419
category
433912

Thông điệp đầy thiện chí của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bảo An 27/09/2020 18:17

Ngày 25/9 vừa qua, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu, gửi thông điệp đến Liên hợp quốc trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương – ứng phó Covid-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắn gửi nhiều thông điệp ý nghĩa.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Bình đẳng – thiện chí – nhân văn – tuân thủ pháp luật quốc tế là những gì chúng ta có thể thấy qua thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đến cộng đồng quốc tế. Đây cũng là mong muốn, quyết tâm và đồng thời cũng là phương châm mà Việt Nam đang hướng đến trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng quốc tế hòa bình, ổn định, cùng phát triển.

Thông điệp ý nghĩa của Việt Nam

Trong bài phát biểu, vấn đề đầu tiên Việt Nam nhắc đến là tôn trọng cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực. Theo đó, mỗi thành viên trong LHQ, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, được đóng góp tiếng nói về những vấn đề cùng quan tâm, được thể hiện những sáng kiến, ý tưởng hợp tác đa phương vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới. Đồng thời, trong các mối quan hệ quốc tế phải luôn luôn tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, thực hiện hợp tác, hữu nghị thay cho xung đột và thù địch, đối thoại thay cho đối đầu, giải quyết hòa bình các tranh chấp thay cho hành động đơn phương, áp đặt. Đi liền với đó, các quốc gia trong cộng đồng quốc tế cần có sự sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động, bảo đảm không một người dân, không một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Những thông điệp, mong muốn, đề nghị của Việt Nam là những gì mà Việt Nam đã đúc rút được trong suốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mình. Hơn ai hết, Việt Nam đã từng phải sống trong chiến tranh loạn lạc; người Việt Nam đã từng có cuộc đời nô lệ, là một “mặt hàng”, một công cụ lao động biết nói. Việt Nam đã sống trong những thời kỳ đen tối nhất, khó khăn nhất nên mỗi người Việt Nam đều hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do, hòa bình và ổn định. Có những giai đoạn Việt Nam bị bao vây, cấm vận, bị nhiều quốc gia ngoảnh lưng, cô lập. Chính bởi vậy, Việt Nam luôn mong muốn và hi vọng về một cộng đồng quốc tế hòa bình, ổn định, công bằng, bình đẳng và cùng phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà chủ nghĩa thực dân mới cũng như chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi có những biểu hiện ngày càng nguy hiểm, vấn đề an ninh, an toàn, ổn định của toàn cầu thực sự là một bài toán phức tạp. Những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, những mưu đồ bạo loạn lật đổ, những sự đối lập về thể chế chính trị, những lợi ích về vật chất đang tác động sâu sắc đến các mối quan hệ thế giới. Chính vì vậy, nếu không tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế, nếu để cho những “giấc mộng bá quyền” nảy nở hơn nữa thì chắc chắn sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế sẽ bị phá vỡ.

Chính bởi vậy, những thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra cũng là mong muốn, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Lợi ích quốc gia hài hòa với lợi ích quốc tế

Việt Nam là một thành viên tích cực và thiện chí trong Liên hợp quốc. Thông qua diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam đang thể hiện mong muốn, quyết tâm về một cộng đồng quốc tế hài hòa, cùng phát triển.

Không khó để nhận thấy, hiện nay một số quốc gia đang áp đặt nhận định, ý kiến, tư tưởng của mình lên quốc gia khác; một số quốc gia khác lại thực hiện chiêu bài tranh chấp chủ quyền, gây hấn chiến tranh. Dù hòa bình, ổn định vẫn là xu thế chung; chiến tranh thế giới không có khả năng xảy ra nhưng những bất ổn tại các khu vực, những cuộc chiến tranh, đối đầu song phương vẫn diễn ra tại nhiều nơi. Ngay như chính Việt Nam, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cũng như chiêu trò “diễn biến hòa bình” chống phá chế độ. Sự phân hóa giàu – nghèo giữa các quốc gia ngày càng cao, ở nhiều khu vực người dân vẫn phải sống trong cảnh đói nghèo, nô lệ.

Để cùng nhau phát triển, các quốc gia trên thế giới cần tuân thủ luật pháp quốc tế, chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn. Việt Nam không ủng hộ sự đối đầu, xung đột, cô lập bất kỳ quốc gia nào. Là một thành viên trong cộng đồng quốc tế, mỗi quốc gia đều công bằng, bình đẳng, có tiếng nói như nhau. Vì vậy, mọi sự áp đặt, quy chụp đều là bất công, không thể chấp nhận.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều