130115
topics
452368

Bill Gates, Covid-19 và ‘giấc mộng’ tiêm phòng cho cả thế giới

28/11/2020 06:09

Tỷ phú Bill Gates đang hợp tác với WHO, các nhà sản xuất dược và tổ chức phi lợi nhuận trong nỗ lực đánh bại Covid-19 khắp thế giới. Liệu ông có làm được?

Người đứng đầu một trong những nhà máy sản xuất vaccine lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn. Adar Poonawalla, giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ, cần 850 triệu USD để mua mọi thứ, từ dụng cụ thủy tinh đến thùng thép không gỉ để có thể bắt đầu sản xuất những liều vaccine Covid-19 đầy tiềm năng cho người nghèo trên thế giới.

Poonawalla tính toán có thể mạo hiểm với 300 triệu USD của công ty nhưng vẫn thiếu hơn nửa tỷ đôla nữa. Vì vậy, ông tìm đến giám đốc phần mềm đã nghỉ hưu ở Seattle.

Bill Gates, người sáng lập Microsoft và chuyển sang làm từ thiện sau khi nghỉ hưu, quen biết Poonawalla đã nhiều năm. Gates đã chi hàng tỷ USD đưa vaccine tới các nước đang phát triển, hợp tác chặt chẽ với các giám đốc công ty dược để chuyển đổi thị trường. Trong quá trình này, ông trở thành “tay chơi'”tư nhân quyền lực nhất và khiêu khích nhất trong lĩnh vực y tế toàn cầu.

Vào cuối buổi trò chuyện giữa hai người hồi mùa hè, Gates hứa hẹn Quỹ Bill và Melinda Gates sẽ cung cấp khoản bảo lãnh 150 triệu USD cho nhà máy ở Ấn Độ. Đến tháng 9, quỹ tăng gấp đôi cam kết.

Bill Gates phát biểu trong một cuộc thảo luận về đổi mới tại Washington, hồi tháng 4/2016. Ảnh: Reuters
Bill Gates phát biểu trong một cuộc thảo luận về đổi mới tại Washington, hồi tháng 4/2016. Ảnh: Reuters

Đây là một phần của nỗ lực trị giá 11 tỷ USD nhằm tạo cơ sở sản xuất và mua bán vaccine cho hơn 150 quốc gia, dù quá trình tạo ra nó có thể tốn kém hơn nhiều so với tiền bán thuốc. Được tài trợ phần lớn bằng tiền công, sáng kiến này được dẫn dắt bởi hai tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu mà Gates đã giúp khởi động và vay vốn ngân hàng, cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổ chức mà Quỹ Gates là một trong những nhà tài trợ lớn nhất.

Làm việc phía sau hậu trường là người giàu thứ hai thế giới, không phải là một nhà khoa học hay bác sĩ, người coi bản thân và quỹ 50 tỷ USD của mình đóng vai trò trung tâm. Gates và nhóm của ông dựa trên những kết nối và cơ sở hạ tầng mà quỹ đã xây dựng suốt hai thập kỷ qua để giúp định hướng nỗ lực sản xuất vaccine Covid-19.

“Chúng tôi hiểu cách làm việc với chính phủ các nước, chúng tôi hiểu cách làm việc với các công ty dược, chúng tôi suy xét kỹ càng về diễn biến tình hình”, Gates nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Chúng tôi có sẵn chuyên môn và các mối quan hệ đóng vai trò rất quan trọng ở đây”.

Khi ứng viên vaccine đầu tiên chạy nước rút để được phê chuẩn, câu hỏi làm thế nào để tiêm chủng cho phần lớn dân số thế giới càng trở nên cấp bách. Nhưng sau 9 tháng, thành công của các nỗ lực phát triển vaccine, còn được gọi là Covax, vẫn chưa chắc chắn.

