128036
category
430155

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trình dự án chia Luật Giao thông Đường bộ thành hai luật?

15/09/2020 20:04

Chính phủ muốn tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật nhưng nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không cần thiết.

Chiều 15/9, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thay mặt Chính phủ trình dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo ông Thể, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo luật có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh.

Theo đó, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ quy định về các vấn đề của giao thông đường bộ như: kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống báo hiệu, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông, vận tải, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Quy tắc về giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không quy định tại đây. Nội dung này được chuyển sang dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, sẽ trình Thường vụ Quốc hội vào sáng mai, 16/9.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: Ảnh: Hoàng Phong
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: Ảnh: Hoàng Phong

Đề xuất tách Luật Giao thông Đường bộ thành hai dự án luật nêu trên được Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí. Chủ nhiệm Uỷ ban, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực hiện luật Giao thông đường bộ năm 2008, đánh giá các vấn đề liên quan giao thông đường bộ. Việc tách hai nội dung lớn là giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, xây dựng thành hai dự án luật là phù hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, ông Ngô Trung Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cơ quan tham gia thẩm tra dự án luật, cho rằng có nhiều nội dung bị chồng lấn.

Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Phan Thành Bình băn khoăn: “Tại sao phải tách thành hai luật?”. Một vấn đề tổng thể nhưng làm hai bộ luật để hai bộ quản lý có thể dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp. “Chúng ta điều chỉnh giao thông đường bộ hay đặt vấn đề những lĩnh vực quản lý cụ thể của từng bộ?”, ông Bình nói.

Ông Bình đề xuất nên làm luật tổng thể thể điều chỉnh chung cho cả lĩnh vực và Chính phủ sẽ phân công trách nhiệm quản lý chứ không nên tách.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, việc tách luật sẽ làm hỏng kết cấu tổng thể của các luật quy định về giao thông hiện có, vì mục tiêu đều là bảo đảm trật tự an toàn giao thông. “Không nên tách để đảm bảo tính tổng thể, thống suốt. Còn việc phân công trách nhiệm, Chính phủ đề xuất và Quốc hội có thể chấp nhận chứ không nhất thiết phải tách”, bà Nga nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng nếu tách hai luật thì không còn tổng thể và “làm công tác lập pháp trở nên rắc rối”. Nói cần phải tính tới tính thống nhất của hệ thống pháp luật, ông băn khoăn nếu tách Luật Giao thông đường bộ như trên thì có tách riêng phần đảm bảo trật tự an toàn trong Luật Đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng hay không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thứ trưởng Tư pháp Đặng Hoàng Oanh giải thích, vấn đề tách luật được Chính phủ bàn bạc kỹ suốt nhiều tháng qua, thống nhất tách thành hai luật bằng Nghị quyết 123. “Tai nạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ chiếm tới hơn 90% trong khi các lĩnh vực giao thông khác thì rất ít. Trước mắt Chính phủ đề xuất tách luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Các lĩnh vực khác có tách không thì trên cơ sở đánh giá, tổng kết thi hành các luật khác”, bà Oanh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, phần giải trình của bà Oanh không thuyết phục vì không thể lấy lý do tai nạn nhiều mà phải tách luật. “Việc giao việc cho bộ này, bộ kia thì ta chỉ cần sửa một luật và phân công nhiệm vụ cho từng bộ”, bà Nga nêu quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Bộ Công an thấy cần thiết phải có luật riêng để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng. “Có luật riêng sẽ đảm bảo trật tự an toàn xã hội tốt hơn”, ông Ngọc nói và cho biết, khi thiết kế hai luật, Chính phủ cũng đã thống nhất nguyên tắc một việc chỉ một người làm chứ không phải hai.

Giải trình sau cùng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể một lần nữa khẳng định Chính phủ đã ra nghị quyết về vấn đề này, có sự nhất trí cao và mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nghị quyết.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận, nhiều ý kiến còn băn khoăn việc tách luật nên đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi nghe dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vào sáng mai sẽ quyết định có nên tách thành hai luật hay không.

Theo chương trình dự kiến, dự án Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi sẽ được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 10, cuối năm 2020.

Hoàng Thùy/VNE

Đọc nhiều