Bình Thuận sắp xếp, sáp nhập 30 thôn, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn

06/11/2019 10:05

Thực hiện Nghị quyết số 18 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) và Kế hoạch số 82- KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bình Thuận sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số thôn, khu phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Phan Thiết
Phan Thiết

Bình Thuận hiện có 706 thôn, khu phố. Qua rà soát, tỉnh có 597 thôn, khu phố đạt tiêu chuẩn theo quy định (chiếm 84,6%) và 109 thôn, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô số hộ/thôn (khu phố) theo Thông tư số 14/2018/TT- BNV ngày 3/12/2018 của Bộ Nội vụ. Theo Đề án sắp xếp thôn, khu phố tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn 2019 – 2021, tỉnh sẽ thực hiện sáp nhập 30 thôn, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn; trong đó, 6 thôn, khu phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn ở các huyện Bắc Bình, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết và 24 thôn, khu phố đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Đức Linh. Bên cạnh đó, Bình Thuận vẫn giữ nguyên hiện trạng 8 thôn, khu phố khác chưa đạt 50% tiêu chuẩn do các yếu tố đặc thù.

Đồng thời, tỉnh Bình Thuận vẫn giữ nguyên 75 thôn, khu phố đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn do quy mô số hộ gia đình đã đạt từ 80% trở lên, có khả năng tăng quy mô số hộ trong thời gian tới và một số thôn, khu phố có yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện địa lý – tự nhiên, để giữ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước, giữ vững an ninh – quốc phòng. Việc sắp xếp các thôn, khu phố này sẽ thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2030 và xem xét thực hiện mô hình xã không có thôn ở hai xã Phan Lâm (Bắc Bình) và xã Phan Dũng (Tuy Phong). Như vậy, trong giai đoạn 2019 – 2021, sau khi sắp xếp lại, Bình Thuận sẽ còn 691 thôn, khu phố, giảm 15 thôn, khu phố so với hiện nay.

Bản đồ tỉnh Bình Thuận – Vị trí địa lý và các đơn vị hành chính.
Bản đồ tỉnh Bình Thuận – Vị trí địa lý và các đơn vị hành chính.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, việc sáp nhập các thôn, khu phố chưa đủ điều kiện quy mô số hộ gia đình sẽ tinh gọn bộ máy người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố; tiết kiệm ngân sách nhà nước chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi trả phụ cấp cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố. Các thôn, khu phố sau khi sáp nhập sẽ đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô số hộ gia đình, giảm thiểu số lượng thôn, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên quá trình sắp xếp, sáp nhập cũng có tác động đến nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình do phải tiến hành chuyển đổi nhiều giấy tờ liên quan đơn vị cũ sang đơn vị mới.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch sáp nhập các thôn, khu phố, các địa phương đang tiến hành xây dựng đề án sáp nhập, giải thể và tổ chức lấy ý kiến cử tri. Các địa phương sáp nhập đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện sáp nhập các thôn, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Phan Thiết
Phan Thiết

Mặc dù là một trong bốn tỉnh, thành không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách nhà nước, Bình Thuận tiến hành điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo diện khuyến khích. Theo đó, từ năm 2019 – 2021, Bình Thuận sẽ thực hiện sáp nhập 6 đơn vị hành chính cấp xã thành 3 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Nhập xã Hòa Phú với thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong); nhập xã Măng Tố với xã Đức Tân (huyện Tánh Linh); nhập xã Đức Chính với xã Nam Chính (huyện Đức Linh). Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tiến hành điều chỉnh địa giới 7 đơn vị cấp xã, gồm: Thị trấn Liên Hương, xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong); xã Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam); thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân); phường Phước Hội và phường Phước Lộc (thị xã La Gi); xã Vũ Hòa (huyện Đức Linh).

Hồng Hiếu

Đọc nhiều