419
category
447726

Bỏ các chứng chỉ trong tuyển dụng khiến dư luận đồng tình

Đỗ Mạnh 09/11/2020 18:01

Ngày 9/11 khi trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay: Hiện nay Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Chứng chỉ ngoại ngữ tin học cần thiết trong những kì tuyển dụng

Dư luận cho rằng đây là một chủ trương đúng và phù hợp với điều kiện xã hội ta hiện nay. Những năm 90-95 của thế kỉ trước, trong các tiêu chí tuyển dụng của các cơ quan ở Việt Nam, ngoài bằng cấp chuyên môn bao giờ cũng kèm theo yêu cầu phải có một chứng chỉ ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp tùy cấp độ và chứng chỉ tin học văn phòng. Vì những tiêu chí đó mà ở các thành phố lớn, các Trung tâm ngoại ngữ, tin học mọc lên như nấm. Ngoài những trung tâm trên đội ngũ gia sư cũng phát triển không ngừng và Việt Nam đã trở thành xã hội học tập, đó là những tín hiệu tích cực đáng được khuyến khích.

Tuy nhiên do yêu cầu khắt khe trong tuyển dụng nên trong xã hội cũng xuất hiện rất nhiều những hiện tượng tiêu cực, các Trung tâm ngoại ngữ, tin học vì tiền mà sẵn sàng cấp bằng cho những người không đăng kí học mà vẫn có bằng. Đối tượng có nhu cầu cấp bằng chỉ để bổ sung bằng cấp cho những kì nâng lương, những kì bổ nhiệm. Và tất nhiên cho cả những đối tượng bằng cấp để trưng ra vào những kì tuyển dụng. Cũng xuất phát từ yêu cầu tuyển dụng phải có bằng ngoại ngữ và tin học mà nhiều người tốn kém mấy cũng cố chạy chọt để kiếm cho mình đủ những chứng chỉ cần thiết. Nhiều người trong số họ dẫu bằng cấp đủ cả nhưng trong đầu thì rỗng tuếch, một câu ngoại ngữ cũng không biết, một thao tác trên máy tính cũng không biết. Cứ như thế mỗi lần tuyển dụng người dự tuyển, phải trưng theo hồ sơ đủ các loại chứng chỉ, nhà tuyển dụng chỉ nhìn thấy bằng cấp giơ ra là thấy đủ thủ tục khỏi cần hỏi thêm hay phỏng vấn. Những người dự tuyển khi có đủ chứng chỉ theo yêu cầu thì phần lớn là trúng tuyển. Trong khi đó trên thực tế số đông trong họ khi bước vào việc thì một chữ ngoại ngữ cắn đôi cũng không biết. Kết quả là nhân viên trong cơ quan chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C, D theo yêu cầu đều có cả nhưng khi làm với người nước ngoài thì cơ quan vẫn phải đi thuê phiên dịch.

Một điều đáng lưu ý nữa là trong các kì thi nâng bậc, có quy định rất rõ là những người học trường chuyên ngoại ngữ, hay đã có thời gian học tập ở nước ngoài, những người học chuyên tin học thì thuộc diện được miễn thi ngoại ngữ, tin học. Còn các đối tượng khác thì đều phải thi. Khổ nỗi cả đời không học giờ đi ôn hai ba tuần thì làm sao thi nổi. Nhưng lạ thay kì thi nào các thí sinh thi nâng bậc đều vượt qua cả, rất ít những người rớt hoặc thi lại. Cứ như thế cả xã hội cứ lẩn quẩn trong vòng dối trá, người ta nói dối cho nhau, bản thân mỗi thí sinh tự nói dối mình cứ như thế tất cả đổ dồn lên vai nhà nước là người phải gánh chịu sự dối trá của toàn xã hội. Các chứng chỉ giả tràn lan. Những người có ghi danh nhưng không học cũng được cấp bằng, những người không học tý nào thì mua bằng, tất cả đều có bằng nhưng không có kiến thức, kiến thức giả. Nhờ có bằng cấp mà nhiều người được thăng quan, tiến chức. Có chức có quyền lại ghi danh đi học tiếp để lấy bằng cao hơn rồi lên chức cao hơn. Cứ như thế cả xã hội không thiếu gì những người cả đời thăng tiến bằng những chứng chỉ, bằng cấp đi mua mà không mất thời gian cho việc học.

Con người vốn dĩ phức tạp, vì vậy để có con người tốt, xã hội tốt, công tác quản lý, đặc biệt là quản lý nhà nước phải cần đặc biệt được chú trọng và nêu cao. Công tác quản lý tốt sẽ giúp chúng ta đánh giá đúng được năng lực và đạo đức cán bộ. Quản lí tốt sẽ giúp chúng ta loại ra khỏi bộ máy những kẻ lươn lẹo hình thức, những người nói nhiều làm ít. Những kẻ dùng thủ đoạn để tiến thân. Con người làm công tác quản lý cần có kiến thức sâu rộng, hiểu về tâm sinh lý con người để đề xuất cho Chính phủ những giải pháp quản lí con người khoa học nhất, giúp cho bộ máy nhà nước nhỏ gọn và ngày càng tinh thông, giải quyết những vấn đề cơ bản liên quan đến con người.

Vì những lý do nêu trên, đông đảo người dân rất phấn khởi khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho hay Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ. Điều đó chứng tỏ trình độ con người qua những năm tháng đổi mới đã được nâng lên một cách đáng kể.

Nếu Bộ Nội vụ làm được những điều như Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói thì công tác tuyển dụng mới đi vào thực chất. Các cơ quan nhà nước mới tuyển được những người có năng lực thực sự mà không nhất thiết phải thông qua các bằng cấp chứng chỉ như chúng ta vẫn thường làm. Làm được như vậy chúng ta mới thúc đẩy được việc học một cách thiết thực và là cách chống bằng giả một cách hữu hiệu nhất. Đồng thời làm được như vậy sẽ giảm được những sách nhiễu không cần thiết trong qua trình phỏng vấn tuyển dụng.

Cá nhân tôi cho rằng việc Bộ Nội vụ đề xuất bỏ một số bằng cấp chứng chỉ trong các kì thi chuyển dụng và kì thi công chức dẫu không phải là sớm song cũng không phải là quá muộn. Vấn đề cốt lõi của các giải pháp đưa ra là giảm thiểu những nội dung mang tính sách nhiễu mà cần thực chất hơn,  giúp các cơ quan  Đảng và nhà nước, các cấp chính quyền tìm đúng được người cần tìm. Có được con người tốt, sẽ có tổ chức tốt, có xã hội lành mạnh và đất nước chắc chắn sẽ phát triển

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều