8
category
578892

“Bộ lông làm đẹp con công”: Lạm bàn xung quanh vụ án Đại học Đông Đô

Bảo An 30/12/2021 12:45

Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án cấp bằng giả tại Đại học Đông Đô. Đây là vụ án có tính chất hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều người, gây tâm lý hoài nghi trong dư luận về tính chất trong sạch của môi trường giáo dục.

Kết thúc phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án Đại học Đông Đô cấp bằng giả, 10 bị cáo trong vụ án đã nhận được hình phạt tương ứng với hành vi sai phạm của bản thân. Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng buộc trường Đại học Đông Đô nộp hơn 7,1 tỷ đồng thu lời bất chính từ việc cấp bằng giả học viên để sung công Nhà nước. Những sai phạm đã được làm rõ, người có hành vi sai phạm đã bị xử lý. Vậy nhưng những hệ luỵ của nó gây ra thì không thể một sớm một chiều chấm dứt. Vụ án là một “điểm tối” không thể chấp nhận trong môi trường giáo dục.

Nhìn lại toàn bộ vụ án, một câu hỏi khiến nhiều người không khỏi đau đó là nguyên nhân nào dẫn đến vụ án nêu trên? Vì sao người ta bất chấp tất cả, sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm để nhận được những tấm bằng đại học?

Chúng ta không phủ nhận nền giáo dục Việt Nam những năm qua đã có nhiều thành tựu tích cực. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta được đánh lờ, bỏ qua những “góc khuất”, “mảng tối” trong bức tranh giáo dục.

Theo quy luật cung – cầu, khi xã hội có nhu cầu thì sẽ xuất hiện nguồn cung. Câu chuyện bằng giả cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ người học, dù năng lực bản thân không có nhưng vì nhiều động cơ, mục đích khác nhau mà họ sẵn sàng bỏ ra tiền để nhận lấy một tấm bằng. Về phía người cung cấp, chắc chắn họ là những kẻ sẵn sàng chà đạp lên pháp luật, vì lợi ích phi pháp mà bất chấp tất cả các quy định.

Một thực tế đáng buồn không thể phủ nhận là những trường hợp sử dụng bằng giả hầu hết đều thuộc biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Rõ ràng, những tấm “bằng giả” đang phát huy hiệu quả trong môi trường công lớn hơn rất nhiều so với môi trường tư. Nếu như làm tư nhân, bằng cấp không phải là tất cả. Thậm chí, có những người không có bằng cấp nhưng vẫn được cất nhắc ở các vị trí cao với mức lương hậu hĩnh. Vậy nhưng ngược lại, ở môi trường công, tấm bằng như một chiếc chìa khoá cho con đường thăng quan tiến chức. Trong vụ án tại Đại học Đông Đô, kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy nhiều trường hợp đã sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, kê hồ sơ công chức, viên chức, thi tuyển công chức, nâng ngạch và thăng hạng viên chức.

Việc cấp bằng giả không chỉ đơn thuần là “học giả”, “thi giả” mà nó có mối quan hệ chặt chẽ với công tác cán bộ. Nhiều người đang sử dụng bằng cấp như một công cụ để được tuyển dụng, cân nhắc, quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Có những người có năng lực nhưng không đủ bằng cấp thì không được bổ nhiệm. Ngược lại, có những người năng lực chưa đảm bảo nhưng lại đủ tiêu chuẩn về bằng cấp vẫn được cất nhắc lên các vị trí lãnh đạo. Rõ ràng, bằng cấp đang trở thành một tiêu chí hàng đầu trong mọi khâu của công tác cán bộ. Chính vì vậy, nhiều người sẵn sàng mua bằng để có được “bộ lông làm đẹp con công”. Còn lại, việc người ta có kiến thức thực tế hay không thì không quan trọng. Chính vì vậy, hàng loạt câu chuyện buồn đã diễn ra. Thậm chí, đau đớn hơn, ở những vị trí cần sự trong sạch, liêm chính nhưng lại xuất hiện việc dùng bằng giả. Đơn cử như việc nguyên Chánh thanh tra tỉnh Lào Cai sử dụng bằng giả hay những vụ việc giáo viên sử dụng bằng giả mà chúng ta có thể dễ dàng có thể tìm thấy trên mạng.

Từ câu chuyện sử dụng bằng giả, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy mối quan hệ không hề nhỏ với việc “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Thiết nghĩ, một người sử dụng bằng giả nhưng sau đó lại chui sâu, leo cao vào bộ máy Nhà nước thì sẽ như thế nào? Thực tế đã cho thấy khi lãnh đạo sử dụng bằng giả, nội bộ đơn vị đó diễn ra sự lục đục, mất đoàn kết, đơn thư tố cáo nghiêm trọng.

Đã đến lúc chúng ta phải siết chặt hơn nữa công tác cán bộ. Thay vì chỉ chăm chăm “đẻ” ra hàng loạt tiêu chuẩn về chứng chỉ, bằng cấp như những gì đã diễn ra trong thời gian vừa qua thì các cơ quan chức năng hãy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá thật chất hiệu quả công tác cán bộ. Song song với đó, công tác cán bộ phải được thực hiện một cách khách quan, công tâm, vô tư, dựa trên năng lực của tất cả mọi người, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng. Chỉ khi đó, mọi người mới cố gắng nỗ lực hết mình trong công việc, không chạy theo bằng cấp hư danh.

Một xã hội nếu chỉ trọng bằng cấp thì “gốc” sẽ không vững. Việc xử lý những người vi phạm như trường hợp Đại học Đông Đô chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Để giải quyết tận gốc vấn nạn dùng bằng giả, chúng ta phải thay đổi tư duy giáo dục, chú trọng vào năng lực của người học. Đặc biệt, các cơ quan Nhà nước (nơi vấn nạn bằng cấp vẫn tồn tại rất lớn) phải thay đổi mạnh mẽ công tác cán bộ, không để bằng cấp ràng buộc, giữ chân, kìm hãm sự phát triển của những người có năng lực.

Bảo An

Đọc nhiều