Tới nay, nó chỉ thu được 3,6 tỷ USD tiền tài trợ nghiên cứu, sản xuất và trợ cấp cho các nước nghèo. AstraZeneca, một trong ba công ty hứa cung cấp vaccine, vừa công bố dữ liệu đầy hứa hẹn cho thấy vaccine của họ có hiệu quả trung bình 70% và có thể lên tới 90%. Người ta vẫn chưa biết liệu hai loại vaccine kia có hiệu quả không và khó có thể đảm bảo phân phối hàng tỷ liều vaccine một cách hợp lý, vì Mỹ và những quốc gia giàu có khác đã cắt giảm thỏa thuận để lấy vaccine cho công dân.

Trong những tháng gần đây, Gates, người luôn nhấn mạnh mình là một trong rất nhiều người tham gia vào nỗ lực phát triển vaccine, đã liên tục họp trực tuyến với lãnh đạo các công ty dược. Ông cũng liên tục trò chuyện với các lãnh đạo thế giới với mong muốn đạt được cam kết tài chính. Chỉ trong một tuần, ông đã cùng vợ, Melinda, cũng là đồng chủ tịch quỹ, trò chuyện với Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen và Thái tử Mohammed bin Zayed của Abu Dhabi.

Tại Washington, ông thường xuyên tham khảo ý kiến Tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ và là cộng tác viên lâu năm của các sáng kiến phát triển vaccine; cũng như trò chuyện với Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, người sống sót sau bệnh bại liệt và là người đã hỗ trợ các chương trình loại trừ bệnh này và nhiều bệnh khác. Để giúp phát triển vaccine, quỹ của ông đã cung cấp hàng triệu đôla cho các chuyên gia tư vấn của McKinsey.

“Một số người sẽ tự hỏi, ‘Tại sao người đó phải là ông ấy?'” Tiến sĩ Ariel Pablos – Mendez, một cựu giám đốc của WHO, nói. “Ông ấy có sức mạnh soi sáng. Ông ấy có nguồn lực. Ông ấy luôn quan tâm đến mọi thứ. Có rất nhiều ‘người chơi’ làm được điều đó, nhưng không có mấy người làm được quy mô lớn như Gates”.

Nếu sáng kiến này của Gates giúp bảo vệ người nghèo trên thế giới khỏi một loại virus đã giết chết hơn 1,3 triệu người, nó sẽ khẳng định những chiến lược mà ông đã thúc đẩy trong công tác từ thiện, bao gồm thúc đẩy các công ty dược. Nếu không thành công, nó cũng đã góp phần tăng cường kêu gọi cách tiếp cận triệt để hơn.

Trong đại dịch, một số quan chức y tế công và nhà vận động lập luận rằng các nhà sản xuất vaccine, mà nhiều công ty trong đó hưởng lợi từ nguồn viện trợ công lớn chưa từng có, nên chia sẻ công nghệ, dữ liệu và bí quyết của mình để tối đa hóa sản xuất. Trong số đó có Ấn Độ và Nam Phi, hai quốc gia đang thúc đẩy ngừng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu với các nghiên cứu liên quan tới Covid-19.

Tiến sĩ Zweli Lawrence Mkhize, Bộ trưởng Y tế Nam Phi, nói rằng những cách thức bình thường không nên áp dụng trong tình huống khủng hoảng này.

“Cần tham vấn ở mức độ rộng hơn để xem điều gì tốt nhất cho nhân loại”, ông nói.

Trong thỏa thuận toàn cầu về vaccine hiện tại, các nước nghèo sẽ chỉ nhận đủ liều để tiêm chủng cho 20% dân số của mình vào cuối năm sau. Một số mô hình cho thấy sẽ không đủ vaccine cho cả thế giới cho tới năm 2024.

“Kết quả của các chiến lược lâu dài mà Gates vạch ra là chúng đi cùng với việc kiểm soát nguồn cung ứng”, Brook Baker, giáo sư luật học, Đại học Northeastern kiêm nhà phân tích chính sách cho Health GAP, tổ chức ủng hộ tiếp cận nguồn thuốc bình đẳng, nói. “Trong đại dịch, đây là vấn đề rất lớn”.

Trong khi đó, quan chức một số quốc gia tham gia sáng kiến vaccine phàn nàn họ hầu như không được tham vấn cho tới gần đây.

