Bloomberg: Điều gì khiến Việt Nam thành công trên con đường “Make in ‘nội địa” còn Ấn Độ lại thất bại ê chề?
Trang Bloomberg vừa có bài viết so sánh chính sách phát triển kinh tế hướng nội của Ấn Độ và Việt Nam, qua đó phân tích lí do tại sao Việt Nam thành công vang dội còn quốc gia 1.4 tỷ dân lại thất bại.
Theo Bloomberg, không lâu trước khi trở thành thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014, ông Narendra Modi đã đưa ra ý tưởng rằng: dân số trẻ, cải cách chính trị và thị trường nội địa rộng lớn sẽ mang lại sự thịnh vượng cho Ấn Độ trong hơn một thập kỷ. Ông thậm chí còn đặt ra một khẩu hiệu: “lợi thế 3D” nhân khẩu học, dân chủ và nhu cầu (demographics, democracy, demand).
Song, yếu tố chính trị đã bị xáo trộn. Mặt khác, với chỉ hơn 40% lực lượng lao động tham gia vào nền kinh tế – một trong những tỷ lệ tồi tệ nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới – câu chuyện về dân số trẻ cũng đã mất đi triển vọng. Điều còn lại của lợi thế 3D là nhu cầu. Nhưng thị trường nội địa Ấn Độ có lợi thế đủ lớn hay không? Liệu một chiến lược tăng trưởng hướng nội có thể tạo ra đủ việc làm và thu hút dòng vốn đang rời Trung Quốc?
Trong một bài báo trên Foreign Affairs, nhà kinh tế Arvind Subramanian, cựu cố vấn của chính quyền Modi và Josh Felman, cựu đại diện IMF ở New Delhi, đã cố gắng trả lời những câu hỏi này.
Chính phủ của ông Modi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số cũng như các dịch vụ cơ bản như nhà ở giá rẻ, điện, nước, gas nấu ăn và tài khoản ngân hàng… Nhưng việc thúc đẩy “phần cứng” của nền kinh tế đã đi kèm với sự suy yếu của “phần mềm”, là chính sách công nghiệp của Ấn Độ.
Chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ trong 8 năm qua đã xóa đi thành quả của việc mở cửa trong 3 thập kỷ trước đó. Hơn 3.000 lần tăng thuế đã ảnh hưởng đến 70% lượng hàng nhập khẩu.
Theo Bloomberg, mặc dù Ấn Độ đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Anh và Úc hậu Brexit, và tuyên bố gần đạt được một hiệp ước với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, thì cũng không nhằm nhò gì so với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – thứ mà Ấn Độ đã quay lưng lại vào năm 2019.
Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ của Ấn Độ bắt nguồn từ niềm tin rằng: nền kinh tế 1,4 tỷ người tiêu dùng đủ lớn để kéo nền kinh tế. Theo nghiên cứu của Arvind Subramanian với nhà kinh tế học Shoumitro Chatterjee của Đại học Bang Pennsylvania đã chỉ ra, ngay cả trước Covid-19, không quá 1% đến 2% dân số Ấn Độ có thể xếp vào tầng lớp trung lưu. Con số này quá thấp so với 25% ở Trung Quốc.
Sức mua yếu như vậy chỉ có thể tạo ra cùng lắm là 500 tỷ USD chi tiêu. Trong khi đó, thương mại thế giới là một cơ hội trị giá 28 nghìn tỷ USD, với các quốc gia nhỏ hơn nhiều, như Việt Nam, theo Bloomberg.
Vì nhiều lẽ, Ấn Độ không thể trở thành công xưởng của thế giới bằng cách lôi kéo các công ty thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng sản xuất trong nước. Lấy điện thoại di động làm ví dụ. Hai năm tăng thuế nhập khẩu đối với mô-đun máy ảnh, màn hình, màn hình cảm ứng, bảng mạch in và các bộ phận được sử dụng trong bộ sạc đã đẩy chi phí lắp ráp ở Ấn Độ lên 8%.
Theo Bloomberg, con số này tương đương khoảng 6% giá xuất xưởng của một chiếc điện thoại. Và điều đó khiến khoản trợ giá 5% của Chính phủ Ấn Độ trở nên vô nghĩa, theo một nghiên cứu của Hiệp hội Điện tử & di động của nước này. Như vậy, lợi ích ròng của Make in India bằng không.
Ngược lại với Ấn Độ là Việt Nam, quốc gia đang đi theo công thức chiến thắng của những con hổ Đông Á: thương mại tự do và không rào cản, trang Bloomberg nhận định.
Theo đó, trong số 120 dòng thuế liên quan đến ngành thiết bị cầm tay, 59 dòng thuế được miễn thuế ở Việt Nam, so với chỉ 32 dòng ở Ấn Độ. Trong khi Ấn Độ áp thuế nhập khẩu từ 15% trở lên đối với 28 mặt hàng, thì mức thuế của Việt Nam chỉ áp mức đó với 16 loại. Các mặt hàng này cũng hầu hết có nguồn gốc từ các quốc gia mà Việt Nam có các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, chúng cũng là hàng nhập khẩu miễn thuế.
Hiện nay, ở Ấn Độ có hai tập đoàn lớn đang chiếm ảnh hưởng quá rộng trong nền kinh tế, do tỷ phú Mukesh Ambani và Gautam Adani đứng đầu. Nguy cơ phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các doanh nghiệp lớn sẽ khiến Ấn Độ không xây dựng được sự ủng hộ rộng rãi của doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với các cải cách dựa trên thị trường.
Theo Bloomberg, đại dịch đã xóa sổ tầng lớp trung lưu của Ấn Độ, bằng cách xóa sổ 10 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Chưa hết, với việc bỏ qua các khu vực mậu dịch tự do rộng lớn và đặt ra các trở ngại bảo hộ, chính quyền Ấn Độ đang hạn chế cơ hội của đất nước trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may và da giày – cũng giống như Trung Quốc – đang bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng vì hết nguồn lao động giá rẻ.
Lần thứ hai trong lịch sử Ấn Độ, việc cố gắng hướng nội hoàn toàn có thể là một sai lầm đắt giá. Trong khi đó, Việt Nam lại là minh chứng cho sự thành công vượt bậc khi kết hợp được học hỏi, tiếp thu và phát triển để tạo ra được sự phát triển vô cùng hiệu quả, theo Bloomberg.
Bảo Trâm (Theo Bloomberg)