5
category
610670

Ghế “nóng” GTVT và những ngổn ngang chờ đặt hàng tân Bộ trưởng

Phạm Khoa 13/10/2022 11:00

Chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bao năm nay vẫn là “ghế nóng”. Vậy nên, thông tin ngành sắp có Bộ trưởng mới, sau khi Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã thu hút sự chú ý của dư luận. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên được Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội xem xét, phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT tại Kỳ họp sắp tới.

Sau khi được Trung ương Đảng giới thiệu Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp thứ 4 sắp tới, ông Nguyễn Văn Thắng được kỳ vọng sẽ đem lại làn gió mới cho ngành Giao thông Vận tải (GTVT) khi trở thành tân Bộ trưởng, thay thế ông Nguyễn Văn Thể.

Có thể nói, sau nhiều thiệt hại to lớn mà ngành GTVT phải hứng chịu suốt 2 năm dịch bệnh, do chính sách phong tỏa toàn xã hội, thì sự tăng tốc trong tình hình bình thường mới của các dự án xây dựng hạ tầng giao thông trên cả nước đã thật sự gây ấn tượng với người dân. Ngay từ quý 1 năm 2022, mọi trận tuyến, nhất là các công trình trọng điểm đã làm tốt trước đó, giờ bắt nhịp nhanh, nỗ lực tăng tốc. Các dự án có tiến độ giải ngân đạt chỉ tiêu như Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), cao tốc Cam Lộ – La Sơn (Quảng Trị -Thừa Thiên Huế)…đang tạo cổ vũ lớn cho các công trường hạ tầng giao thông trong cả nước.

Đầu tháng 8 năm nay, việc triển khai dự án thu phí tự động toàn bộ các tuyến cao tốc đã bước đầu thành công, dù vẫn còn nhiều lỗi hệ thống cần điều chỉnh. Đó là một số điểm sáng trong nhiều dấu ấn của ngành GTVT dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Tuy vậy, thực tế vẫn còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn trong nhiều mảng hoạt động của ngành, đặc biệt là mảng đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT chỉ giải ngân được hơn 27 nghìn tỷ đồng và từ nay tới cuối năm, chỉ còn ngót nghét gần 3 tháng phải tiếp tục giải ngân khoảng 23.301 tỷ đồng nữa. Trong đó, tập trung ở các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, giai đoạn 2, các dự án ODA và một số dự án cấp bách khác.

Bên cạnh tiến độ giải ngân chậm, thì việc nguồn vốn của nhà nước còn hạn chế cũng là một vấn đề cần được giải quyết sớm. Theo đề xuất của Bộ GTVT, ngân sách nhà nước tới đây chỉ được dùng cho những những dự án trọng điểm, có tính đột phá. Còn các dự án khác, có tính thương mại cao, những dự án ở khu vực miền Đông Nam bộ, nơi có nhiều khu công nghiệp, Bộ GTVT sẽ lên kế hoạch kêu gọi vốn hoặc chủ động tham mưu các cơ chế thu hút vốn để nhà đầu tư tiếp cận, triển khai quy hoạch.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên được Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội xem xét, phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT tại Kỳ họp sắp tới.

Kế thừa di sản của bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ông Nguyễn Văn Thắng chắc chắn sẽ đảm trách một khối lượng công việc rất lớn, và không hề dễ dàng trong thời gian tới.

Ở vị trí mới, ông Thắng sẽ phải xử lý công việc liên quan đến hàng loạt dự án giao thông trọng điểm hoàn thành trong năm 2023, và khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025, như tuyến Metro số 1, số 2, hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, giai đoạn 1 sân bay Long Thành…(TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ), Vành đai 2, 3, 4 (Hà Nội)…Đó là chưa nói đến các công trình có thời điểm khởi công trong năm 2025, như: cầu Thủ Thiêm 4, sân bay Long Thành…(TPHCM và các tỉnh phía Nam); tuyến đường sắt đô thị (Hà Nội)…đang cần nhiều nỗ lực vận động của toàn ngành GTVT. Đặc biệt, Bộ GTVT ngay lúc này đã tính đến việc tham mưu cho Chính phủ sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, điều chuyển vốn từ công trình chậm tiến độ sang công trình đảm bảo tiến độ.

Nhìn từ góc độ này, Bộ GTVT thật sự đang cần đến một lãnh đạo có nghiệp vụ quản lý tài chính giỏi cùng tầm nhìn nhạy bén. Các dự án trọng điểm có tính quốc gia đang và sắp triển khai phần nhiều liên quan đến tài chính, vốn, công tác huy động vốn, quản lý nguồn vốn nhà nước, và vốn vay. Đây chắc chắn là sở trường của ông Nguyễn Văn Thắng. Vì mặc dù ông Nguyễn Văn Thắng hiện tại đang là Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, trước đó là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhưng nhiều người vẫn nhớ dấu ấn ông để lại trong vai trò lãnh đạo lâu năm của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) giai đoạn 2011-2018.

Ông Thắng đã có thâm niên gắn bó với ngành ngân hàng 22 năm, và từng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc VietinBank khi mới 38 tuổi. Dưới thời của ông, VietinBank đã có những chỉ số cực kỳ ấn tượng, với mức tăng trưởng có năm xấp xỉ 116%, nguồn vốn huy động luôn tăng trên 10%, dư nợ cho vay và đầu tư luôn cao hơn 13%, luôn vượt các chỉ tiêu của toàn hệ thống và đời sống cán bộ công nhân viên được cải thiện rõ rệt.

Lúc này, tình hình kinh tế – chính trị khu vực và thế giới đang vô cùng phức tạp là liên tục biến đổi, khiến kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực. Trong bối cảnh không thuận lợi, bản lĩnh của người đứng mũi chịu sào từng bộ ngành mới được dịp trui rèn và chứng minh.

Người dân cũng mong tân Bộ trưởng dành ra nhiều thời gian thị sát những công trình dự án đang làm khổ dân. Vấn nạn của các thành phố lớn còn là quy hoạch bị phá nát và đang phải trả giá cho việc bị phá nát. Những vấn đề dân sinh rất cấp bách. Và còn rất nhiều ngổn ngang khác đang chờ đặt hàng tân Bộ trưởng.

Phạm Khoa

Đọc nhiều