432
category
331607

Bộ Công an vào cuộc vụ thâu tóm 43 ha ‘đất vàng’ ở Bình Dương

11/11/2019 08:29

Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an vừa có văn bản gửi các công ty liên quan, yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan vụ  thâu tóm 43 ha ‘đất vàng’ ở Bình Dương.

Bộ Công an vào cuộc vụ thâu tóm 43 ha 'đất vàng' ở Bình Dương
Bộ Công an vào cuộc vụ thâu tóm 43 ha ‘đất vàng’ ở Bình Dương

Ngày 10.11, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an vừa có văn bản gửi các công ty liên quan, yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan việc chuyển nhượng 43 ha “đất vàng” ở Bình Dương.

Khu “đất vàng” rộng 43 ha nằm phần lớn trên mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch (P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) của Tổng công ty Bình Dương liên kết, góp vốn với Công ty CP bất động sản Âu Lạc thành lập ra Công ty TNHH đầu tư – xây dựng Tân Phú (Tổng công ty Bình Dương góp 30%, Công ty Âu Lạc góp 70%). Năm 2017, Tổng công ty Bình Dương xin chủ trương thoái vốn toàn bộ khỏi Công ty Tân Phú, sau đó Công ty CP đầu tư – phát triển Kim Oanh TP.HCM mua lại toàn bộ quyền sở hữu của Công ty Âu Lạc.

Theo tài liệu của PV Thanh Niên có được, vào ngày 20.4.2017 Tỉnh ủy Bình Dương có Thông báo số 287-TB/TU thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về việc Tổng công ty Bình Dương xin chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú, trong đó nêu: “Đồng ý cho Tổng công ty Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.

Tổng công ty phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng, thu tiền đúng quy định”.

Tuy nhiên, ngày 19.5.2017, Tỉnh ủy Bình Dương lại có Văn bản số 974-CV/TU đính chính nội dung tại Thông báo số 287-TB/TU ngày 20.4.2017, thành: “Tổng công ty phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá trị tăng thêm của phần vốn góp 30% tương ứng với 60 tỉ đồng làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng, thu tiền đúng quy định”.

Theo giải thích của Tỉnh ủy Bình Dương, việc phải đính chính là do “lỗi kỹ thuật trong soạn thảo văn bản có sai sót”. Tiếp đến, ngày 10.8.2018, Tỉnh ủy Bình Dương lại có Thông báo kết luận số 512/TB-TU với nội dung: “Thu hồi chủ trương đã cho Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú”.

Đáng chú ý, trong thời điểm C03 đang điều tra, xác minh việc chuyển nhượng này thì bất ngờ Thanh tra tỉnh Bình Dương kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương và được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông tin rộng rãi cho báo chí tại cuộc họp ngày 8.11, dù việc thanh tra đang dở dang, chưa có kết luận.

Tại cuộc họp, một số PV đã đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao chưa có kết luận thanh tra đã chuyển qua cơ quan công an, việc làm này có trái luật? Việc chuyển hồ sơ qua Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương điều tra liệu có khách quan? Đây có phải là việc “đấu đá” trong nội bộ tỉnh Bình Dương?…

Tuy nhiên, ông Lê Hữu Phước, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chỉ cho biết trong quá trình thanh tra, nhận thấy vụ việc vượt quá phạm vi của đoàn thanh tra nên mới chuyển cơ quan công an; còn các vấn đề khác chưa được trả lời.

Doanh nghiệp “bác” chủ trương của Tỉnh ủy

Trong văn bản phản hồi gửi Thanh tra tỉnh Bình Dương, Công ty Âu Lạc cho rằng Thông báo kết luận số 512/TB-TU của Tỉnh ủy Bình Dương về thu hồi chủ trương cho chuyển nhượng 30% vốn góp tại Thông báo số 287-TB/UB là không có giá trị pháp lý.

Theo Công ty Âu Lạc, từ tháng 4.2017 Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý chủ trương, chấp thuận cho Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp và đến tháng 10.2018 mới thu hồi chủ trương; trong thời gian này hai bên đã hoàn tất mọi thủ tục chuyển nhượng, kể cả việc thanh lý hợp đồng, đổi đăng ký kinh doanh và 2 lần thay đổi chủ sở hữu Công ty Âu Lạc.

Ngoài ra, Công ty Âu Lạc cho rằng Tỉnh ủy Bình Dương dựa vào ý chí chủ quan để thu hồi là hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

(Theo Thanh Niên)

Tags :
Đọc nhiều