Bộ Công an đề nghị phong tỏa tài sản đối với cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang
Bộ Công an đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, TP.HCM đề nghị rà soát và tạm ngừng các giao dịch liên quan đến bị can Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế.
Liên quan đến vụ án hình sự gây thiệt hại hơn 3,84 triệu USD xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty CP dược phẩm Cửu Long (Công ty dược Cửu Long) và một số đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, TP.HCM đề nghị rà soát và tạm ngừng các giao dịch liên quan đến các tài khoản, sổ tiết kiệm, nhà đất của bị can Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế; Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế.
Ngoài ra, từ ngày 4.4, C03 đã phong tỏa 2 tài khoản (sổ tiết kiệm) tổng trị giá 1,5 tỉ đồng và kê biên 4 tài sản là quyền sử dụng đất đứng tên sở hữu của bị can Lương Văn Hóa, cựu Tổng giám đốc Công ty dược Cửu Long và vợ; kê biên 5 giấy tờ về quyền sử dụng đất đứng tên sở hữu của bị can Nguyễn Văn Thanh Hải, cựu Kế toán trưởng Công ty dược Cửu Long.
Tám bị can trong vụ án này bị đề nghị truy tố theo 2 nhóm tội danh. Trong đó, bị can Cao Minh Quang cùng 3 đồng phạm tại Bộ Y tế bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị can Lương Văn Hóa cùng 3 đồng phạm tại Công ty dược Cửu Long bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo kết luận điều tra, năm 2005, để đối phó với dịch cúm A (H5N1), Chính phủ giao Bộ Y tế thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir. Công ty dược Cửu Long là một trong những doanh nghiệp được Bộ Y tế chọn ký hợp đồng sản xuất thuốc Oseltamivir với số lượng 5 triệu viên, đơn giá 27.765 đồng/viên, tổng giá trị hơn 145 tỉ đồng. Hợp đồng thể hiện rõ trong trường hợp đàm phán giảm giá nguyên liệu thì doanh nghiệp báo cáo để điều chỉnh giá thành sản xuất và giá trị hợp đồng.
Từ tháng 2 – 4.2006, Công ty dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore); đã thanh toán 5,25 triệu USD, còn lại hơn 3,84 triệu USD được trả chậm. Công ty dược Cửu Long đã sản xuất 2,5 triệu viên thuốc, còn lại lưu trữ dưới dạng nguyên liệu là 257 kg.
Do giá nguyên liệu giảm nên bị can Lương Văn Hóa đã chỉ đạo thuộc cấp đàm phán và Công ty Mambo cho giảm giá số tiền 3,84 triệu USD chưa thanh toán. Bị can Hóa không báo cáo sự việc cho Bộ Y tế và vẫn đòi tính đúng, tính đủ số tiền như thỏa thuận ban đầu.
Đến giữa năm 2006, Bộ Y tế đã nhiều lần thanh toán cho Công ty dược Cửu Long với tổng số tiền hơn 143 tỉ đồng, trừ đi khoản gia công nguyên liệu chưa sản xuất. Đến năm 2009, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) mới phát hiện ra sự việc và yêu cầu Công ty dược Cửu Long thanh toán số tiền trên nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được khoản tiền hơn 3,84 triệu USD.
Trong quá trình ký hợp đồng với Công ty dược Cửu Long cũng như việc thanh toán, thanh lý hợp đồng và giải quyết hậu quả, các bị can tại Bộ Y tế đã thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, không phát hiện được số tiền bị doanh nghiệp “ém” lại.
Từ năm 2009, bị can Cao Minh Quang khi đó với nhiệm vụ được giao đã phát hiện ra sự việc nhưng không có biện pháp xử lý thu hồi tài sản về cho nhà nước. Chính vì thế, cùng với các bị can tại Công ty dược Cửu Long, các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Y tế cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về khoản tiền hơn 3,84 triệu USD, là khoản thiệt hại của nhà nước trong vụ án.
Ông Cao Minh Quang (hiện 65 tuổi) từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế trong giai đoạn 2007 – 2013, phụ trách nhiều lĩnh vực như an toàn vệ sinh thực phẩm, dược, thanh tra, đổi mới doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng… Từ năm 2013, ông Quang bị điều chuyển về làm chuyên viên Viện Dược liệu, bởi có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong công tác. Trong vụ án “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại TP.HCM và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định ông Quang “có dấu hiệu phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể, ông Cao Minh Quang đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc xét duyệt, quyết định cấp số đăng ký 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000, vi phạm quy định tại luật Dược 2005; và các quy định, quy chế của Bộ Y tế, dẫn đến hậu quả 2 thuốc này được VN Pharma sử dụng số đăng ký, nhập khẩu thuốc giả nguồn gốc gây thiệt hại số tiền trên 50,6 tỉ đồng. Liên quan vụ án này, người đồng cấp của ông Quang là Trương Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng đã bị khởi tố, bắt giam.
Thái Sơn