425
category
644494

Bộ trưởng GD&ĐT: Giải trình về đề xuất chính sách tiền lương, nghỉ hưu với nhà giáo

20/11/2024 09:36

Sáng nay ngày 20/11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ 8 và thảo luận dự Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ký báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tổ ngày 9-11.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình ý kiến đại biểu liên quan chính sách tiền lương, phụ cấp của giáo viên tại dự Luật Nhà giáo.

Đáng chú ý, bộ trưởng đã có giải trình cụ thể về ý kiến đại biểu nêu ra liên quan chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp của nhà giáo tại dự luật.

Theo đó, quan điểm “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng” đã được khẳng định qua nhiều nghị quyết, kết luận của Đảng.

Để thể chế hóa thành các chính sách cụ thể, cơ quan soạn thảo dự kiến quy định: Nhà giáo được xếp lương theo thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng thêm phụ cấp lương cơ bản tương ứng với chức danh từ mức 1 đến 1,8.

Bảng lương của nhà giáo được sắp xếp lại để bảo đảm tương quan với công chức và với viên chức các ngành khác.

Phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (tăng thêm 5%).

Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; bổ sung đối tượng hưởng phụ cấp lưu động gồm nhà giáo dạy liên trường…

Các nội dung này đã được thể hiện tại dự thảo nghị định quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo và đã được đánh giá tác động.

Bộ trưởng nêu rõ cơ quan soạn thảo không đề xuất bảng lương riêng với nhà giáo mà sử dụng “thang bậc lương hành chính sự nghiệp” chung như hiện nay.

Đồng thời điều chỉnh các phụ cấp, các quy định xếp lương để bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và hoàn toàn phù hợp với ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội.

Báo cáo của Bộ trưởng Sơn nêu rõ, quy định về tiền lương và phụ cấp tại dự Luật Nhà giáo phù hợp với tinh thần của các nghị quyết, kết luận và cần thiết phải được cụ thể hóa theo chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị tại kết luận 91.

Thời gian tới bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, trong đó sẽ lưu ý đến việc bảo đảm tương quan giữa các cấp học, trình độ đào tạo và tương quan với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác.

Trước đó, báo cáo cũng nhấn mạnh thực tế việc xếp lương nhà giáo chưa bảo đảm tương quan với công chức, viên chức các ngành khác.

Cơ quan soạn thảo so sánh giáo viên phổ thông hạng III – II – I áp dụng bảng lương của viên chức loại A1 (2,34) – A2.2 (4,0) – A3.2 (5,75); trong khi công chức ngạch viên – chính – cao áp dụng bảng lương của công chức loại A1 (2,34) – A2.1 (4,4) – A3.1 (6,2).

Hoặc chức danh y tế công cộng hạng III – II – I được áp dụng bảng lương của công chức loại A1 (2,34) – A2.1 (4,4) – A3.1 (6,2).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc trả lương của nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận giữa nhà giáo và cơ sở giáo dục ngoài công lập, Nhà nước không can thiệp vào nguyên tắc này.

Tuy nhiên, để bảo đảm mức an sinh xã hội của nhà giáo ngoài công lập, ngoài quy định mức lương tối thiểu theo quy định tại Bộ luật Lao động, cơ quan soạn thảo dự kiến quy định:

“Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác”.

Thực tế tổng thu nhập của nhà giáo ngoài công lập có thể cao hơn nhà giáo công lập, nhưng việc thực hiện các chế độ như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội theo lương thì thấp hơn nhà giáo công lập.

Đồng thời có nhiều trường hợp giáo viên mầm non ở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo dân lập, tư thục, nhà giáo ngoài công lập ở các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ ký hợp đồng lao động ngắn hạn với mức thu nhập thấp hơn so với giáo viên công lập.

Dù bảo đảm quy định mức lương tối thiểu vùng nhưng chưa thực sự bảo đảm mức an sinh xã hội cho nhà giáo và chế độ cho nhà giáo khi nghỉ hưu, hoặc chế độ hưởng bảo hiểm xã hội khác… Do đó quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo.

Bích Ngân 

Đọc nhiều