Biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan rộng nhiều nước

08/06/2020 06:46

Phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc từ Mỹ đã lan ra nhiều nước sau cái chết của người da màu George Floyd.

Phớt lờ các biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, hàng trăm ngàn người xuống đường tham gia các cuộc biểu tình ở nhiều quốc gia trên thế giới nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và kêu gọi chấn chỉnh ngành cảnh sát.

Theo Đài Fox News, các cuộc biểu tình lan rộng khắp châu Mỹ, châu Á, châu Âu, châu Úc sau vụ người đàn ông da màu George Floyd (46 tuổi) tử vong vì bị viên cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ hôm 25.5 tại thành phố Minneapolis (bang Minnesota, Mỹ).

Người biểu tình đụng độ cảnh sát tại London, Anh /// Reuters
Người biểu tình đụng độ cảnh sát tại London, Anh

Phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và nhiều người hô vang các khẩu hiệu quen thuộc sau sự việc ở Mỹ như “tôi không thể thở”, “không công lý, không có hòa bình” và “mạng sống người da đen đáng giá”. Tại Đức, cảnh sát cho biết khoảng 20.000 người tham gia biểu tình ở các thành phố Frankfurt và Cologne. Hàng chục ngàn người cũng tuần hành tại Pháp, trong khi tại Tunisia nhiều người hô vang khẩu hiệu “chúng tôi muốn công lý, chúng tôi muốn thở”.

Tại Seoul (Hàn Quốc), nhiều người mặc đồ đen, đeo khẩu trang đen và cầm biểu ngữ với nội dung ủng hộ phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Nhiều người tại Hồng Kông, chủ yếu là sinh viên quốc tế, hôm qua tập trung dưới mưa trước Lãnh sự quán Mỹ để biểu tình và giơ cao hình ảnh của nạn nhân Floyd cùng biểu ngữ “người da đen đáng sống”.

Tuy nhiên tại Anh ít nhất 14 cảnh sát đã bị thương khi đụng độ với người biểu tình trong sự việc “gây sốc và hoàn toàn không thể chấp nhận”, Reuters hôm qua dẫn lời Cảnh sát trưởng London Cressida Dick. Sau khi hàng ngàn người biểu tình trong ôn hòa và tuần hành qua Đại sứ quán Mỹ ở phía nam sông Thames, một nhóm nhỏ đã ném chai lọ và đụng độ với cảnh sát kỵ binh trước dinh thự của Thủ tướng Boris Johnson. Cảnh sát đã bắt giữ 14 người và cho hay con số này sẽ còn tăng lên. Trước nguy cơ biểu tình tái diễn, bà Dick kêu gọi mọi người “tìm cách khác để lên tiếng mà không cần phải ra đường” để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Chính phủ nhiều nước cũng đang nỗ lực cân bằng giữa việc cấp phép biểu tình và phòng chống Covid-19 lây lan do tụ tập đông người. Tại Úc, hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình, bất chấp lời kêu gọi “tìm cách tốt hơn” của Thủ tướng Scott Morrison và lệnh cấm biểu tình của tòa án. Nhiều người tại thành phố Sydney cầm biểu ngữ, đeo khẩu trang có dòng chữ “tôi không thể thở được” và “8 phút 46 giây” – thời gian cảnh sát Derek Chauvin dùng đầu gối đè lên cổ ông Floyd.

Các cuộc biểu tình rầm rộ vẫn tiếp diễn ở Mỹ nhưng không xảy ra bạo động, hôi của như những ngày trước. Tại thành phố Portland (bang Oregon), một số người biểu tình ném pháo sáng vào cảnh sát bất chấp lời cảnh cáo. Chính quyền thành phố trước đó chỉ đạo cảnh sát không sử dụng hơi cay để giải tán đám đông “trừ khi có mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và không có cách khác”. Trong khi đó, nhiều người biểu tình trên khắp nước Mỹ kêu gọi giải thể lực lượng cảnh sát.

Các chính trị gia cũng xuống đường

Đài CNN hôm qua đưa tin thị trưởng da màu của thủ đô Washington D.C. (Mỹ) Buriel Bowser cùng hàng ngàn người xuống đường tham gia biểu tình. Trước đó, bà Bowser cho sơn dòng chữ “Black Lives Matter” (mạng sống người da đen đáng giá) trên 2 tòa nhà gần Nhà Trắng và dùng dòng chữ này đặt tên một quảng trường gần đó. Khắp nước Mỹ, nhiều chính trị gia tham gia biểu tình cùng người dân như Thị trưởng Jim Kenney tại thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania), Thị trưởng Brendon Barber tại thành phố Georgetown (Nam Carolina), Thị trưởng Keisha Lance Bottoms tại thành phố Atlanta (Georgia) cùng nhiều quan chức khác. Trước đó, các thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Kamala Harris và Chris Coons cũng tham gia biểu tình trước Nhà Trắng.

Khánh An/TN

Đọc nhiều