425
category
408466

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tiếp tục nâng cao chất lượng GDĐH

10/07/2020 11:27

Trước việc HSSV người nước ngoài có thể phải trở về nước nếu các trường đại học ở Mỹ chuyển sang dạy trực tuyến 100% do ảnh hưởng của Covid-19, Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về kế hoạch hỗ trợ của Bộ đối với du HS.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

– Thưa Bộ trưởng, trước việc du học sinh các nước tại Mỹ có thể sẽ phải trở về nước theo thông báo của Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) ngày 6/7 nếu trường họ theo học chuyển sang dạy online 100% vào học kỳ mùa thu tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có những động thái gì để hỗ trợ du học sinh Việt Nam trong tình huống này ?

– Trước tình hình trên, chiều 8/7, Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để trực tiếp nắm tình hình và đề nghị Chính phủ Mỹ bảo đảm quyền lợi chính đáng cho du học sinh Việt Nam. Tại buổi làm việc, đại diện Bộ GD&ĐT đã đề nghị phía Mỹ hai vấn đề cụ thể. Thứ nhất, thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất về vấn đề này cho Bộ GD&ĐT; Thứ hai, đề nghị phía Mỹ quan tâm hỗ trợ du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Mỹ. Đại sứ quán Mỹ đã ghi nhận và sẵn sàng cùng hợp tác với Bộ GD&ĐT để giải quyết vấn đề này.

Qua trao đổi, Bộ GD&ĐT cũng được biết, các trường ĐH Hoa Kỳ sẽ có những giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho sinh viên quốc tế của mình. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã trấn an du học sinh bằng việc khẳng định sinh viên quốc tế luôn được chào đón đến học tập tại Mỹ.

Bộ GD&ĐT khuyến cáo các du học sinh bình tĩnh, chủ động tìm hiểu về các hướng xử lý của nhà trường để có giải pháp phù hợp cho riêng mình. Trong trường hợp, nếu các du học sinh phải về nước học online tại Việt Nam thì cần đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ và đề xuất các phương án hỗ trợ phù hợp.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ, đặc biệt là Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cập nhật tình hình để kịp thời hỗ trợ cho các lưu học sinh.

– Thưa Bộ trưởng, trong trường hợp hàng loạt du học sinh Việt Nam tại Mỹ phải quay trở về, thậm chí bị gián đoạn quá trình học tập, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng giải quyết như thế nào để tạo điều kiện cho các em tiếp tục học tập, nghiên cứu tại quê nhà?

– Để hỗ trợ du học sinh có nguyện vọng tiếp tục học tập tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo và đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, nhất là những trường quốc tế và trường có hoạt động liên kết đào tạo với các đại học của Mỹ xem xét thực hiện việc tiếp nhận các em.

Căn cứ vào năng lực đào tạo, các quy định trong tuyển sinh và đào tạo, các trường sẽ xem xét, tiếp nhận các du học sinh có nguyện vọng, đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các ngành/chương trình và trình độ đào tạo phù hợp. Các trường sẽ dựa trên kết quả học tập, số tín chỉ du học sinh đã tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài để xem xét miễn giảm hoặc học bổ trợ tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã chính thức công bố thời gian của mùa tuyển sinh đại học năm học 2020 – 2021 đến tháng 2/2021 để các em nếu có nguyện vọng vẫn có thể đăng ký theo học các chương trình ở trong nước.

– Đại dịch Covid-19 dường như đã thiết lập một trạng thái bình thường mới trong mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Trước những tín hiệu chuyển mình đáng ghi nhận, từng bước hội nhập với thứ hạng xếp hạng quốc tế ngày càng cao của nhiều trường, Bộ trưởng có định hướng gì cho sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam?

– Thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà, cơ chế về tự chủ đại học ngày càng phát huy tác dụng, nhiều trường đại học Việt Nam lọt vào danh sách các bảng xếp hạng quốc tế uy tín trên thế giới, điều đó cho thấy các trường đại học ngày càng có chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, giáo dục đại học Việt Nam cũng xuất hiện ngày càng nhiều trường đại học quốc tế, trường đại học ngoài công lập có uy tín, các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Nhiều trường đại học đã và đang có các chương trình đào tạo liên kết quốc tế chất lượng tốt, mạng lưới giáo dục quốc tế đang hình thành.

Hiện nay, người học tại Việt Nam vẫn có thể tiếp nhận chương trình giáo dục quốc tế trong môi trường học tập hiện đại, nhận bằng quốc tế được công nhận toàn cầu ngay tại Việt Nam với mức chi phí hợp lý. Linh hoạt học trực tuyến với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu hướng du học trao đổi tín chỉ để nhận bằng quốc tế ngày càng phổ biến. Có thể thấy rằng, các trường đại học tại Việt Nam đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu “du học tại chỗ” của học sinh, sinh viên.

Thời gian tới, các trường đại học Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh liên kết quốc tế để cạnh tranh và thu hút người học không chỉ ở Việt Nam mà còn từ các nước khác trong khu vực và quốc tế.

– Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng !

“Thời gian tới, các trường đại học Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh liên kết quốc tế để cạnh tranh và thu hút người học không chỉ ở Việt Nam mà còn từ các nước khác trong khu vực và quốc tế”. – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

(Theo GD&TĐ)

Đọc nhiều