Bộ trưởng Công Thương nói về điểm cốt yếu để đón dòng FDI hậu Covid-19

09/05/2020 06:45

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng Việt Nam phải có ngành sản xuất nguyên liệu mạnh và công nghiệp hỗ trợ mới có thể tận dụng tốt dòng vốn FDI dịch chuyển sau dịch Covid-19.

Gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đang khuyến khích doanh nghiệp chuyển dây chuyền sản xuất, nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác. Trong bối cảnh này, giới chuyên gia đánh giá Việt Nam có cơ hội để thu hút dòng dịch chuyển đầu tư.

Nhân dịp này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại. Đây là những lĩnh vực quan trọng mà nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Điểm đến đầy hứa hẹn

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh có thể sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn về dòng vốn đầu tư quốc tế trong và sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

Ông chỉ ra Việt Nam có một hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định, ứng phó rất tốt với các sự kiện bất khả kháng lớn như thiên tai, dịch bệnh. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt thông qua các cải cách lớn của Chính phủ về việc đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh và thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp và công nghệ cao là rất hấp dẫn. Các chính sách này cũng không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Việt Nam hiện nay vẫn đang có lợi thế về nhân công giá rẻ so với các quốc gia trong khu vực. Đây cũng là một điểm đáng chú ý để các doanh nghiệp đa quốc gia xem xét đầu tư vào Việt Nam. Vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương quốc tế, xuất nhập khẩu hàng hóa, nằm trong khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới cũng là một lợi thế lớn.

“Tất cả các yếu tố trên khiến Việt Nam trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn với dòng vốn đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay”, ông chia sẻ.

Làm thế nào để cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia

Khi được hỏi, Việt Nam cần làm gì để thu hút các dự án công nghiệp, công nghệ cao quy mô lớn, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư khi phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng có rất nhiều việc phải làm.

Ông cho rằng Việt Nam dù có những thuận lợi để đón đầu việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, vẫn còn không ít hạn chế, thách thức để có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các dự án về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Chính sách thu hút FDI trong thời gian dài vừa qua chưa có định hướng cụ thể các ngành trọng điểm cần thu hút, chưa khuyến khích liên doanh liên kết với doanh nghiệp trong nước, chưa khuyến khích việc gia tăng tỷ lệ nội địa.

Môi trường đầu tư kinh doanh trong nước mặc dù đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn còn không ít các rào cản gia nhập thị trường. Tính ổn định, bền vững trong các chính sách phát triển kinh tế, công nghiệp của Việt Nam còn chưa cao. Cơ sở hạ tầng như đất đai, năng lượng… cần phải cải thiện.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng Việt Nam còn nhiều việc để làm để cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam vẫn còn thiếu hụt so với yêu cầu ngày càng tăng về trình độ nhân lực của các công ty đa quốc gia. Công nghiệp hỗ trợ trong nước kém phát triển khiến việc xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông cho rằng để thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực trong việc đón đầu, thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư quốc tế trong thời gian tới, Việt Nam cần khẩn trương triển khai một số giải pháp.

Theo đó, cần đổi mới chính sách thu hút FDI, tăng cường cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Ông nhấn mạnh cần ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội nhằm thu hút các dự án FDI có cơ chế khuyến khích lan tỏa công nghệ, R&D, thành lập trụ sở, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và gia tăng tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước.

Tăng cường cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ…

Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, một trong các điểm yếu của Việt Nam khi muốn thu hút các tập đoàn lớn là thiếu nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

Ông nhấn mạnh công nghiệp hỗ trợ (bao gồm cả công nghiệp vật liệu) kém phát triển đang là một trong những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam trong việc thu hút và giữ chân các dòng vốn FDI.

“Đây là điểm cốt yếu để thu hút FDI, đặc biệt là các dự án FDI yêu cầu cao về trình độ sản xuất và công nghệ của nước sở tại”, ông nói.

Bo truong Cong Thuong noi ve diem cot yeu de don dong FDI hau Covid-19 hinh anh 3 Vietnam_FDI.jpg

Ông cũng nhắc lại nhân công giá rẻ là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đối với các quốc gia trong khu vực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhân tố lao động giá rẻ ngày nay không còn nhiều sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, phát triển bền vững.

Nếu chỉ phát triển các ngành công nghiệp lắp ráp trong bối cảnh chi phí nhân công đang tăng dần với tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động, các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia sẽ sớm rời bỏ Việt Nam.

Thay vào đó, xu thế ngày nay, các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia sẽ chú trọng đầu tư sản xuất vào những khu vực mà tại đó họ có thể tận dụng được một ngành công nghiệp hỗ trợ tốt, đáp ứng được nhu cầu cung ứng linh kiện, chi tiết sản phẩm phục vụ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm. Nguyên nhân là tỷ lệ của chi phí về công nghiệp hỗ trợ cao hơn nhiều so với chi phí lao động.

Bộ trưởng nhắc đến bài học thành công của Thái Lan trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Do đó, nhiều nhà đầu tư trong trong các ngành sản xuất đã lựa chọn Thái Lan hoặc Indonesia vì hệ thống cung ứng nội địa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn nhiều so với các quốc gia này.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang đề xuất Chính phủ gấp rút quán triệt việc hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các chính sách nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, sẽ có nhiều dưu đãi đặc biệt về tiền thuế, thuê đất, tín dụng, nhân lực…

Chính phủ sẽ ưu tiên công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới… Ngoài ra tăng cường kết nối giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước.

Hiếu Công/ ZFN

Đọc nhiều