Bloomberg: Những “GÃ KHỔNG LỒ” về thương mại điện tử Alibaba, Amazon hướng tầm ngắm vào Việt Nam

Bảo Trâm 04/06/2021 17:14

Trang Bloomerg vừa có bài viết nói về những gã khổng lồ về công nghệ trên thế giới là Amazon và Alibaba đều đang có kế hoạch mở rộng thị trường sang Việt Nam và xem đây chính là mảnh đất vô cùng màu mỡ để khai thác trong tương lai.

Dựa trên dự đoán của Euromonitor, thương mại điện tử chiếm chỉ 3% thị trường bán lẻ Việt Nam vào năm ngoái, mức nhỏ nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chính bởi vậy mà tiềm năng còn rất lớn. Nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam dự đoán tăng lên mức 52 tỷ USD vào năm 2025, tức là tăng 29% so với năm 2020.

Ngoài các startup được chống lưng bởi quỹ Warburg Pincus, Goldman Sachs và JD.com, những công ty trong khu vực như Shopee của Sea hay thậm chí Amazon và Alibaba đều đang nhắm tới sự phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Giữa năm 2016 nửa đầu năm 2020, các nhà đầu tư đổ 1,9 tỷ USD vào lĩnh vực trực tuyến của Việt Nam.

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của xã hội số hóa với dân số trẻ yêu thích công nghệ. Tất cả những công ty kể trên đều đang cạnh tranh khốc liệt để cung cấp dịch vụ tại đây“, chuyên gia Ralf Matthaes nói với Blomberg.

Chính phủ nhắm tới mục tiêu mua sắm online đạt 10% doanh thu bán lẻ của Việt Nam và 50% tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2025. Họ cũng muốn giảm thanh toán tiền mặt để tạo ra nền kinh tế hiện đại, minh bạch, tăng cường thanh toán phi tiền mặt với những dịch vụ công và cải thiện khung luật pháp với thanh toán điện tử.

Thời đại số hóa, có đến 90% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm online

Theo Bloomberg, một nhóm nhà đầu tư mà dẫn đầu là Alibaba và Baring Private Equity Asia đã đầu tư 400 triệu USD để mua 5,5% cổ phần chi nhánh bán lẻ của Masan Group. Như một phần thỏa thuận vào ngày 8/5, Masan sẽ hợp tác cùng Lazada – chi nhánh thương mại điện tử ở Đông Nam Á của Alibaba. “Sự kết hợp giữa kinh nghiệm bán lẻ trực tuyến của Alibaba, nền tảng Lazada tại Việt Nam và mạng lưới offline dẫn đầu của Masan sẽ là nhân tố then chốt để hiện đại hóa viễn cảnh bán lẻ của Việt Nam”, Kenny Ho – Giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á của Alibaba nói.

M-Service – startup được chống lưng bởi Goldman Sachs – đơn vị đang điều hành ứng dụng thanh toán MoMo hồi tháng 1 đã huy động được hơn 100 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư gồm cả Warburg Pincus.

Các nhà bán lẻ thương mại điện tử lấy lòng khách hàng bằng cách tung những chương trình khuyến mại hấp dẫn như Shopee có “giờ săn sales” còn các startup ví điện tử thì tặng voucher giảm giá.

Một khách hàng ở Hà Nội nói rằng thương mại điện tử thu hút cô bởi những chương trình sale tới 70%. Đại dịch khiến bán lẻ kỹ thuật số phát triển với nhiều hơn 30% người Việt mua mọi thứ từ đồ ăn tới đồ điện tử online vào năm ngoái.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang dịch chuyển nhanh hơn các thị trường đã phát triển. Tiki là trang thương mại điện tử hàng đầu tại đây. Những nhà đầu tư gồm cả Sumitomo và JD.com đều đã rót tiền vào Tiki. Nhà sáng lập Trần Ngọc Thái Sơn của Tiki nói rằng anh mong có nhiều vòng gọi vốn nữa và lên kế hoạch IPO.

Bảo Trâm (Theo Bloomberg)

Tags :
Đọc nhiều