28
category
531974
‘Bỏ qua cơ hội phòng Covid-19 nếu trì hoãn, kén chọn vaccine’
13/07/2021 10:19

Bác sĩ Hữu Khanh khuyên người dân không nên quá lo lắng mà đánh mất cơ hội bảo vệ bản thân, cộng đồng tại Tuần tư vấn vaccine Covid-19 vừa qua.

Thông tin được Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM chia sẻ trong chương trình tư vấn “Tiêm vaccine Covid-19 an toàn, hiệu quả” tổ chức (29/6 đến 10/7). Trong gần 5.000 câu hỏi của độc giả, rất nhiều trong số đó xoay quanh lo lắng phản ứng phụ, tâm lý lựa chọn, chờ đợi vaccine Covid-19.

Bác sĩ Khanh cho biết, Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 quy mô lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm nhanh, nhiều và rộng nhất; an toàn; hiệu quả; công bằng. Quá lo lắng về phản ứng nghiêm trọng sau tiêm, nhất là từ thông tin thiếu chính xác, không có kiểm chứng, kén chọn, trì hoãn vaccine Covid-19… có thể sẽ ‘phá nát’ vai trò của tiêm chủng. Nhiều hệ lụy có thể xảy ra khi số người từ chối tiêm vaccine tăng lên. Nếu có cơ hội, người dân nên chích đủ 2 mũi vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt. Nguy cơ lây lan mầm bệnh sẽ giảm nếu tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng đạt 70% đến 85%.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ thêm, các loại vaccine Covid-19 đưa vào chương trình tiêm chủng tại Việt Nam đều đã được sử dụng trên nhiều nước, chứng minh về tính an toàn, hiệu quả, được xem là biện pháp phòng bệnh tương tự như các loại vaccine khác. Người dân không nên có tâm lý kén chọn bởi được tiêm vaccine phòng Covid-19 lúc này là cơ hội và quyền lợi.

“Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện tiêm chủng an toàn và hiệu quả, người dân không nên trì hoãn hoặc chờ đợi loại vaccine nào cụ thể, cần sẵn sàng thực hiện tiêm chủng ngay khi có cơ hội để sớm bảo vệ chính mình, gia đình và tạo miễn dịch cộng đồng”, bác sĩ Chính nói thêm.

Nhiều người hỏi về những phản ứng phụ sau tiêm Covid-19, bác sĩ Khanh cho biết, hầu hết phản ứng phụ rất thông thường như đau, đỏ tại vị trí tiêm hoặc các triệu chứng “giả cúm” như mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, đau đầu, sốt… Các phản ứng này thường sẽ tự khỏi trong vòng 2-3 ngày sau tiêm. Trong trường hợp sốt cao, lạnh run, có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm triệu chứng khó chịu. Nếu xuất hiện tình trạng nôn ói, đi ngoài, mệt lả, khó thở… gây khó chịu, người được tiêm chủng nên đến ngay bệnh viện kiểm tra. Đối với một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp gây phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 mũi một nghiêm trọng, người dân không nên tiêm mũi 2 hoặc phải được tiêm ở bệnh viện có đủ điều kiện cấp cứu ban đầu.

Một phụ nữ được tiêm vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM) vào tháng 6/2021. Ảnh: Phong Lan.
Một phụ nữ được tiêm vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi, TP HCM) vào tháng 6/2021.

Theo bác sĩ Chính, không có vaccine nào có hiệu quả phòng bệnh 100% và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bất kỳ loại vaccine nào cũng kèm theo nguy cơ phản ứng sau tiêm ở nhiều mức độ khác nhau tùy cơ địa của từng cá thể. Tuy nhiên, ngay cả với các phản ứng nặng, nếu được phát hiện sớm, xử trí kịp thời cũng không quá nguy hiểm, hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Hoàn toàn có thể xảy ra khả năng trùng hợp giữa đột tử do nguyên nhân khác với thời điểm mới tiêm vaccine. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phản ứng nặng sau tiêm thường xảy ra ngay sau khi tiêm hoặc trong 72 giờ sau tiêm. Ngay cả trong 72 giờ sau tiêm vaccine, các vấn đề sức khỏe xảy ra cần được xem xét toàn diện các nguyên nhân khác, tránh việc nghĩ quá nhiều đến phản ứng sau tiêm vaccine mà bỏ qua tầm soát các bệnh lý khác, rất nguy hiểm.

Ai nên tiêm sớm và ai nên hoãn tiêm vaccine Covid-19

Bác sĩ Khanh chia sẻ thêm, nhiều người lo ngại thể trạng yếu, lớn tuổi, có bệnh lý nền ổn định hoặc đang dùng thuốc có thể gặp phản ứng bất lợi sau tiêm nhưng điều này phản khoa học. Theo bác sĩ, người có bệnh nền (tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, đặt stent, viêm gan B-C, thiếu máu tán huyết, rối loạn tiền đình, thiếu men G6PD…), bệnh nhân ung thư đã điều trị ổn định càng nên chích ngừa để tránh biến chứng nặng nếu không may mắc Covid-19. Người càng lớn tuổi càng ít bị phản ứng phụ sau tiêm.