“Họ đang thúc ép chúng tôi, dồn chúng tôi vào chân tường để bắt chúng tôi trả tiền”, Juan Carlos Zevallos, Bộ trưởng Y tế Ecuador nói về các nhà giao dịch. “Chúng tôi không được lựa chọn loại vaccine mình muốn sử dụng, chỉ có thể dùng loại mà họ áp đặt”.

Khi Gates xuất hiện trước công chúng để giành ủng hộ cho sáng kiến, ông trở thành mục tiêu của nhiều lời công kích có thể làm suy yếu mọi nỗ lực tiêm chủng.

Một số tung tin rằng quỹ của Gates đã thử nghiệm vaccine gây tử vong cho hàng nghìn trẻ em ở châu Phi và Ấn Độ. Một cuộc thăm dò hồi tháng 5 cho thấy 44% đảng viên Cộng hòa Mỹ tin rằng nỗ lực tiêm chủng toàn cầu là vỏ bọc để Gates cấy vi mạch theo dõi mọi người, một cáo buộc chưa có căn cứ.

Gates vẫn không nản lòng.

“Tôi chưa bao giờ nghe thấy Bill hay Melinda nói bất kỳ điều gì đại loại như ‘Chúng ta sẽ làm việc khác, việc này khó quá'”, tỷ phú Warren Buffett, người đã ủy thác cho Quỹ Gates 31 tỷ USD của mình, nhận xét. “Ông ấy làm việc để giải quyết các vấn đề khó khăn”.

Khi tin tức về một loại virus mới liên quan tới chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán lây lan với tốc độ nhanh chóng, Gates đã theo sát diễn biến từ văn phòng của mình ở bên ngoài Seattle.

Hôm 14/2, ông và các lãnh đạo của quỹ, lo sợ về một mối đe dọa toàn cầu, đã tập hợp bàn bạc kế hoạch đối phó. Từ thời điểm đó, Gates nhớ lại, “Chúng tôi luôn trong trạng thái Mã đỏ”.

Hai tuần sau, Tiến sĩ Seth Berkley, giám đốc điều hành Gavi, Liên minh Vaccine, một tổ chức phi lợi nhận mà quỹ Gates giúp thành lập, đã bay tới Seattle. Hai người cùng ăn sáng và bàn bạc cách đưa vaccine Covid-19 tới các nước đang phát triển. Hôm 13/3, hai ngày sau khi WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu, Gates tổ chức hội nghị trực tuyến với 12 giám đốc điều hành các công ty dược hàng đầu thế giới, bao gồm người đứng đầu của Pfizer, Johnson & Johnson, hai công ty sở hữu những loại vaccine tiềm năng.

Ông cảm thấy mình đã chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm này, khi đã xây dựng được các tổ chức mang tính toàn cầu và trao đi 55 tỷ USD đến thời điểm này, gấp 4 lần Quỹ Ford, một quỹ tài trợ lớn có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Gates bắt đầu quan tâm đến vaccine từ cuối những năm 1990, khi Microsoft đối mặt với một vụ kiện chống độc quyền khiến ông trở thành một tên cướp thời hiện đại. Vaccine liên quan tới việc sáng tạo công nghệ mới, đúng sở trường của ông. Ảnh hưởng của nó có thể đo đếm được, khi những liều vaccine rẻ tiền có thể bảo vệ hàng trăm triệu người chống lại nhiều căn bệnh quái ác.

Nhiều công ty dược phương Tây đã ngừng sản xuất vaccine khi đó vì không có lãi. Nhưng bằng sự cho đi của mình, Gates đã giúp tạo ra một mô hình kinh doanh mới liên quan tới viện trợ, thỏa thuận trước với thị trường và đảm bảo số lượng. Các biện pháp khuyến khích này đã thu hút nhiều nhà sản xuất hơn, trong đó có những nhà sản xuất tại những quốc gia đang phát triển. Kết quả là nhiều loại vaccine cứu người được tạo ra hơn.

Ông ấy mang tới “kỹ thuật chuyên môn và sức mạnh hơn là bài diễn thuyết về quyền con người và hoạt động xã hội”, Manjari Mahajan, giảng viên về các vấn đề quốc tế tại đại học New School, người đã viết bài nghiên cứu về vai trò của Gates đối với sức khỏe cộng đồng, nhận xét.

