Bộ Quốc phòng trả lời về việc thanh, kiểm tra sử dụng đất quốc phòng
Bộ Quốc phòng cho biết đã tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, không để phát sinh tranh chấp mới, chủ động phối hợp với địa phương giải quyết các tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng do lịch sử để lại.
Hoàn thành lập sơ đồ hiện trạng sử dụng đất quốc phòng
Bộ Quốc phòng cho biết, đơn vị này vừa nhận được kiến nghị của cử tri TP.HCM do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung: “Đề nghị tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có)”.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Quốc phòng cho biết nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt và chấp hành nghiêm quy định của Luật Đất đai và các quy định khác liên quan đến quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Cụ thể, về rà soát, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, Bộ Quốc phòng cho hay, căn cứ Nghị quyết 161/2018 của Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2011 2020, Kế hoạch sử dụng đất quốc phòng năm năm kỳ cuối 2016 2020; Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng.
Về lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thực hiện Quyết định 955/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho các Bộ lập quy hoạch ngành quốc gia, Bộ Quốc phòng đã giao Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định 37/2019 của Chính phủ.
Thông tin đến cử tri, Bộ Quốc phòng cũng cho biết, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phối hợp với chính quyền địa phương nơi đóng quân hoàn thành công tác kiểm kê, lập sơ đồ hiện trạng sử dụng đất quốc phòng báo cáo Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) theo quy định.
Không để phát sinh tranh chấp mới
Liên quan đến việc xử lý, giải quyết các hợp đồng liên doanh, liên kết làm kinh tế có sử dụng đất quốc phòng ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội, theo Bộ Quốc phòng căn cứ Quyết định 92/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 59/2019 của Bộ Chính trị về chủ trương tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng tham gia vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, Bộ đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 92/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 17/11, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 132 về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Hiện, Bộ TN&MT đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định để thực hiện Nghị quyết trên của Quốc hội.
Bên cạnh đó, về giải quyết đất quốc phòng bị tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai Chỉ thị số 90/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và phương án tổng thể giải quyết đất quốc phòng bị tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng.
Bộ Quốc phòng đã tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, không để phát sinh tranh chấp mới, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết các tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng do lịch sử để lại.
Về công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về đất quốc phòng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2020 và tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó, Thanh tra Bộ Quốc phòng đã tiến hành 4 cuộc thanh tra, 1 cuộc kiểm tra có nội dung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Trong số này, ba cuộc thanh tra có nội dung thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng đối với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Quân đoàn 4, Quân khu 1; một cuộc thanh tra chuyên sâu về các nguồn thu, chi từ cho thuê đất, tài sản trên đất quốc phòng đối với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; và một cuộc kiểm tra chuyên sâu công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng đối với Bộ Tư lệnh TP.HCM.
Hồng Khanh/ VNN