Bộ trưởng TN&MT: ‘Chưa có cá nhân nước ngoài nào được cấp quyền sử dụng đất’

28/05/2020 07:17

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định, không loại trừ chuyện cá nhân nước ngoài núp bóng để thâu tóm đất đai với những mối quan hệ phức tạp, nên cần phải tính toán, dự báo và có quy định để kiểm soát.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà /// Ảnh Gia Hân
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà

Liên quan tới việc người Trung Quốc sở hữu hoặc núp bóng sở hữu các vị trí đất đắc địa mà báo cáo của Bộ Quốc phòng nêu, chiều 27.5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, sáng 27.5, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) đã có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng và thấy rằng, thông tin mà báo chí phản ánh tại TP.Đà Nẵng đã được Bộ TN-MT ghi nhận và chỉ đạo xử lý.

“Báo cáo của Bộ Quốc phòng, theo tôi hiểu, là thông tin trinh sát, phát hiện có tính chuyên biệt, tức là qua các nguồn thông tin, trinh sát… cung cấp để các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các biện pháp kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh”, ông Hà nói.

“Núp bóng” là phi pháp, không được pháp luật bảo vệ
* Như vậy, những thông tin Bộ Quốc phòng nêu tới nay đã được Bộ TN-MT xác minh, làm rõ hay chưa?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Báo cáo của Bộ Quốc phòng nêu việc trinh sát phát hiện thì không sai. Ngay từ năm 2019, cá nhân tôi đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn bộ thành phố, đồng thời phát hiện có hiện tượng là một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài. Nhưng khi kiểm tra thì thấy họ không giao đất cho cá nhân mà là giao đất cho pháp nhân – doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng phát hiện tại đấy có những vi phạm, như giao cho tổ chức nhưng đất đó là đất ở thì không thể kinh doanh được, hoặc là khu vực ấy chưa thực hiện nghiêm luật Đất đai năm 2013 mà vẫn theo luật Đất đai năm 2003, nghĩa là chưa hỏi ý kiến các cơ quan an ninh quốc phòng về vấn đề doanh nghiệp hoạt động ở khu vực đó có ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh hay không…

Sau khi kiểm tra, chúng tôi cùng với Đà Nẵng và các bộ ngành liên quan đã phối hợp có biện pháp xử lý. Cho đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng thì toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động dưới các hình thức là các doanh nghiệp ở đó đã khắc phục những vi phạm. Đặc biệt, những dự án liên quan tới khu vực nhạy cảm đã được chuyển giao cho người Việt Nam.

* Điều dư luận lo ngại không chỉ là giao đất cho các doanh nghiệp mà là việc các cá nhân người nước ngoài “núp bóng” để thâu tóm đất đai tại khu vực quan trọng?

– Tôi khẳng định không loại trừ câu chuyện “núp bóng”. Song, dưới góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, người được pháp luật bảo vệ là người được cấp quyền sử dụng đất, là người Việt Nam! Còn những người nước ngoài núp bóng là phi pháp, không có bất cứ luật pháp nào bảo vệ cả.

Ở góc độ pháp luật, tôi khẳng định việc cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất đai. Bởi luật Đất đai 2003, 2013 đều quy định chỉ có pháp nhân, tức doanh nghiệp mới được giao đất, còn cá nhân người nước ngoài thì không. Cá nhân người nước ngoài muốn được giao quyền sử dụng đất thì phải thành lập công ty tại Việt Nam.

Không phải dự án nào cũng phải hỏi về an ninh, quốc phòng
* Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều địa phương thì hiện tượng này là có và chúng ta cũng phải tính tới biện pháp để ngăn ngừa rủi ro, thưa Bộ trưởng?

– Tôi xin nhắc lại là pháp luật không bảo vệ những trường hợp “núp bóng”. Nhưng tôi cũng không loại trừ là có hiện tượng “núp bóng” và có những mối quan hệ phức tạp. Cho nên, chúng ta phải tính toán, dự báo được vấn đề này và có quy định để kiểm soát.

Về phía Bộ TN-MT, chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Chẳng hạn, trong quy hoạch thì xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cần có sự tham gia một cách đồng bộ thống nhất với các luật khác như pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về hôn nhân gia đình để tạo ra các tiêu chí điều kiện để hạn chế các quyền tiếp cận đất đai kể cả người trong nước và người nước ngoài để kiểm soát được vấn đề này.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi đất đai là nguồn lực cần thiết để để phát triển – kinh tế, đồng thời vẫn phải đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát triển kinh tế cũng phải dựa trên mô hình phù hợp, tính toán cơ chế đặc thù, đảm bảo hoàn toàn yêu tâm bởi các dự án đầu tư, nhà đầu tư, tránh chuyện núp bóng. Cơ quan chức năng phải tính toán để kiểm soát việc này, nếu xảy ra sai phạm thì xử lý thật nghiêm.

* Nhưng cùng với phát triển kinh tế, người dân cũng rất quan tâm tới việc đảm bảo quốc phòng, an ninh?

– Những ý kiến và quan tâm của dư luận là hoàn toàn xác đáng. Bộ TN-MT đang làm ở mức cao nhất để ngăn chặn, nhưng để thực hiện nó thì không chỉ có pháp luật về đất đai, còn có luật Đầu tư, luật Nhà ở… Vì vậy, cần nhất quán vấn đề này trên quan điểm có tính nguyên tắc là vừa tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Chúng ta biết rằng, vừa qua ta phát triển được là nhờ sử dụng tốt nguồn lực đất đai. Cơ chế chính sách cần phù hợp, hội nhập và đặc thù. Đảm bảo an ninh quốc phòng song cũng phải huy động được các thành phần kinh tế trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là nhiệm vụ chiến lược mà Bộ TN-MT và các cơ quan chức năng sẽ phải tính toán. Chúng tôi không lúc nào chủ quan về vấn đề này.

Nói về góc độ pháp luật thì như vậy nhưng trong cuộc sống không phải lúc nào pháp luật cũng hoàn thiện. Vì vậy, như tôi đã nói, sắp tới cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch. Cần đưa ra quy hoạch để ít nhất cơ quan quản lý nhà nước biết được nơi nào là chiến lược, có cơ chế rõ ràng. Như vậy mới đáp ứng được hai mục tiêu song song và quan trọng là thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

-Xin cảm ơn Bộ trưởng!

PV/IFN

Đọc nhiều