425
category
441797

Bộ GD-ĐT nói gì về khoản vay 16 triệu USD làm sách giáo khoa?

23/10/2020 10:48

Theo tập hợp kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, có nhiều nội dung liên quan vấn đề sách giáo khoa mới như giá quá cao, một số nội dung quá tải…

5 bộ sách giáo khoa lớp 1 chương trình mới hiện nay là thực hiện xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước /// ĐÀO NGỌC THẠCH
5 bộ sách giáo khoa lớp 1 chương trình mới hiện nay là thực hiện xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước

Ngoài ra, cử tri còn đặt vấn đề vốn vay của Ngân hàng Thế giới để viết sách giáo khoa (SGK) được sử dụng như thế nào.

Đề nghị đưa giá SGK vào danh mục bình ổn giá thị trường

Cử tri các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Bình, Bắc Giang… đều có chung nhận định, lo lắng về giá SGK mới quá cao. Cụ thể, các bộ sách lớp 1 mới đều có mức giá cao gấp hơn 3 lần so với giá sách lớp 1 cũ. Một số cử tri đề nghị không nên tăng giá SGK, tránh gây áp lực chi phí cho người dân vì hiện nay công tác phổ cập giáo dục đang được nhà nước quan tâm, đẩy mạnh. Cử tri cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ giá, đề nghị giảm giá sách, thiết bị giáo dục; đưa giá sách vào danh mục bình ổn giá thị trường.

Xung quanh vấn đề này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đã có nhiều văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, giảm tối đa giá nhằm mục tiêu bình ổn giá, hỗ trợ người học theo chỉ đạo của Thủ tướng. Sau nhiều lần rà soát, giá của các nhà xuất bản đã giảm từ 5 – 18% theo giá bìa từng cuốn, nhưng vẫn cao hơn so với bộ sách cũ, do một số nguyên nhân khách quan như: số đầu sách nhiều hơn so với bộ SGK cũ, cụ thể bộ sách mới thêm 5 môn học bắt buộc là đạo đức, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm; giá sách gồm cả chi phí biên soạn, biên tập bản thảo, dạy thực nghiệm, nhuận bút lần đầu, khổ sách lớn hơn, in màu nhiều hơn…

Bộ GD-ĐT cho rằng việc quản lý giá SGK theo cơ chế kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau, tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh (HS), trong khi đó SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của HS; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, nên nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã có 2 công văn (số 319 và 774) từ đầu năm 2020 kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá tối đa. Ngày 16.6, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4777 thông báo ý kiến của Thủ tướng chấp thuận, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) xem xét, quyết định việc bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá. Hiện Bộ Tài chính đang thực hiện quy trình báo cáo Ủy ban Thường vụ QH. Sau khi được QH đồng ý, việc quản lý giá sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội.

Nhiều bộ SGK, chuyển trường có phải dùng sách khác ?
Cử tri một số tỉnh đồng tình với chủ trương cần có nhiều bộ SGK nhưng băn khoăn khi vận hành chủ trương rất mới mẻ này ở nước ta. Ví dụ, tại TP.Hải Phòng, Bạc Liêu, nhiều phụ huynh HS băn khoăn, lo lắng vì mỗi trường sử dụng một bộ SGK, nên nếu khi chuyển trường, HS sẽ khó khăn khi phải tiếp cận một bộ SGK mới, một phương pháp tiếp cận kiến thức khác. Do vậy, cử tri các tỉnh này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể.

Trước lo lắng này, Bộ GD-ĐT cho rằng việc chuyển trường thường được thực hiện vào cuối mỗi học kỳ hoặc cuối năm học, vì vậy HS học SGK nào cũng phải đạt được các yêu cầu cần đạt đối với môn học, lớp học đó nên không ảnh hưởng đến việc học tập ở các lớp trên. Với những trường hợp chuyển trường giữa năm học, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các nhà trường thực hiện theo quy trình gồm các bước thực hiện rõ ràng trong Điều lệ trường học. Với các quy định chuyển trường như trên, trường tiếp nhận HS chuyển đến hoàn toàn có cơ sở để hỗ trợ giúp đỡ HS hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục trước khi tiếp nhận và xếp lớp phù hợp cho HS.