Bill Gates cho một em bé uống vaccine phòng bại liệt năm 2002 tại Ấn Độ. Ảnh: Jeff Christensen
Bill Gates cho một em bé uống vaccine phòng bại liệt năm 2002 tại Ấn Độ. Ảnh: Jeff Christensen

Quỹ của Gates đã chi hơn 16 tỷ USD cho chương trình vaccine, một phần tư trong số đó dành cho Gavi và trao 2,25 tỷ USD cho Quỹ Toàn cầu Chống AIDS, Lao và Sốt rét. Cả hai tổ chức này đều đặt trụ sở tại Geneva, nơi WHO đặt trụ sở chính.

Với cam kết ban đầu 100 triệu USD, Gates đã giúp thành lập Liên minh Đổi mới Ứng phó Đại dịch (CEPI) tại Oslo, đầu tư vào thuốc và thử nghiệm vaccine. Liên minh này và Gavi đang dẫn đầu trong nỗ lực phát triển chủng ngừa Covid-19 hợp tác với WHO.

Quỹ có khoảng 1.600 nhân viên, cũng tài trợ cho các nhà nghiên cứu, đưa giám đốc điều hành vào hội đồng quản trị nhiều tổ chức phi lợi nhuận và đầu tư trực tiếp vào công ty dược.

Một trong số đó là công ty BioNTech của Đức, nơi nhận được khoản đầu tư 55 triệu USD vào tháng 9/2019. Doanh nghiệp này đã hợp tác với Pfizer, tuần trước thông báo vaccine Covid-19 do hai bên cùng phát triển đạt hiệu quả tới 95% và đã đệ trình đơn cấp phép sử dụng khẩn cấp lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Một số quan chức y tế công không đồng ý với những vấn đề mà Gates ưu tiên, cho rằng lẽ ra ông nên hướng đầu tư nhiều tiền hơn vào hệ thống y tế. Những người khác lo rằng một cá nhân như Gates sẽ phát triển tầm ảnh hưởng quá mức. Nhưng rất ít người công khai chỉ trích quỹ của ông, bởi sợ mất đi nguồn tài trợ. Vấn đề nhạy cảm này phổ biến tới mức người ta đặt cho nó biệt danh là “Bill Chill” (Bill lạnh lùng).

Có lúc Gates xích mích rõ ràng với WHO, cơ quan Liên Hợp Quốc phụ trách sức khỏe cộng đồng quốc tế. Ông thất vọng với những điều quan liêu cứng nhắc của tổ chức và những ràng buộc trong giao dịch với khu vực tư nhân.

Một số quan chức WHO lo ngại về việc Gates ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Người đứng đầu bộ phận chống sốt rét năm 2007 từng phàn nàn rằng Quỹ Gates ngày càng mở rộng ưu thế trong lĩnh vực nghiên cứu về sốt rét đã ngăn cản sự đa dạng quan điểm giữa các nhà khoa học và làm suy yếu vai trò của WHO. Cùng năm đó, quỹ bắt đầu xây dựng một viện nghiên cứu ngang tầm với vai trò của WHO trong việc đo lường chỉ số sức khỏe.

“Sự hiện diện của quỹ Gates tốt nhất là hỗ trợ cho WHO, còn tệ nhất, là chiếm lĩnh và soán ngôi của WHO”, Amir Attaran, giáo sư luật y tế đại học Ottawa, nói.

Bây giờ, WHO và Quỹ Gates đều nhấn mạnh sự tôn trọng dành cho nhau. Trước công chúng, Gates dành nhiều lời tán dương WHO.

“Tôi không thể nghĩ ra bất kỳ điều gì mà chúng tôi không tán đồng với họ”, ông nói.

Các quan chức WHO, cơ quan nhận hàng trăm triệu USD thường niên từ Quỹ Gates, nhà tài trợ lớn thứ hai, cho biết Gates đã giúp cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn.

“Gates thúc đẩy khoa học, thúc đẩy tìm ra câu trả lời, vì đó là tâm lý của khối tư nhân”, Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc WHO, nói.

