Bộ Chính trị nâng vị thế của Ban Nội chính Trung ương
Sau bảy năm cho tái lập, Bộ Chính trị đã quyết định nâng vị thế của Ban Nội chính Trung ương, qua đó nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng với hệ thống các cơ quan nội chính.
Điều này thể hiện khá rõ trong Quyết định 216-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 2-1-2020, thay thế Quyết định 159 ban hành từ năm 2012 khi tái lập Ban Nội chính Trung ương, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan trung ương này.
Về chức năng, Bộ Chính trị xác định thêm cho Ban Nội chính Trung ương vai trò cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng.
Khi xác định như vậy, Ban sẽ có tính chất hoạt động khá giống hai cơ quan quan trọng nhất của Trung ương Đảng là Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tức là có thẩm quyền riêng của một cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ của Đảng, chứ không chỉ chung chung về công tác tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nữa.
Ban Nội chính Trung ương cũng được xác định rõ chức năng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Quy định như vậy là khẳng định tính ổn định, lâu dài hơn so với cách trước đây, chỉ coi là “nhiệm vụ”.
Cụ thể hóa cho chức năng trên, Quyết định 216 bổ sung cho Ban Nội chính Trung ương trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thì có quyền dự họp cấp ủy và yêu cầu các cơ quan nội chính, tư pháp ở trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trung ương cũng như tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin.
Trước đây, việc họp, báo cáo này không phải là “quyền” có tính pháp quy, mà chỉ là phương pháp làm việc, mối quan hệ công tác, nên không có tính ràng buộc, trách nhiệm cao.
Một điểm đáng chú ý nữa trong Quyết định 216 là mở rộng nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương trong phối hợp nghiên cứu, tham mưu về tổ chức hoạt động không chỉ với cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội, mà với cả công an, quân đội nói chung.
Như vậy, cơ quan nội chính đến nay được xác định gồm viện kiểm sát, tòa án, tư pháp, thanh tra, công an, quân đội.
Về cơ cấu, tổ chức, Ban Nội chính Trung ương lần này sắp xếp thu gọn cơ cấu bốn vụ thuộc Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trước đây thành một vụ, tên gọi Vụ Cải cách tư pháp. Đồng thời đổi tên, lập thêm một vụ đặt tại Đà Nẵng để hình thành ba Vụ Địa phương đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để theo dõi công tác nội chính ba miền.
Trong các sửa đổi, bổ sung trên có một số nội dung vốn nằm trong quy chế làm việc của Ban Nội chính Trung ương, nay được nâng lên thành quyết định của Bộ Chính chị. Bằng cách đó, Ban Nội chính Trung ương sẽ có vị trí cao hơn rất nhiều so với trước đây, kể cả thời trước khi giải thể, hợp nhất thành một vụ trong Văn phòng Trung ương năm 2007. Và đây sẽ là cơ sở để nâng cao vài trò, trách nhiệm của Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy.
Tuy nhiên, thông tin từ Ban Nội chính Trung ương cũng như Ban Kinh tế Trung ương – hai ban đảng trước đây bị giải thể, rồi cùng được tái lập năm 2012 thì vẫn còn thách thức lớn từ nhân lực…