8
category
329966

Bộ GTVT không biết vì sao máy bay liên tục móp, rách mũi

25/10/2019 14:41

Bộ GTVT để ngỏ cả khả năng máy bay va chạm với phương tiện bay không người lái (drone) do không tìm thấy dấu vết va đập của chim trong 2 sự cố gần đây.

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Phó thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia Trương Hoà Bình sau khi xảy ra 2 sự cố máy bị móp mũi.

Bo GTVT khong biet vi sao may bay lien tuc mop, rach mui hinh anh 2
Vết móp trên mũi máy bay của T’way Air (trái) và của máy bay VietJet nghi do va chạm với máy bay không người lái.
Bo GTVT khong biet vi sao may bay lien tuc mop, rach mui hinh anh 1

Trong văn bản, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về mua bán, cấp phép các thiết bị bay không người lái để ngăn ngừa khả năng va chạm với máy bay dân dụng.

Cách đây hơn 10 ngày, máy bay Airbus A321 của VietJet trên hành trình từ TP.HCM đi Phú Quốc đã bị móp phần mũi che radar thời tiết. Nhân viên kỹ thuật không phát hiện dấu vết va đập của chim.

Cơ trưởng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ cho biết máy bay đã gặp mưa to kết hợp mây giông và có biểu hiện rung lắc nhẹ. Theo quan sát thực tế, thời tiết không có biểu hiện mưa đá.

Trước đó, ngày 20/9, chiếc Boeing 737 của T’way Air (Hàn Quốc) cũng gặp phải hiện tượng tương tự khi hạ cánh tại TP.HCM. Máy bay này bị móp và rách chóp mũi che radar thời tiết.

Vị trí tổ bay “cảm thấy va chạm” được tạm xác định là trên vùng trời TP.HCM khi máy bay chuẩn bị tiếp cận.

Hiện, Bộ GTVT vẫn chưa có kết luận nguyên nhân của 2 sự cố trên. Do không tìm thấy dấu vết va đập của chim nên Bộ vẫn để ngỏ khả năng máy bay bị va chạm với phương tiện bay không người lái.

Trước thực trạng máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đang dần phổ biến ở Việt Nam, Bộ GTVT cho biết có nhiều vụ việc do sự thiếu hiểu biết, chủ quan của người sử dụng đã uy hiếp an toàn hàng không, gây thiệt hại lớn đối với hoạt động hàng không dân dụng.

Ngoài ra, phương tiện bay không người lái cũng là công cụ hữu hiệu được sử dụng trong các hoạt động khủng bố đối với hàng không dân dụng. Trên thực tế, đã có nhiều vụ khủng bố được thực hiện bằng cách sử dụng phương tiện bay không người lái.

Theo quy định hiện hành về việc quản lý máy bay không người lái (Nghị định 36/2008), các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng flycam – drone để quay phim, chụp ảnh, phải có đơn đăng ký gửi đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng), cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay… Mỗi lần xin phép chỉ áp dụng cho 1 lần bay.

Với giá thành rẻ và kết cấu nhỏ gọn, khó bị phát hiện, flycam vẫn được rất nhiều người bay “chui”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định của Chính phủ quá chặt chẽ đến mức gây khó, khiến nhiều người nảy sinh tâm lý bay không xin phép.

Để khắc phục tình trạng này, dự kiến tháng 12 tới, Bộ Quốc phòng sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 36 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

(Theo Zing News)

Đọc nhiều