Bộ trưởng Tô Lâm: Lực lượng công an chưa bao giờ thoái thác nhiệm vụ

17/11/2020 13:35

Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an – khẳng định, lực lượng công an chưa bao giờ từ chối, thoái thác nhiệm vụ cho lực lượng khác trong việc giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội như có ý kiến băn khoăn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: TTBC

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 17.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về cơ sở thực tiễn và đề nghị cần giải trình rõ việc ban hành luật phải dựa trên tình hình thực tiễn trật tự trị an ở cơ sở. Nếu ban hành luật chỉ để giải quyết nhu cầu bố trí việc làm cho 126.000 công an xã khi Pháp lệnh Công an xã hết hiệu lực thì chưa đủ sức thuyết phục.

Một số đại biểu lại cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng không có chức năng chính danh mà chức năng của lực lượng này là phối hợp. Đại biểu băn khoăn việc thành lập một lực lượng không có chức năng chính danh thì có cần trụ sở làm việc gây tốn kém, lãng phí hay không.

Cuối phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban soạn thảo dự án luật – đã báo cáo, giải trình về một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, cơ bản có nhiều ý kiến tham gia thảo luận nhất trí về việc cần thiết ban hành luật và đề nghị cần chỉnh lý, hoàn thiện hơn nữa, như về vị trí, chức năng, quyền hạn tuyển chọn xây dựng bố trí sử dụng lực lượng…

“Những vấn đề đó cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định

Về một số ý kiến cần làm rõ thêm, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, thực tế ở Việt Nam, lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự như trong dự án luật đưa ra đã tồn tại ở ngay những ngày đầu Cách mạng Tháng 8 thành công. Cho đến nay, lực lượng này ngày càng phát huy, phát triển.

Ông dẫn kinh nghiệm của một số nước có sự tham gia của lực lượng này. Ví dụ như Singapore có lực lượng phòng vệ dân sự, tham gia nhiều công việc, như tự nguyện cấp cứu người bị thương, bị nạn ở ngay trên đường phố.

“Ở nước ta, chúng tôi thấy lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự là gọn nhất. Ở Trung Quốc có ít nhất 2 bộ và một số lực lượng khác. Ở Nga, có 7 bộ, cơ quan an ninh. Ở Mỹ cũng có hàng chục cơ quan như vậy”- Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định lực lượng công an chưa bao giờ từ chối, thoái thác nhiệm vụ cho lực lượng khác trong việc giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội; không có ý xây dựng ra lực lượng này để thoái thác nhiệm vụ, phân cấp cho các lực lượng này làm, trốn tránh trách nhiệm của mình như ý kiến băn khoăn của một số đại biểu.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trong dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở điều chỉnh chính với 3 lực lượng đang tồn tại, trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử, được thành lập và tồn tại từ rất lâu.

Đối với lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác được thành lập, tổ chức hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau và mang tính đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến trên toàn quốc, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức, hoạt động của các lực lượng này như các đại biểu dẫn chứng đưa ra, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng Chính phủ cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng, toàn diện cả về quy định và thực tiễn để có đủ cơ sở quy định trong luật.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẳng định khi luật được ra đời, sẽ không hạn chế trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Về vấn đề đại biểu băn khoăn việc tăng chi, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng tôi thống kê theo quy định, lực lượng dân phòng nếu chúng ta bố trí theo đúng luật quy định là mỗi xóm, mỗi thôn phải có đội 10 người thì con số đó là rất lớn. Tổng cộng sẽ khoảng 2 triệu người, nhưng nếu theo điều chỉnh trong dự án luật này thì sẽ giảm được khoảng 500 người”.

(Theo LDO)

Tags :
Đọc nhiều