Bộ trưởng Công an Tô Lâm: 18 cán bộ diện TW quản lý đã bị xử lý hình sự

21/01/2021 14:26

Ngành Công an đã xử lý hình sự 18 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 01 bị can nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, 03 bị can nguyên là Bộ trưởng và nhiều cán bộ công tác trong các cơ quan hành pháp, tư pháp. 

Năm 2020, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến rất phức tạp, song, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng Công an nhân dân đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu hành động “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”. Các cấp trong Công an nhân dân cũng đã chủ động cải tiến phương pháp lãnh đạo, chỉ huy, công tác nghiệp vụ cơ bản, nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả. Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng vừa qua đã tạo được nhiều dấu ấn tích cực, tạo được sự lan tỏa tích cực trong xã hội, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đánh giá là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống tham nhũng. Dịp này, PV phỏng vấn Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an để làm rõ hơn những thành tựu của ngành trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Công an – Tô Lâm.

PV: Kính thưa Bộ trưởng! Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật mà lực lượng Công an nhân dân đạt được trong năm vừa qua?

Bộ trưởng Bộ Công an: Năm 2020 lực lượng Công an nhân dân đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác Công an đề ra và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại của đất nước.

Lực lượng công an đã đạt được thành tích nổi bật trên 10 lĩnh vực công tác sau: (1) Lực lượng CAND đã làm tốt công tác tham mưu triển khai thực hiện các chương trình lớn của Đảng đi vào cuộc sống; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về ANTT và cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân. (2) Chủ động nắm chắc tình hình, giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tham mưu hiệu quả với Đảng, Nhà nước xử lý các vấn đề quốc tế, khu vực liên quan đến lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam, trong đó có vấn đề Biển Đông. (3) Bảo vệ an ninh, an toàn các sự kiện, mục tiêu quan trọng, đóng góp tích cực vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, Hội nghị cấp cao ASEAN 2020…

(4) Đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, hoạt động khủng bố, phá hoại của các tổ chức phản động lưu vong. (5) Giải quyết ổn định, chuyển biến rõ nét nhiều điểm nóng phức tạp về ANTT, có vụ việc từ nhiều năm chưa giải quyết được như vụ ở Đồng Tâm-Mỹ Đức-Hà Nội. (6) Làm tốt hơn công tác phòng ngừa tội phạm, kéo giảm tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, giảm tai nạn giao thông, giảm cháy nổ (năm 2020, tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,80% so với cùng kỳ năm 2019, tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí, số vụ cháy giảm 24,66%). (7) Công tác điều tra khám phá, xử lý tội phạm đạt kết quả cao hơn; có chuyển biến mạnh mẽ trong chấp hành pháp luật, chống oan, sai; tăng tỷ lệ xử lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. (8) Tích cực tham gia là lực lượng tuyến đầu, sáng tạo, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, giải pháp của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid -19; chủ động đi đầu trong tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ lụt, cứu nạn, cứu hộ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận đánh giá cao.

(9) Tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong ổn định bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; hoàn thành bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, do vậy tình hình ANTT ở cơ sở được bảo đảm, có chuyển biến rõ nét hơn. (10) Chất lượng, hiệu quả các biện pháp công tác, tiềm lực, sức mạnh của lực lượng CAND được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ; chủ động tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại trong CAND, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, góp phần bảo đảm an ninh từ xa, từ sớm, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và nâng cao vị thế, uy tín của lực lượng CAND.

PV: Thưa Bộ trưởng! Bộ Công an là đơn vị gương mẫu trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an và công an các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng tăng cường về cơ sở, mạnh từ cơ sở. Xin Bộ trưởng cho biết hiệu quả của việc đổi mới này?

Bộ trưởng Bộ Công an: Đảng bộ Công an Trung ương đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng CAND gương mẫu, khẩn trương, quyết liệt, đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai nhiều giải pháp mang tính “đột phá”, “cách mạng” trong xây dựng lực lượng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ, được coi là “điểm sáng” của Bộ Công an trong nhiệm kỳ qua. Đảng ủy Công an Trung ương luôn luôn đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh trong lãnh đạo toàn lực lượng CAND ổn định bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, kỷ luật, kỷ cương công tác được tăng cường.

Cán bộ Công an xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh xuống thôn bản trò chuyện cùng người dân.
Cán bộ Công an xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh xuống thôn bản trò chuyện cùng người dân.

Triển khai toàn diện, đẩy nhanh tiến độ bố trí cán bộ theo khung tiêu chuẩn, tiêu chí 4 cấp Công an, kết hợp với bố trí, sắp xếp và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ từng Công an đơn vị, địa phương theo hướng giảm biên chế tại đơn vị cơ quan Bộ, tăng cường cho Công an địa phương, đơn vị trực tiếp chiến đấu tại cơ sở. Hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Chủ động rà soát, đánh giá về tiêu chuẩn, điều kiện đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an, cán bộ quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đảm bảo phương án nhân sự tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

PV: Thời gian qua, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, kết luận, chuyển cơ quan thực thi pháp luật trong đó có Ngành Công an xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tạo được nhiều dấu ấn tích cực. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về công tác này?

