Binh lính Ấn Độ kể về cuộc truy sát của “biệt đội tử thần” Trung Quốc

18/06/2020 10:41

“Biệt đội tử thần” của quân đội Trung Quốc đã săn lùng binh sĩ Ấn Độ tại thung lũng Galwan vào đêm 15-6. Theo lời những lính Ấn Độ sống sót, đó là cuộc truy sát khốc liệt.

Đây là vụ đụng độ dẫn đến nhiều thương vong nhất tại khu vực biên giới Trung – Ấn từ năm 1967. Một quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ nói với BBC rằng ban đầu chỉ có 55 lính Ấn Độ chiến đấu với 300 lính Trung Quốc – lực lượng này được mô tả như “biệt đội tử thần”.

“Họ đánh vào đầu các binh sĩ của chúng tôi bằng dùi cui kim loại quấn dây thép gai. Các binh sĩ của chúng tôi đã chiến đấu bằng tay không” – quan chức quân sự nói.

Binh lính Ấn Độ kể về cuộc truy sát của “biệt đội tử thần” Trung Quốc - Ảnh 1.
Đưa thi thể binh lính Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ ở biên giới với Trung Quốc vào bệnh viện ở thị trấn Leh (Ladakh, Ấn Độ) vào ngày 17-6. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, một quan chức chính phủ Ấn Độ khác – người tham gia tìm kiếm những người sống sót – cho News18 biết vụ ẩu đả kéo dài tới 8 giờ đồng hồ. Binh lính Trung Quốc được trang bị những thanh sắt, dùi cui quấn trong dây thép gai truy sát lính Ấn Độ thuộc Trung đoàn Bihar 16.

Một sĩ quan Ấn Độ khác cho biết: “Ngay cả những người không vũ trang chạy trốn vào sườn đồi cũng bị giết chết”. Trong số những người thiệt mạng bao gồm những người nhảy xuống sông Galwan với hy vọng trốn thoát.

Trung Quốc không công bố con số thương vong. Các báo cáo chưa được xác nhận trên phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết ít nhất 40 binh sĩ Trung Quốc tử vong. Ít nhất 23 binh sĩ Ấn Độ chết trong vụ đụng độ, bao gồm 16 sĩ quan chỉ huy của Trung đoàn Bihar 16, và một số được cho là mất tích.

Các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết ít nhất 20 binh sĩ bị thương nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và hơn 110 người đang được điều trị. Một sĩ quan tiết lộ con số thương vong có thể sẽ tăng lên.

Binh lính Ấn Độ kể về cuộc truy sát của “biệt đội tử thần” Trung Quốc - Ảnh 2.
Hình ảnh vệ tinh khu vực thung lũng Galwan tại cao nguyên Ladakh, ảnh chụp ngày 16-6. Ảnh: Reuters

Theo báo chí Ấn Độ, Ấn Độ và Trung Quốc tổ chức đàm phán cấp trung tướng vào ngày 6-6 nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng tại phía Đông Ladakh. Sau khi hai bên đồng ý rằng lính Trung Quốc sẽ rút lui về khu vực của họ tại thung lũng Galwan, dự kiến đối thoại cấp thiếu tướng sẽ diễn ra vào ngày 16-6. Vài ngày sau, Trung Quốc quay trở lại và dựng lều bên phía Ấn Độ nên các binh sĩ Ấn Độ dỡ bỏ lều, dẫn đến xô xát và một số binh sĩ bị thương.

Cuối tuần, binh lính Trung Quốc quay trở lại với số lượng đông hơn và xảy ra một số pha ném đá vào nhau hôm 14-6. Một nguồn tin cho biết lính Trung Quốc đóng trên sườn núi cao đã ném những tảng đá lớn về phía binh lính Ấn Độ. Các quan chức quân đội Ấn Độ cho biết PLA đã bàn giao nhiều thi thể trong sáng 15-6. Trong số này có không ít người bị kéo lôi đi trong lúc đấu tay đôi và bị giết.

Binh lính Ấn Độ kể về cuộc truy sát của “biệt đội tử thần” Trung Quốc - Ảnh 3.
Lính Ấn Độ và Trung Quốc đối mặt tại thung lũng Galwan vào tháng 5. Ảnh: India Today

Đến tối 15-6, đụng độ nổ ra tại một điểm gần sông Galwan và nhanh chóng leo thang khiến nhiều binh lính Ấn Độ bị rơi xuống sông. Do các phía Trung Quốc không rút lui, một nhóm tuần tra phi vũ trang của quân đội Ấn Độ do đại tá Santosh Babu – chỉ huy trung đoàn Bihar 16 – dự kiến sẽ thảo luận với Trung Quốc.

Các binh sĩ Trung Quốc từ chối rút lui, làm tình hình xấu đi khi ném đá và dùng gậy quấn dây thép gai để tấn công, khiến phía Ấn Độ đáp trả. PLA cáo buộc binh lính của đại tá Babu đã đi qua vùng đệm ngăn cách hai bên, vi phạm các giao thức quản lý biên giới bắt buộc sử dụng cờ trắng và biểu ngữ để báo hiệu cho phía bên kia.

Ajai Shukla, nhà phân tích quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ, nhận định con sông Galwan vốn hòa bình giờ trở thành một điểm nóng bởi vì nó là nơi mà Đường Kiểm soát Thực tiễn (LAC) nằm gần nhất với con đường Ấn Độ mới xây dọc theo sông Shyok tới Daulet Beg Oldi (DBO) – khu vực xa xôi và dễ tổn thương nhất dọc theo LAC tại Ladakh.

H.Bình/NLĐ

 

Đọc nhiều