Khi các nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 đang diễn ra, nó đã được đưa lên thành một sứ mệnh rộng hơn, do WHO điều phối, nhằm cung cấp phương pháp điều trị và xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 cho các nước đang phát triển. Cơ quan này muốn đóng vai trò dẫn dắt nhiều hơn trong các thỏa thuận mua bán vaccine, nhưng Quỹ Gates và các tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu bày tỏ lo ngại các nhà sản xuất dược sẽ không hợp tác. Họ đã làm việc để tập trung vào vai trò của WHO trong đưa ra quy chuẩn sản phẩm và tư vấn cho các quốc gia về phân phối chúng, cùng những trách nhiệm khác.

“Chúng tôi luôn luôn bàn bạc với WHO”, Gates nói. “Nhưng rất nhiều công việc nhằm ngăn chặn đại dịch ở đây cần sự đổi mới trong chẩn đoán, điều trị và vaccine, những thứ không phải là thế mạnh của họ”.

Farah Dakhlallah, phát ngôn viên WHO, từng tuyên bố tổ chức có khả năng “không ai bì nổi” trong việc điều phối các phản ứng y tế toàn cầu và sáng kiến của Quỹ Gates đã tận dụng “lợi thế so sánh” của các đối tác trong cuộc chiến chống Covid-19.

Hồi tháng 3, Gates thúc giục các nhà sản xuất thuốc đẩy nhanh tiến độ, hợp tác với nhau, mở cửa thư viện hợp chất thuốc, thậm chí chia sẻ trách nhiệm sản xuất.

“Điều thường được nhắc tới trong những buổi họp đầu tiên là: ‘Làm thế nào để tìm ra thuốc đúng? Làm thế nào để khởi động phát triển vaccine nhanh chóng? Làm thế nào để nâng cao năng lực sản xuất?'” Vasant Narasimhan, giám đốc điều hành của Novartis nhớ lại.

Quỹ Gates thuê đội ngũ cựu giám đốc điều hành của nhiều hãng dược hàng đầu, như Tiến sĩ Trevor Mundel, cựu trưởng bộ phận phát triển toàn cầu của Novartis; hay Emilio Emini, người từng làm phó chủ tịch cấp cao về nghiên cứu vaccine tại Pfizer. Làm việc với CEPI, họ giúp hướng nguồn tiền vào các loại vaccine Covid-19 tiềm năng, cũng như các kỹ thuật công nghệ sinh học giúp sản xuất vaccine nhanh chóng và phù hợp với các nước đang phát triển.

Đại học Oxford cho hay họ sẽ cung cấp “giấy phép phi độc quyền, miễn phí bản quyền” cho các nhà sản xuất. Nhưng khi trường phát triển được một trong những loại vaccine tiềm năng nhất, thì tranh cãi lại nổ ra quanh việc trường có đủ thiết bị và năng lực để tiến hành thử nghiệm lâm sàng và chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất khắp thế giới hay không.

Sir John Bell, người dẫn dắt chiến lược nghiên cứu y tế của Oxford kiêm chủ tịch ủy ban cố vấn khoa học của Quỹ Gates, đã liên hệ với tiến sĩ Mundel.

“Chúng tôi bảo với Oxford là, ‘Các anh cần tìm đối tác biết vận hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng'”, Gates nói.

Oxford đã chọn AstraZeneca, công ty dược phẩm Anh – Thụy Điển. Viện Huyết thanh Ấn Độ, sau khi nhận được cam kết tài chính của Gates, đã đồng ý bắt đầu sản xuất vaccine hồi mùa hè.

Trong khi đó, Mỹ và những quốc gia khác cũng thực hiện các thỏa thuận riêng với những nhà sản xuất vaccine, trước khi thuốc được phê duyệt. Có một số trùng lặp giữa sáng kiến của Quỹ Gates và Chiến dịch Thần tốc – nỗ lực mà chính phủ Mỹ phát động. AstraZeneca, Novavax và Sanofi đều cam kết với cả hai sáng kiến.