Cử tri TP.HCM kiến nghị cần quan tâm chấn chỉnh trong việc biên soạn SGK, hiện nay nhiều bộ SGK được sử dụng trong giảng dạy có hình thức và cấu trúc hấp dẫn, tuy nhiên nội dung kiến thức vượt quá khả năng hiểu của trẻ ảnh hưởng đến việc tiếp thu của HS cũng như việc truyền đạt của giáo viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong việc lựa chọn SGK để tránh các hiện tượng tiêu cực.

Bộ có nên biên soạn SGK bằng ngân sách ?

Một số cử tri bày tỏ sự bức xúc trước thông tin Bộ GD-ĐT sử dụng vốn vay 16 triệu USD của Ngân hàng Thế giới để biên soạn thêm bộ SGK giáo dục phổ thông, trong khi đã có 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ tổ chức thẩm định và phê duyệt. Cử tri cho rằng việc biên soạn bộ SGK riêng của Bộ là không cần thiết, gây lãng phí lớn, làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục…

Bộ GD-ĐT cho rằng: theo thiết kế, khoản kinh phí để triển khai tổ chức biên soạn một bộ SGK (do Bộ GD-ĐT thực hiện) và thẩm định các SGK là 16.068.150 USD (15.068.150 USD vốn vay Ngân hàng Thế giới và 1 triệu USD vốn đối ứng), bao gồm: bồi dưỡng, tập huấn cho tác giả SGK, thuê chuyên gia tư vấn quốc tế về biên soạn SGK, thuê tư vấn trong nước biên soạn một bộ SGK, tổ chức trại biên soạn và thẩm định các bộ SGK, thực nghiệm SGK; biên soạn SGK song ngữ tiếng Việt – tiếng một số dân tộc ít người một số môn học cấp tiểu học; biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết đến thời điểm này việc tổ chức việc biên soạn một bộ SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12 (gồm 137 đầu SGK), sử dụng kinh phí từ nguồn vốn vay chưa thực hiện được. Bộ GD-ĐT đã 2 lần tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả để tổ chức biên soạn SGK lớp 1 để triển khai thực hiện từ năm học 2020 – 2021 theo quy định, tuy nhiên việc tuyển chọn tác giả SGK chưa thực hiện được, nguyên nhân là không có đủ nhóm tác giả tham gia thầu hoặc tác giả đã tham gia đấu thầu sau đó bỏ thầu do vướng mắc quy định về kinh phí (so với kinh phí của các nhà xuất bản chi trả). Do vậy, khoản kinh phí này vẫn trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới.

Tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, ngày 13.5, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và QH về tình hình thực hiện, triển khai Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Trong đó, Chính phủ đề xuất với QH việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK.

Phương án này có ưu điểm lớn là bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, minh bạch trong việc lựa chọn; tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; tiết kiệm ngân sách nhà nước trong việc biên soạn, in và phát hành. Đối với khoản kinh phí 16 triệu USD dự kiến để biên soạn SGK nhưng không sử dụng, hiện vẫn trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới để trả lại ngân sách nhà nước. Ngày 19.6, QH đã thông qua Nghị quyết số 122, trong đó quy định: “Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.

Bộ GD-ĐT khẳng định với tình hình như hiện nay, việc Bộ không tiếp tục tổ chức biên soạn một bộ SGK (sử dụng ngân sách nhà nước) vẫn bảo đảm có đủ SGK triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và phù hợp với tinh thần chỉ đạo của QH, đồng thời tạo môi trường thuận lợi hơn cho việc xã hội hóa biên soạn SGK và cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà xuất bản theo quy định bình ổn giá SGK của nhà nước.

(Theo TNO)

Đọc nhiều