Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về “chuyến tàu vét” trong bổ nhiệm cán bộ

23/01/2021 13:41

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Luật và các Nghị định không phải là nguyên nhân của việc bầu, bổ nhiệm cán bộ sai, vấn đề nằm ở công tác triển khai, thực hiện để xảy ra chuyện tiêu cực “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét”… gây phản cảm xã hội.

Đánh giá, phân loại cán bộ còn hình thức, nể nang

Trả lời báo chí về sắp xếp, giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trong năm qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Năm 2020 là năm có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, công tác sắp xếp đơn vị hành chính đã được chuẩn bị kỹ từ trước đó.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về "chuyến tàu vét" trong bổ nhiệm cán bộ - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang. Như vậy, tới thời điểm này cả nước có đã có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Kết quả đã giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong giai đoạn 2021 – 2024 là khoảng 1.431 tỷ đồng (gồm: giảm chi tiền lương và phụ cấp khoảng 511 tỷ đồng; giảm chi hoạt động khoảng 920 tỷ đồng).

“Thành quả đó là cả một quá trình và là kết quả của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, không chỉ riêng của ngành Nội vụ”, ông Lê Vĩnh Tân khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, thực tế kết quả tinh giản biên chế đã giảm được số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước như mục tiêu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được thực hiện nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn, do các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa hoàn thiện được đề án vị trí việc làm; chưa xác định được chuẩn về cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; công tác đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức, nể nang, chưa thực sự sát và đúng với công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Để khắc phục tình trạng trên, Lê Vĩnh Tân cho rằng trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện thể chế về vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức, đánh giá phân loại công chức, viên chức và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Vẫn xảy ra chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ”

Trong triển khai các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, trong đó đã quy định rất rõ trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức của người giữ chức vụ, chức danh trong bộ máy nhà nước.

Chuyện tiêu cực “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét”… lâu nay gây phản cảm xã hội dù đã giảm bớt, nhưng ở một số địa phương vẫn chỉ định cán bộ sau đại hội.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Luật và các Nghị định không phải là nguyên nhân của việc bầu, bổ nhiệm cán bộ sai. Công tác cán bộ là công tác của Đảng, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật còn phải thực hiện các quy định hết sức chặt chẽ của Đảng. Chẳng hạn như quy trình bổ nhiệm 5 bước tại Quyết định 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của Trung ương; các bộ, ngành, địa phương cũng có thẩm quyền ban hành theo phân cấp quản lý. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về "chuyến tàu vét" trong bổ nhiệm cán bộ - Ảnh 2.
Một số quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”. Ảnh minh hoạ

Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng cho rằng, Tại Quy định số 205-QĐ/TW đã quy định rất rõ các hành vi nào là hành vi chạy chức, chạy quyền; hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và quy định cụ thể việc xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, để xử lý triệt để tình trạng bổ nhiệm người trước khi nghỉ việc, nghỉ hưu, tại khoản 6 Điều 5 Quy định 205-QĐ/TW cũng đã quy định rõ “kể từ khi có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác, phải báo cáo bằng văn bản và phải được cấp trên trực tiếp đồng ý trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp”.

“Với các quy định của Đảng và pháp luật như đã nêu là tương đối đầy đủ, cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nghiêm túc, quán triệt trong công tác triển khai, thực hiện để hạn chế đến mức tối đa các tiêu cực trong công tác bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ”, ông Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

(Theo DV)

Đọc nhiều