BN 456 tử vong vì viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp cấp nặng, suy đa tạng
Bệnh nhân 456 tử vong do viêm phổi do COVID-19 biến chứng Suy hô hấp cấp nặng (Hội chứng ARDS), suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa trên bệnh nhân có tiền sử Tăng huyết áp.
Chiều ngày 09/8/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19.
Đây là ca tử vong do COVID-19 thứ 11 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam, cụ thể như sau: Bệnh nhân 456 (BN 456): nữ, 55 tuổi, địa chỉ Phường Hải Châu II, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
Tiền sử: Tăng huyết áp Ngày 28/7/2020: bệnh nhân nhập viện Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ – Đà Nẵng do nghi nhiễm COVID-19, được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày 29/7/2020 có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Ngày 30/7/2020: bệnh nhân suy hô hấp cấp nặng và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế.
Ngày 06/8, bệnh nhân xuất huyết khối tĩnh mạch đùi trái, được can thiệp di chuyển huyết khối tắc động mạch phổi.
Ngày 07/8, bệnh nhân tiếp tục xấu đi, bệnh nhân bệnh nhân đã được đặt nội khí quản thở máy, lọc máu liên tục (CCRT), và đặt ECMO (phổi nhân tạọ) vào buổi chiều cùng ngày.
Ngày 09/8, bệnh nhân xuất hiện tụt huyết áp nặng, xuất huyết tiêu hóa, ngừng hô hấp tuần hoàn; 12h00: Bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế.
Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do COVID-19 biến chứng Suy hô hấp cấp nặng (Hội chứng ARDS), suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa trên bệnh nhân có tiền sử Tăng huyết áp.
Như vậy, tính đến thời điểm này, có 11 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta tử vong đó là các bệnh nhân (BN496, BN426, BN 429, BN524, BN475, BN499, BN428, BN437, BN 651, BN 718 và BN456).
Các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi…
Trong giai đoạn này, đã có những bệnh nhân COVID-19 trên nền bệnh mạn tính phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO, thở máy, hoặc thở oxy…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đây là dấu hiệu rất đáng nguy hại, vì những bệnh nhân này nói chung và bệnh nhân suy thận mạn nói riêng sẽ không chỉ bị duy nhất bệnh này, mà còn kèm theo các bệnh nặng khác như tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp… Khi virus tấn công, các cơ quan sẽ dễ tổn thương, sức đề kháng giảm nhiều.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay còn một số bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao. Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, có nhiều bệnh mạn tính, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày.
“Các bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị trước đây. Hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy yếu. Có những bệnh nhân suy thận mạn chạy thận chu kỳ trên 10 năm; nhiều bệnh nhân suy tim, bệnh nhân ung thư; nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nhân đã 100 tuổi…
Nay bệnh nhân bị mắc thêm COVID-19 làm cho cơ hội tiến triển của các bệnh mạn tính tăng lên, trở thành những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và rất nặng” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phân tích.
Một chuyên gia về lão khoa cho hay, sức đề kháng của nhóm người cao tuổi, mắc bệnh lý nền thường giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, COVID-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong.
Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính.
Hoài Nam (t.h)