3
category
545283

Bộ đội cầm súng là lẽ đương nhiên, nhưng không chỉ có vậy…

Đặng Trường 24/08/2021 16:08

Mấy ngày nay, hình ảnh các chiến sỹ bộ đội mặc áo giáp, tay cầm súng tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM xuất hiện ở khắp mọi nẻo đường. Tuy nhiên, trong mắt Hoàng Dũng, Thuan Van Bui, Phuc Dinh Kim thì các anh bộ đội bỗng chốc trở thành người “đàn áp người dân nổi dậy, tạo không khí chiến tranh chứ không phải chống dịch”.

Một chiến sỹ bộ đội ra hiệu dừng xe để kiểm tra giấy tờ đi đường khi qua chốt kiểm dịch.

Ngay sau khi Thủ tướng yêu cầu quân đội phải tăng cường cho TP.HCM thì các lực lượng quân đội bắt đầu hoạt động mạnh mẽ, khí thế và đi sâu vào dân hơn nữa. Trước đây, mỗi chốt sẽ được bố trí 1-2 chiến sỹ cùng phối hợp với nhiều đơn vị, cơ quan tham gia chốt chặn nhưng nay quân số từng chốt được bổ sung nhiều hơn. Không quản thời tiết, các anh vẫn cầm súng chắc trên tay, kiểm tra nghiêm ngặt người dân ra đường. Sở dĩ có súng là vì đây gần như là vật bất ly thân của bộ đội, là tinh thần chiến đấu, là biểu tượng cho kỷ luật sắt, tác động trực tiếp vào thái độ, ý thức chấp hành nghiêm túc quy định phòng chống dịch của người dân. Nói chính xác, làm nhiệm vụ có cầm súng là để răn đe với những thành phần bất hảo chứ không có chuyện “đàn áp người dân nổi dậy hay tạo không khí chiến tranh”.

Bộ đội làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát lưu thông.

Vả lại, đừng bao giờ nghĩ bộ đội chỉ biết cầm súng, mặc áo giáp. Quân số cầm súng tham gia kiểm soát phòng chống dịch tại các chốt ở TP.HCM không lớn. Bộ đội thời Covid-19 còn là các bác sỹ, học viên quân y cầm dụng cụ test nhanh, ống kim tiêm, máy thở,… Kể từ khi dịch bùng phát, họ tham gia cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19 ở nhiều bệnh viện dã chiến. Mới đây, lực lượng quân y đã xây dựng thêm 367 bệnh xá lưu động, đến từng phường xã, hộ gia đình để xét nghiệm, điều trị F0, động viên tinh thần, chia sẻ tâm lý với người dân. Hơn nữa, chính các anh bộ đội là những người làm “chuyến đò cuối cùng” đưa tro cốt người mắc Covid-19 trở về với người thân của họ. Tất cả hành động nói trên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

Khác với sự uy phong, mạnh mẽ thường ngày trong trang phục thực chiến, ngày nay các anh bộ đội còn cầm giỏ đi chợ hộ dân. Dưới cái nắng tháng 8, họ ngồi phân chia từng túi lương thực kỹ lưỡng.

Các chiến sỹ phân chia lương thực để tiếp tế cho người dân.

Họ len lỏi vào tận các ngõ hẻm, ngóc ngách để trao tận tay người dân những túi đồ thực phẩm, thiết yếu. Công tác này được đẩy mạnh trong những ngày qua, tạo sự an tâm đối với toàn dân thành phố đang tuân thủ nghiêm quy định giãn cách. Những hình ảnh dễ thương, gần gũi với người dân như vậy mà bị nói là “đàn áp người dân”, nếu không phải là xuyên tạc thì còn là gì nữa?

Bộ đội đi tiền trạm phát lương thực cho người dân.

Thời nào cũng vậy, nhìn thấy màu áo lính là nhớ ngay đến hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ chân chất. Không ít người đã bày tỏ sự lạc quan khi nhìn thấy hình ảnh bộ đội tăng cường cho TP.HCM và sẵn sàng nhiệm vụ. Khí thế, uy phong chống dịch hừng hực là những gì các anh đã và đang tạo ra trước mắt người dân. Tin rằng, dù còn nhiều nhọc nhằn, vất vả phía trước, nhưng với trái tim yêu nước thương dân, tình quân dân như cá với nước sẵn có, lực lượng quân đội sẽ cùng người dân TP.HCM giành thắng lợi ở trận đánh quyết định này.

Luận điệu xuyên tạc của các đối tượng.

Còn với những kẻ chưa bao giờ đồng hành cùng nhân dân đứng vào cuộc chiến chống giặc Covid-19 như Hoàng Dũng, Thuan Van Bui, Phuc Dinh Kim mà chỉ đứng ngoài vác loa xuyên tạc, đâm bị thóc chọc bị gạo thì không xứng để được người dân tin. Với những con người này, chúng ta cần có thái độ vạch trần lên án rõ ràng bởi hành vi của họ vô cùng nguy hại, không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng quân đội mà còn gây cản trở nghiêm trọng công tác chống dịch của TP.HCM. Chính vì vậy, rất mong cơ quan chức năng sẽ sớm có biện pháp xử lý nghiêm với những kẻ mang tâm địa chống phá, coi trời bằng vung như vậy.

Đặng Trường

Đọc nhiều