425
category
347641

Bộ GD&ĐT sẽ đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại về sách công nghệ giáo dục

Hồng Anh 02/01/2020 21:28

Ngày 3/1, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại về bộ sách giáo khoa bị loại trong đợt thẩm định. 

Ngày 31/12, Bộ GD&ĐT có công văn gửi GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào về việc tham dự buổi gặp gỡ, trao đổi, đối thoại về các nội dung liên quan đến kiến nghị về sách công nghệ giáo dục.

Ngày 2/1, PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho biết ông đã chuẩn bị nội dung đối thoại với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, yêu cầu sử dụng bộ sách công nghệ giáo dục như mọi cuốn sách đã được chọn lựa. Theo PGS.TS Nguyễn Kế Hào, bộ sách công nghệ giáo dục phải được thẩm định lại bằng những tiêu chuẩn riêng.

Ông đặt ra câu hỏi: “Tại sao trong các lần thẩm định trước cuốn sách được công nhận mà giờ lại bị từ chối? Cuốn sách đã tồn tại trong thực tế hơn 40 năm, vì vậy cần phải tôn trọng cuộc sống”.

Bo GD&DT se doi thoai voi GS Ho Ngoc Dai ve sach cong nghe giao duc hinh anh 1 cong_nghe.jpg
Sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Q.Q.

Bộ GD&ĐT từng nhiều lần cải cách giáo dục, qua nhiều đời bộ trưởng, bộ sách đã đi vào thực tiễn, được các địa phương ghi nhận, sử dụng và đánh giá cao.

Trước đó, ngày 12/9, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa thông báo, ba bản thảo sách giáo khoa lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, Toán Công nghệ giáo dục và Đạo đức Công nghệ giáo dục bị trượt ở vòng đầu tiên. Các bản thảo không đáp ứng đầy đủ 13 tiêu chí của sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Ngày 23/9, PGS Nguyễn Kế Hào – đại diện cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục – gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sách bị loại khỏi vòng thẩm định.

Nội dung kiến nghị cho biết sách giáo khoa Tiếng Việt 1 và Toán 1 của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại có lịch sử hình thành trên 40 năm, tới nay đã được hoàn thiện để đưa vào sử dụng trên toàn quốc. Đây là sách mới đã nhiều lần nghiệm thu, thẩm định và khi cần đã được lựa chọn áp dụng như một phương án đổi mới để khắc phục khó khăn, nhằm ổn định, phát triển giáo dục.

Ngày 15/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng có trách nhiệm chỉ đạo rà soát việc thẩm định sách giáo khoa, trong đó lưu ý đánh giá về chương trình thực nghiệm; tổ chức đối thoại giữa các bên để tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.

Đọc nhiều