Gates nhanh chóng ca ngợi sự đầu tư lớn của chính phủ Mỹ trong việc phát triển vaccine Covid-19, cho rằng nó sẽ đem lại lợi ích cho mọi người. Nhưng càng nhiều quốc gia khóa chặt các thỏa thuận song phương, thì thời gian chờ đợi vaccine của những quốc gia khác càng lâu.

Gates đã thu được nhiều hiểu biết quý giá từ Tiến sĩ Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ. Hơn 10 năm trước, tỷ phú đã mời Fauci tới nhà tham gia một cuộc thảo luận về bệnh lao. Từ đó, họ đã nỗ lực phối hợp nhằm chống lại không chỉ bệnh lao mà còn cả bệnh sốt rét, bại liệt và AIDS.

Hai người trò chuyện vài tuần một lần. Fauci muốn biết thử nghiệm vaccine ở nước ngoài diễn ra như thế nào. Gates lại quan tâm đến quy trình quản lý của Mỹ và liệu các loại vaccine mà chính phủ Mỹ đặt mua có phù hợp với các nước nghèo không. Chẳng hạn, hai loại vaccine của Pfizer và BioNTech đều yêu cầu dùng hai liều và bảo quản nhiệt độ âm, đây là trở ngại với nhiều quốc gia.

“Ông ấy muốn đảm bảo, đó là điểm đặc trưng của Bill Gates, rằng khi chúng ta nghiên cứu vaccine, loại vaccine đó phải phù hợp với những nước đang phát triển”, Fauci nói.

Suốt đại dịch, số người chết vì Covid-19 ở châu Mỹ Latinh chiếm một phần ba số ca tử vong toàn cầu. Châu Phi hiện ghi nhận hơn hai triệu ca. Cách ly và đóng cửa giao thương đã ảnh hưởng nặng nề tới các nước nghèo, nơi không có việc làm đồng nghĩa với việc đói ăn.

Một số tổ chức như Bác sĩ không biên giới cho rằng Gates đã làm quá ít để thúc đẩy con đường tiếp cận vaccine công bằng, cũng như đã quá thân cận với ngành sản xuất dược.

“Họ thích Gates một phần vì ông ta đang bảo vệ nguồn sống của họ”, James Love, giám đốc Knowledge Ecology International, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động để mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ y tế, nói về Gates và các giám đốc điều hành công ty dược. “Bởi những người này luôn hô hào, ‘Những công ty dược lớn thật tuyệt vời'”.

Một người giơ biển đề chữ Nói không với Bill Gates khi tham gia biểu tình chống các biện pháp hạn chế Covid-19 ở London. Ảnh: NurPhoto
Một người giơ biển đề chữ “Nói không với Bill Gates” khi tham gia biểu tình chống các biện pháp hạn chế Covid-19 ở London. Ảnh: NurPhoto

Love và những người khác tin rằng các nhà sản xuất vaccine sẽ không tối đa hóa sản lượng để cung cấp cho các nước đang phát triển, đặc biệt khi các nước giàu đòi hỏi mua nhiều hơn. Ấn Độ và Nam Phi, khi yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới Covid-19, đã tìm cách giành quyền kiểm soát vaccine từ các công ty lớn và tăng cường năng lực sản xuất địa phương. Kenya, Mozambique, Pakistan và Eswswatini, gần đây đã ký vào đơn yêu cầu, còn hàng chục quốc gia khác thì bày tỏ ủng hộ.

Nhưng Gates và nhiều chuyên gia y tế cho rằng đa số các công ty đang thực hiện những bước đáng kể để giúp đảm bảo quyền tiếp cận vaccine, như đưa ra mức giá phi lợi nhuận và cấp phép công nghệ cho các nhà sản xuất khác. Họ lập luận rằng các công ty sản xuất dược sẽ không thực hiện quá trình tạo ra sản phẩm mới đầy tốn kém nếu bằng sáng chế của mình bị đe dọa, còn việc các công ty muốn kiểm soát vaccine là để nhằm bảo đảo đảm chất lượng và an toàn.

“Chủ nghĩa tư bản đôi khi thực sự hữu ích ở một số lĩnh vực”, Gates nói. “Triều Tiên không thể có nhiều loại vaccine như vậy, theo như chúng ta biết”.

