2
category
386357

Bộ Công an đang nghiên cứu Luật Biểu tình

21/04/2020 09:54

Luật về hội, Luật Biểu tình, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được rút khỏi chương trình giai đoạn 2016 – 2019 và hiện đang được các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Ngày 21/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội nêu rõ, hiện Chính phủ đang đề nghị điều chỉnh Chương trình, nếu được chấp thuận thì trong năm 2020, Chính phủ sẽ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội 24 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Đề nghị của Chính phủ về chương trình năm 2021 gồm 8 dự án.

Theo ông Long, tại kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào Chương trình thông qua, trong đó Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đây là dự án Chính phủ đang đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2020. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án vào chương trình kỳ họp này. Sang kỳ họp thứ 2, dự kiến sẽ thông qua 1 dự án và cho ý kiến 5 dự án luật.

Về điều chỉnh chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo. Trong đó, đưa ra khỏi chương trình 1 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án, dự thảo thuộc chương trình năm 2020 sẽ là 24, tăng 7 dự án so với Nghị quyết của Quốc hội.

Về các dự án đã rút ra khỏi chương trình giai đoạn 2016 – 2019, trong đó có Luật về hội, Luật Biểu tình, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Về Luật Biểu tình, ông Long cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để xây dựng dự án, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 64 của Quốc hội, kết luận tại cuộc họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo hướng xây dựng một luật chung. Theo ông Long, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đang thực hiện nội dung này.

Luân Dũng/TP

Đọc nhiều