Trường hợp có tiền sử viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng hoặc dị ứng nhẹ ngoài da do thuốc, thức ăn… có thể được chỉ định chích vaccine phòng Covid-19. Sau khi chủng ngừa xong, những đối tượng này vẫn có thể uống thuốc hàng ngày vì rất hiếm các loại thuốc đang sử dụng ảnh hưởng đến hiệu quả sinh miễn dịch của vaccine.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ dưới 18 tuổi, người đang có bệnh cấp tính, đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao, dài ngày… cần hoãn tiêm vaccine. Các trường hợp hoãn tiêm khác bao gồm phụ nữ mang thai, đang cho con bú sữa mẹ, người mắc bệnh nền mạn tính chưa kiểm soát, người suy giảm miễn dịch nặng, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và xơ gan giai đoạn mất bù, những đối tượng chống chỉ định tiêm chủng vaccine là người có tiền sử dị ứng phản ứng phản vệ mức độ 2 (có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan như mề đay, phù mạch, khó thở, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi, tiêu chảy, nôn ói, đau bụng dữ dội, phải tiêm adrenalin hoặc phải điều trị cấp cứu trong bệnh viện) và những chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Người lớn tuổi là đối tượng khuyến khích nên tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Phong Lan.
Người lớn tuổi là đối tượng khuyến khích nên tiêm vaccine Covid-19.

Nhiều độc giả hỏi có cần làm xét nghiệm đông máu, xét nghiệm dị ứng, xét nghiệm Covid-19, khám sức khỏe tổng quát, siêu âm tim phổi… trước khi tiêm vaccine Covid-19 hay không.

Bác sĩ Khanh cho biết, không cần thực hiện với mục đích để tiêm vaccine Covid-19 vì không có ý nghĩa “tiên đoán” phản ứng sau tiêm. Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức uy tín khác như CDC (Mỹ), UNICEF, Ủy ban sức khỏe châu Âu cũng không khuyến cáo làm các xét nghiệm này trước khi tiêm chủng, gây lãng phí nguồn lực và không có nhiều giá trị trừ khi người đi tiêm chủng thật sự đang mắc bệnh. Khám sàng lọc trước tiêm của bác sĩ cũng có thể đánh giá khả năng có được tiêm hay không, chỉ yêu cầu người được tiêm “khai báo trung thực” thông tin bệnh sử của bản thân.

Vaccine phòng Covid 19 không phải là virus Covid-19 sống, không thể khiến người được tiêm bị nhiễm bệnh. Sau khi tiêm vaccine Covid-19 mà thực hiện xét nghiệm tầm soát thông thường như xét nghiệm nhanh kháng nguyên hay làm RT-PCR sẽ không cho kết quả dương tính do vaccine. Kết quả dương tính sau khi vừa tiêm vaccine phòng Covid-19 có thể trùng hợp với sự lây nhiễm virus xảy ra cùng thời điểm đó. Thực tế, vẫn có thể nhiễm bệnh sau khi tiêm vaccine nhưng khi đã được tiêm vaccine bệnh sẽ nhẹ, không phải nhập viện điều trị và nguy cơ lây lan cho người khác rất thấp.

Trước khi tiêm vaccine, người dân nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng rượu bia, chất kích thích, ngủ đủ giấc, hợp tác khai báo y tế, tuân thủ 5K, thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân như tiền sử dị ứng, các bệnh cấp tính/mãn tính đang mắc, các thuốc đang sử dụng và các thông tin khác liên quan đến bệnh… Sau khi tiêm cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Người dân cần tiếp tục tự theo dõi ít nhất 7 đến 28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều… Hạn chế tập thể dục với cường độ mạnh như chạy điền kinh, đá bóng, cử tạ, boxing…

Để hỗ trợ thực hiện và đảm bảo an toàn cho người được tiêm vaccine Covid-19, nhất là nhóm đối tượng nguy cơ cao phản ứng sau tiêm, công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe trước và sau tiêm cần được thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình.

Bác sĩ Chính chia sẻ thêm, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC đã chuẩn bị công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 bài bản, kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng cho tất cả cán bộ nhân viên y tế, nhất là khâu khám sàng lọc trước tiêm chủng của bác sĩ. Điều này giúp người dân không quá lo lắng, bỏ lỡ cơ hội được tiêm chủng phòng bệnh, đảm bảo chỉ định tiêm chủng chính xác, an toàn. Phương án xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm cũng được đào tạo đầy đủ theo đúng quy định của Bộ Y tế. Trang thiết bị xử trí cấp cứu phản vệ luôn được sẵn sàng.

“Mặc dù tỷ lệ xảy ra phản ứng phản vệ rất hiếm nhưng tất cả nhân viên y tế, trang thiết bị luôn trong tình trạng sẵn sàng khởi động để không bỏ qua cơ hội vàng cứu bệnh nhân. Chúng tôi không cho phép được sai sót dù chỉ là một lần”, bác sĩ Chính nói.

Các thùng chứa vaccine Covid-19 của AstraZeneca được kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào kho bảo quản vào tháng 2/2021.
Các thùng chứa vaccine Covid-19 của AstraZeneca được kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào kho bảo quản vào tháng 2/2021.

Chia sẻ thêm về năng lực nhập khẩu, bảo quản và khả năng triển khai tiêm vaccine Covid-19 an toàn trên diện rộng với số lượng lớn của Việt Nam nói chung và hệ thống VNVC nói riêng, bác sĩ Chính cho biết, Việt Nam có mạng lưới tiêm chủng vaccine rộng lớn, phủ khắp mọi miền đất nước. Nhiều nơi được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, hệ thống kho bảo quản vaccine đạt chuẩn GSP, quy trình tiêm chủng an toàn. Người dân sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận dễ dàng với vaccine Covid-19 cả miễn phí và dịch vụ trong thời gian tới.

Ngọc Anh 

Đọc nhiều