Ngày 4/5, vợ chồng Gates gọi điện video với Boris Johnson. Họ chúc mừng Thủ tướng Anh lên chức bố và hỏi han bệnh tình khi ông phải nhập viện vì Covid-19.

Sau đó hai người đưa ra lời vận động: Thế giới sẽ không bao giờ an toàn trước Covid-19, còn kinh tế toàn cầu sẽ không bao giờ phục hồi, trừ khi các nước nghèo cũng được nhận vaccine và phương pháp điều trị.

Gates có nhiều thành tích trong việc vận động các nước giàu cung cấp viện trợ cho những sáng kiến y tế công tại các nước nghèo hơn. Từ Thủ tướng Đức Merkel tới Thượng nghị sĩ Mỹ McConnell, các chính trị gia coi ông là người quản lý tốt các quỹ đầu tư công.

“Ông ấy có thể tiếp cận chúng tôi lập tức bởi ông ấy có danh tiếng, có uy tín, và bởi những gì ông ấy đang làm bằng tiền túi của mình”, McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, nói. “Ở nhiều quốc gia, cách ông ấy làm việc còn hiệu quả hơn chính phủ và đó chắc chắn là giá trị gia tăng cho sức khỏe cộng đồng toàn thế giới”.

Nhiều nơi đã đóng góp đáng kể vào sáng kiến của Quỹ Gates như Anh, Liên minh Châu Âu. Trung Quốc cũng cam kết hợp tác vào tháng trước. Nhưng Gates lại không thành công trên quê hương mình.

Ông yêu cầu chính quyền Trump và quốc hội hỗ trợ 8 tỷ USD, một nửa dành cho nỗ lực phát triển vaccine toàn cầu, còn nửa kia dành cho các phương pháp chẩn đoán và điều trị ở nước nghèo. Trong các cuộc điện thoại riêng, Gates, người đã củng cố quan hệ với lãnh đạo của cả hai đảng nhưng vẫn duy trì quan điểm phi đảng phái của mình suốt nhiều năm, đã đề cập về sáng kiến của mình với Phó tổng thống Mike Pence, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và nhiều người khác.

Ông xuất hiện trước công chúng nhiều hơn bao giờ hết, thường xuyên mặc áo len màu nhạt khiến người ta so sánh ông với người dẫn truyền hình nổi tiếng Mister Rogers, và liên tục nhắc lại thông điệp đại dịch đòi hỏi một phản ứng quốc tế khi trả lời phỏng vấn.

“Ông ấy đã lựa chọn xuất hiện công khai hơn, chính trị hơn, giống một nhà vận động hành lang”, Lawrence Gostin, giáo sư về luật y tế toàn cầu ở Đại học Georgetown, nói.

Nhưng Trump không có ý định tham gia một phản ứng toàn cầu. Điều này trở nên rõ ràng vào tháng 7, khi ông rút Mỹ khỏi WHO, tổ chức mà Mỹ đóng góp mỗi năm hơn 400 triệu USD.

“Người ta không quen với việc Mỹ không phải là bên tiên phong”, Gates nói, thừa nhận Mỹ “vắng mặt” trong nỗ lực phát triển vaccine toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ hành động khác, khi hứa hẹn Mỹ sẽ tái gia nhập WHO.

Lãnh đạo các quốc gia giàu có không chỉ được yêu cầu viện trợ cho sáng kiến, dự án đang hỗ trợ phát triển 9 loại vaccine tiềm năng, mà còn mua vaccine cho người dân của họ. Trong số 9 loại, có một loại của Moderna, công ty gần đây công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng đáng chú ý. Ngay cả những quốc gia được các nhà sản xuất vaccine cam kết, cũng vẫn được hưởng lợi nhờ sự đa dạng của vaccine.

Các công ty sẽ tính đồng giá cho mọi quốc gia, hoặc đặt giá riêng tính theo mức thu nhập bình quân quốc gia. Các quốc gia có thể không mua nếu giá cao hơn 21 USD mỗi liều. Các nước nghèo có thể được mua với giá rẻ, có hỗ trợ, cho tối đa 20% dân số vào cuối năm sau, nhưng các nước giàu có thể đăng ký nhiều hơn.

