tàu để chống Mỹ, không theo Mỹ để chống tàu; viễn giao, cận giao vì hơn ai hết người Việt hiểu rõ và trân quý nhất giá trị của hòa bình, độc lập, chúng ta đã chịu quá nhiều mất mát, khổ đau do chiến tranh gây ra. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng ta phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường và phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh”, tăng cường hợp tác quốc tế, “tạo sự đan xen lợi ích”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Và cũng cần xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, không thể nóng vội, kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Vấn đề chủ quyền biển đảo, Việt Nam đã thể hiện sự khôn khéo khi đấu tranh bằng biện pháp ngoại giao, hòa bình trên tinh thần luật pháp quốc tế. Vận dụng linh hoạt bằng tổng hợp các giải pháp phi chiến tranh, bước đầu đem lại hiệu quả rất cao. Việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc thăm dò trái phép tại Bãi Tư chính của Việt Nam, tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân ta là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Nước ta đã đấu tranh không ngừng nghỉ bằng ngoại giao, bằng biện pháp hòa bình. Cộng đồng quốc tế ủng hộ, tàu Hải Dương 8 buộc phải rút khỏi Bãi Tư chính. Việt Nam vẫn đang tiếp tục gửi công hàm phản đối hành vi trái phép của Trung Quốc tại Liên hợp quốc; đó là không dùng chiến tranh mà vẫn giữ vững được chủ quyền, không đánh mà thắng, là thượng sách, là giải pháp tối ưu.
Hiện nay, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, thế và lực của ta trên các vùng biển, đảo đã tăng lên nhiều. Hải quân nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, có sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc, đủ sức làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bộ đội Hải quân cùng các lực lượng thực thi pháp luật khác trên biển (cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư…) không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy; kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”; đêm ngày tuần tra, kiểm soát, khẳng định, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo, thực sự là điểm tựa tin cậy cho nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế. Đặc biệt, mỗi khi phải đối mặt với tình huống phức tạp, căng thẳng, các lực lượng trên biển luôn nêu cao ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”, “một tấc không đi, một li không rời”; thực hiện đúng đối sách, phương châm, tư tưởng chỉ đạo; khôn khéo, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự trên biển; không để xảy ra xung đột; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước.
Thế mới thấm và hiểu hơn trí tuệ của Đảng, Nhà nước ta trong xác định “đối tác, đối tượng” và trong thời điểm dịch bệnh hiện nay lại thấy niềm tin, lòng yêu nước của nhân dân ta mạnh mẽ đến nhường nào. Người nào muốn Việt Nam theo Mỹ thì cứ nhìn bài học của Philippines hay Ucraina đấy. Còn những kẻ nào mơ về hạnh phúc cùng anh bạn phương Bắc hãy nhìn thật kỹ những mưu đồ dưới con đường tơ lụa là những “bẫy nợ”, sự đánh đổi quyền dân tộc, mà nhiều nước khi nhận ra đã “há miệng, mắc quai”.
Hạ Trắng (TH)