148628
topics
552397

Bộ GTVT xin ý kiến chuẩn bị mở lại các hoạt động vận tải hành khách

22/09/2021 15:38

Việc mở lại các luồng giao thông là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều địa phương nới lỏng biện pháp phòng tránh dịch Covid-19. Vì vậy Bộ Giao thông vận tải phát đi văn bản lấy ý kiến về kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của các địa phương trong thời gian tới.

Bộ Giao thông vận tải đưa ra các phương án để khôi phục hoạt động vận tải

 

Văn bản lấy ý kiến do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ ký kèm theo dự thảo về kế hoạch được gửi tới các bộ ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm khôi phục hoạt động vận tải khách phù hợp với từng bước nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, an toàn, thống nhất giữa địa phương.

Theo Bộ Giao thông vận tải, do một số địa phương đã và đang chuyển đổi cấp độ phòng, chống dịch COVID-19 từ chỉ thị 16 về chỉ thị 15 nên kế hoạch cần được ban hành gấp. Vì vậy, bộ đề nghị các đơn vị có ý kiến góp ý trước 17h ngày 23-9 để tổng hợp, hoàn thiện.

Theo dự thảo, về nguyên tắc chung, tại các nơi đang thực hiện chỉ thị 16 sẽ không tổ chức hoạt động vận tải khách (trừ các trường hợp được cấp có thẩm cho phép), tuy nhiên, sân bay, nhà ga đường sắt vẫn được hoạt động và tiếp nhận khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng chỉ thị 16.

Tại các nơi đang thực hiện chỉ thị 15 và 19 được tổ chức vận tải khách theo mức độ hạn chế tỉ lệ % xe kinh doanh vận tải, hành khách của từng phương thức vận tải, trong khi ở các địa phương đang thực hiện mức độ bình thường mới sẽ tổ chức vận tải khách hoạt động bình thường với hai phương án được đưa ra.

Phương án 1: khách đi trên xe (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện chỉ thị 15, 19) phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và các quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Phương án 2: khách khi đi trên xe (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện chỉ thị 15, 19) đáp ứng các yêu cầu về thực hiện nghiêm 5K và đáp ứng một trong các tiêu chí sau: người đã tiêm đủ liều vắc xin trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày, người khỏi bệnh COVID-19, người có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Ngoài ra, xe chở khách phải thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch theo quy định.

Kèm theo nguyên tắc chung nêu trên, dự thảo cũng đưa ra các phương án cụ thể cho từng lĩnh vực vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, trong đó quy định về giới hạn tần suất chuyến, số lượng khách/chuyến và lộ trình nới lỏng dần.

Chẳng hạn, với đường sắt, giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này), số lượng đôi tàu khai thác trên từng tuyến không vượt quá 50% so với biểu đồ chạy tàu đã được công bố trước đây và có giãn cách chỗ trên tàu (không áp dụng giãn cách đối với toa giường nằm).

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): số lượng đôi tàu không vượt quá 70%; giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): số lượng đôi tàu khai thác trên từng tuyến không vượt quá 70% và không phải giãn cách chỗ trên tàu. Cuối cùng, giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) được khai thác trở lại bình thường.

TP.HCM công bố bộ tiêu chí về giao thông vận tải, đạt mới được hoạt động

TP.HCM công bố các tiêu chí hoạt động vận tải – Ảnh: CHÂU TUẤN

Đối với vận tải hàng hóa (đường bộ và đường thủy nội địa): có 6 tiêu chí để đánh giá đạt hoặc không đạt. Trong các tiêu chí có tiêu chí yêu cầu lái xe và người phục vụ đều đã tiêm phòng COVID-19 mũi thứ nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh, có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, thực hiện quy tắc 5K…

Đối với vận tải hành khách (đường bộ, đường thủy nội địa): có 10 tiêu chí đánh giá để được hoạt động, trong đó tiêu chí 1 đến 5 được đánh giá đạt và không đạt tương tự đã nêu ở trên. Tiếp đến các tiêu chí như: không sử dụng máy lạnh hoặc đóng kín cửa, mở máy lạnh từ 26°C trở lên; vận chuyển không quá 50% sức chứa (đạt), vận chuyển trên 50% (không đạt)…

Đối với hoạt động bến xe, phà, bến thủy nội địa vận chuyển hành khách, bến khách ngang sông: có 10 tiêu chí đánh giá. Tiêu chí 1, 2, 3, 4, 5, 6 lần lượt là người lao động đã tiêm vắc xin; tất cả người lao động xét nghiệm định kỳ theo quy định của ngành y tế; thực hiện quy tắc 5K; có thành lập ban chỉ đạo chống dịch (hoặc tổ công tác) và có biện pháp chống dịch theo quy định; có bảng tuyên truyền, hướng dẫn chống dịch; vệ sinh khử khuẩn bến phà, bến xe…

Đối với hoạt động của công trình giao thông bao gồm công tác bảo trì: có 7 tiêu chí, trong đó tiêu chí 1, 2 là có thành lập ban chỉ đạo chống dịch; có kế hoạch thi công gắn với công tác chống dịch. Các tiêu chí khác như: toàn bộ người lao động được tiêm vắc xin; có xét nghiệm định kỳ; thực hiện quy tắc 5K….

Đối với hoạt động nhà ga đường sắt, sân bay: thực hiện theo quy định về hướng dẫn tạm thời phòng chống dịch của Bộ Giao thông vận tải đã công bố trước đó. Ngoài ra, người lao động phải tiêm vắc xin và có xét nghiệm định kỳ.

Đối với đào tạo, sát hạch lái xe: có 10 tiêu chí, trong đó tiêu chí người lao động, học viên được tiêm vắc xin mũi 1 sau 14 ngày, được xét nghiệm định kỳ theo quy định, đảm bảo quy tắc 5K còn phải cung cấp đầy đủ thiết bị, vật tư y tế (khẩu trang, khử khuẩn), có hợp đồng với nhân viên hoặc đơn vị y tế riêng theo dõi sức khỏe người lao động tại cơ sở…

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, trường hợp được phép hoạt động: khi tất cả tiêu chí đều đạt theo yêu cầu từng lĩnh vực. Trường hợp không được phép hoạt động: khi có ít nhất 1 tiêu chí không đạt theo yêu cầu.

Đức Tuấn

Đọc nhiều