Clemens Martin Auer, trưởng đoàn đàm phán của EU, cho rằng thỏa thuận vaccine toàn cầu này diễn ra quá chậm, sẽ đẩy giá lên quá cao và châu Âu có thể tự đàm phán tốt hơn.

“Tôi cho rằng Quỹ Gates về nhiều mặt có cách tiếp cận rất thực tế khi nói rằng việc phát triển và sản xuất, phân phối vaccine cần thực hiện theo quan hệ đối tác công tư”, ông bày tỏ. “Nhưng đôi khi tôi lại có ấn tượng rằng Quỹ Gates không biết cách quản trị sao cho hiệu quả”.

Quá nhiều chú ý vào các quốc gia giàu có, nhưng lại rất ít tham khảo những quốc gia mà mục tiêu phát triển vaccine muốn giúp đỡ nhiều nhất. Phải tới mùa thu, các quốc gia có thu nhập thấp mới biết được họ sẽ phải trả 1,6 USD hoặc 2 USD cho mỗi liều, mức giá mà một số nước có thể cần vay ngân hàng hoặc cần viện trợ.

“Sẽ có trợ cấp, nhưng các quốc gia vẫn phải dành ngân sách để chi trả”, Chizoba Barbara Wonodi, giám đốc Trung tâm Tiếp cận Vaccine Quốc tế của Đại học John Hopkins ở Nigeria, nói. “Vì vậy, họ cần phải có mặt khi đàm phán thỏa thuận”.

Một số quốc gia có thu nhập trung bình cũng cảm thấy bị ép giá, bị đòi hỏi phải trả giá cao hơn mà không rõ ràng họ sẽ nhận được gì hoặc khi nào sẽ nhận được.

Zevallos, Bộ trưởng Y tế Ecuador, cho hay ông đã trò chuyện với những người đồng cấp trong khu vực về những lo ngại quanh việc làm thế nào để nêu vấn đề này với tổng thống để được thông qua.

“Họ bảo rằng, ‘Ta không được lựa chọn nhưng vẫn phải trả tiền'”, Zevallos nói. “Tôi rất thất vọng”.

Berkley, giám đốc Gavi, thừa nhận những bất cập này. “Chúng tôi có nên bàn bạc với tất cả mọi bên không? Chắc chắn là không”, ông nói. “Chúng tôi có đủ sức triệu tập thường xuyên các bên như đáng lẽ nên làm không? Chắc chắn là không. Nhưng chúng tôi đã cố hết sức để làm điều đó”.

“Chúng tôi đã tập hợp toàn thế giới để thảo luận về cách tiếp cận công bằng với vaccine chưa? Chúng tôi đã huy động được số tiền đáng kể chưa? Đây mới là điều cần nói đến”, Berkley nói.

Thủ tướng Anh lắng nghe Bill Gates phát biểu tại Hội nghị Ảo về Tiêm chủng tại Số 10 phố Downing, London, hôm 4/6. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh lắng nghe Bill Gates phát biểu tại Hội nghị Ảo về Tiêm chủng tại Số 10 phố Downing, London, hôm 4/6. Ảnh: Reuters 

Ngày càng nhiều quốc gia cam kết cùng nỗ lực. Ngoài AstraZeneca, hai công ty dược khác đã ký thỏa thuận đang tham gia thử nghiệm và Quỹ Gates cũng đang tài trợ cho một danh mục vaccine thứ hai với mục tiêu hướng đến các nước đang phát triển.

Sẽ có đủ tiền để mua vaccine khi thuốc được cấp phép, Berkley và những người khác cam kết. Họ hy vọng sẽ thu được hàng tỷ USD cần thiết để đạt được mục tiêu.

Trong bối cảnh số ca Covid-19 đang tăng lên nhanh chóng khắp thế giới, Gates cho hay có một cách đơn giản đế đánh giá sáng kiến vaccine toàn cầu.

“Khi nào thì tính là chúng ta đã ngăn chặn được đại dịch? Tất cả những việc chúng ta đã làm cần phải đo đếm được”, ông nói.

(Theo New York Times)

Đọc nhiều