Bộ trưởng Bộ Công an: Có thể nói, công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng vừa qua đã tạo được nhiều dấu ấn tích cực, tạo được sự lan tỏa tích cực trong xã hội, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đánh giá là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống tham nhũng. Về cơ bản, các vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đều do các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý, điều tra (120/132 vụ, chiếm 91%).

Cơ quan điều tra của lực lượng Công an nhân dân đã thực hiện đúng yêu cầu chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là “Làm từng bước vững chắc, kết luận điều tra từng phần, điều tra làm rõ đến đâu, kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, không để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”. Do vậy, chất lượng, tiến độ công tác điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm có nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tồn đọng từ nhiều năm trước cũng được kiên quyết xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật, không còn tình trạng xử lý kéo dài (như vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và đồng phạm tham ô tài sản).

Công tác xử lý đối tượng vi phạm nghiêm minh, triệt để với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, minh chứng là đã xử lý hình sự 18 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 01 bị can nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, 03 bị can nguyên là Bộ trưởng và nhiều cán bộ công tác trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, là những người có chức vụ hoặc trực tiếp liên quan đến thực hiện phòng, chống tham nhũng.

Công tác thu hồi tài sản được quan tâm ngay từ giai đoạn điều tra, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước, nhiều vụ thu hồi được 100% tài sản (như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, vụ án Hứa Thị Phấn xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín…).

Công tác điều tra, xử lý án tham nhũng, kinh tế tại các địa phương ngày càng được nâng cao, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, trong đó đã giao Cơ quan điều tra cấp tỉnh thụ lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo và điều tra đạt kết quả tốt (như vụ Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc, do Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thụ lý điều tra).

Quá trình điều tra luôn tính toán các giải pháp toàn diện, tập trung, đồng bộ, căn cơ và áp dụng phương thức điều tra linh hoạt, sáng tạo để làm rõ bản chất của vụ án, nhất là bản chất tư lợi, chiếm đoạt; phân hóa vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng để xử lý một cách phù hợp, nghiêm minh nhưng “nhân văn, thấu tình, đạt lý”.

Trước đây, công tác điều tra, xử lý các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chưa điều tra, xử lý được hành vi “rửa tiền” thì trong giai đoạn này Cơ quan điều tra đã phát hiện, điều tra và khởi tố được 04 vụ án về tội danh “rửa tiền” (vụ án Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt và đồng phạm; vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm; vụ án Nhật Cường; vụ án tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba), kết quả đó góp phần bảo vệ thành quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo vệ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong giai đoạn tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và tuân thủ pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là trong điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Với những kết quả đạt được cũng như tinh thần, ý chí phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn thể hệ thống chính trị, tôi luôn tin rằng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ còn “mạnh” hơn, “quyết liệt” hơn, “hiệu quả” hơn và luôn là phòng trào mạnh mẽ, xu thế không thể đảo ngược.

PV: Thưa Bộ trưởng! Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo tác động trực tiếp, nhiều mặt đến nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết, ngành Công an có những giải pháp gì để hoàn thành các mặt công tác trọng tâm trong năm nay?

Bộ trưởng Bộ Công an: Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an xác định phương hướng năm 2021; đề ra các mục tiêu, yêu cầu cụ thể; đồntg thời xác định công tác trọng tâm năm 2021 là:“Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục tăng cường cơ sở, tạo chuyển biến toàn diện về an ninh, trật tự tại cơ sở”. Phương châm hành động của toàn lực lượng CAND năm 2021 là: “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu đề ra, Bộ Công an xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn năm 2021 và các năm tiếp theo là: (1) Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước. Trọng tâm là tập trung bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026… (2) Lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương về an ninh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. (3) Chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc đề ra các chủ trương, chính sách pháp luật, các đề án, kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự, gắn với phát triển kinh tế – xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước, cũng như ở từng địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp trong quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. (4) Tập trung triển khai các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia. Bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực, địa bàn chiến lược, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy các cấp làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, phương án khi có tình hình phức tạp về an ninh, trật tự.

(5) Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm. Liên tục mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm và các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, công tác truy nã tội phạm. (6) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn với việc chuyển đổi phương thức quản lý cư trú bằng hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh; vận động nhân dân thu hồi và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, hạn chế tại nạn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

(7) Tiếp tục xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, tăng cường tiềm lực, sức mạnh về mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (8) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp công tác, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, kế hoạch công tác đã đề ra. (9) Chủ động bảo đảm tài chính, hậu cần, kỹ thuật, y tế đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu thường xuyên và đột xuất của toàn lực lượng. (10) Tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo theo hướng tập trung, sâu sát, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, nói đi đôi với làm. Tập trung rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các quy chế làm việc, quy trình công tác. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu chiến lược, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển hệ thống lý luận CAND. Phát huy vai trò kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc; giao chỉ tiêu công tác cụ thể, hợp lý cho từng đơn vị, địa phương và xác định rõ phạm vi trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các cấp trong tổ chức thực hiện.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!. 

Nguyễn Hiền/ VOV

Đọc nhiều